(ĐCSVN) - Ngày 8/11, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã công bố bản báo cáo gây bất lợi cho Iran trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang gia tăng sức ép với quốc gia Hồi giáo này. Bản báo cáo đã gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận quốc tế.
Tính thuyết phục chưa cao
|
Natanz - nhà máy làm giàu uranium của Iran (Ảnh: AP) |
Báo cáo gồm 13 trang, gắn kèm thông tin tình báo chi tiết về Iran và nghiên cứu của IAEA bày tỏ “lo ngại sâu sắc về khả năng quân sự tiềm tàng trong chương trình hạt nhân của Iran”, đồng thời khẳng định có thông tin "đáng tin cậy" rằng, Iran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân, phát triển một số thiết bị nổ hạt nhân và đã đạt đến bước “thử nghiệm các bộ phận cấu thành”.
IAEA cho rằng những hoạt động này được tiến hành theo một chương trình có tổ chức từ trước cuối năm 2003 và có thể vẫn đang tiếp diễn. Do đó, IAEA yêu cầu Iran nhanh chóng hợp tác để cung cấp các giải trình chi tiết.
Chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được cho là đã xây dựng một địa điểm thử chất nổ tối mật tại Parchin, nằm ngay ngoài thủ đô Tehran và đang tiến hành thử nghiệm phát triển một vũ khí.
Báo cáo còn cho rằng, các nhà khoa học Iran đang chế tạo một ngòi nổ chính xác công nghệ cao, vốn rất cần thiết cho một thiết bị hạt nhân và phát triển lõi uranium cho một đầu đạn hạt nhân. Đồng thời, Iran đang cố lắp một lượng chất nổ hạt nhân vào tên lửa Shahab 3, có thể bắn đến Israel - đối thủ của họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi bác bỏ mọi nghi vấn về chương trình hạt nhân của Iran trong báo cáo của IAEA. Ông Salehi kêu gọi IAEA phải làm việc chuyên nghiệp hơn nữa và những gì hiện được coi là bằng chứng bất lợi cho Iran đều hoàn toàn không có căn cứ.
Iran cho rằng, IAEA không khách quan mà thiên vị rõ ràng. Trong tài liệu dày 117 trang, Iran đã trả lời tất cả những câu hỏi hoài nghi của IAEA, khẳng định chương trình hạt nhân của Iran chỉ nhằm mục tiêu dân sự chứ không theo đuổi mục đích quân sự.
Tối 8/11, Iran bác bỏ báo cáo của IAEA, đồng thời cho rằng tài liệu này “vô căn cứ và bất công”. Phát biểu với hãng thông tấn Fars (Iran), đại diện của Iran tại IAEA Ali Asghar Soltanieh khẳng định các tư liệu trong phụ lục của báo cáo nói trên "không chứa đựng thông tin gì mới, chỉ là sự lặp lại những tuyên bố cũ rích mà Iran đã chứng minh là vô căn cứ trong một tài liệu phản hồi dài 17 trang gửi IAEA cách đây 4 năm". Ông Soltanieh cho rằng, báo cáo của IAEA đã bị chính trị hóa và chịu sức ép của Mỹ.
Iran còn chỉ ra rằng, báo cáo của IAEA chỉ có các bản điện tử, không hề có bản gốc nào của những tài liệu mà họ đã công bố. Tờ Tehran Times bình luận: “Không gì hơn là thu thập đây đó vài tài liệu, ghi vài nguồn tin, ép buộc vài chữ ký và con dấu”. Điều đó khiến dư luận e ngại về tính xác thực của bản báo cáo mà IAEA vừa công bố.
Những phản ứng trái chiều
Bản báo cáo được trông chờ của IAEA có thể gây “lo ngại sâu sắc về hoạt động hạt nhân của Iran” cho dư luận quốc tế, thì Nga lại cho rằng tổ chức này đang gây thêm căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc phương Tây với Iran.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Nga hết sức thất vọng vì báo cáo của IAEA đang trở thành một nguyên nhân gây thêm căng thẳng cho chương trình hạt nhân của Iran”. Về những thông tin Iran nhận sự trợ giúp từ một nhà khoa học vũ khí của Liên Xô trước đây để làm chủ các kỹ thuật cần thiết nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định từ lâu đã cung cấp cho IAEA "tất cả những giải trình cần thiết".
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, cần thời gian để nghiên cứu báo cáo mới của IAEA về các hoạt động hạt nhân của Iran và từ chối đưa ra bất cứ bình luận tức thời nào về nội dung. Phát ngôn viên cơ quan này là Victoria Nuland nói: "Báo cáo mới được gửi cho các nước thành viên cách đây không lâu, vì vậy chúng tôi cần thời gian để xem xét trước khi nhận xét".
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Đức Christian Wulff nhân chuyến thăm Đức (8/11), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận định Iran sẽ tự nguyện cung cấp các bằng chứng về chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, việc Israel hay một số nước đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Iran rất đáng lo ngại do có thể dẫn đến chiến tranh.
Mỹ và các nước đồng minh dự kiến sẽ lấy các tài liệu này làm cơ sở để gây thêm sức ép về cấm vận và trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, Nga cũng chỉ trích bản báo cáo, cho rằng nó sẽ có hại cho những hi vọng đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran và có mục đích chấm dứt các giải pháp ngoại giao.
“Chúng tôi rất nghi ngờ tính công bằng và hợp pháp của nội dung bản báo cáo cho công luận rộng rãi, chủ yếu bởi vì chính xác lúc này, những cơ hội để nối lại cuộc đàm phán giữa cộng đồng quốc tế và Tehran sắp được khởi động trở lại”. Matxcơva cho rằng bản báo cáo cần thêm điều kiện nghiên cứu xem nó có đưa ra được bằng chứng gì mới về các hoạt động hạt nhân quân sự của Iran hay không, hay chỉ đơn giản là “có chủ ý và phản tác dụng, tranh thủ cảm xúc của công luận”.
Thiên vị và chịu sức ép?
IAEA nói họ đã thực hiện bản báo cáo này dựa trên đánh giá cẩn trọng thông tin tình báo từ các quốc gia thành viên và nó nhất quán về các chi tiết kỹ thuật, các cá nhân và tổ chức cũng như khung thời gian. “IAEA có những quan ngại nghiêm trọng đối với những khía cạnh quân sự có thể trong chương trình hạt nhân của Iran”
Theo bản báo cáo, tình báo Mỹ ước tính năm 2007 Iran đã tiếp tục các nỗ lực nắm vững công nghệ phát triển chất nổ hạt nhân, được khởi động từ năm 2003. Bản báo cáo cũng dẫn thông tin từ hai quốc gia thành viên cho biết Iran đã tiến hành các nghiên cứu mô hình trên máy tính liên quan tới vũ khí nguyên tử trong giai đoạn 2008-2009.
Các nguồn tin còn chỉ ra Iran đã xây dựng một khu vực thử nghiệm các vụ nổ lớn ở khu phức hợp quân sự Parchin, đông nam Tehran, nơi có thể tiến hành các thí nghiệm nguyên tử, “là những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy khả năng phát triển vũ khí (hạt nhân)”.
Tuy nhiên, tờ Tehran Times đã trích dẫn các công hàm do WikiLeaks tiết lộ rằng ông Amano từng hứa sẽ hợp tác với Mỹ và “báo cáo mới của Amano cho thấy những cam kết mới nhất của ông ta với Mỹ, mà nhờ đó ông ta nhận được sự chấp thuận của Washington để làm tổng giám đốc IAEA thêm một nhiệm kỳ nữa”.
Tehran Times còn chỉ rõ: Israel mới đây (2/11) đã bắn thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa Jericho-3 mang đầu đạn nặng 750 kg và tầm bắn lên tới gần 10.000 km. Israel hiện đang sở hữu một kho vũ khí với 300 đầu đạn hạt nhân; với các tên lửa từng được thử nghiệm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn có thể vươn tới Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác, nhưng lại không bị chỉ trích và không được coi là mối đe dọa với khu vực và thế giới…
Vì thế, từ lâu, Tehran vẫn coi người đứng đầu IAEA, ông Yukiya Amano là một công cụ của Mỹ và ngày càng đưa ra những bằng chứng về sự thiên vị và chịu sức ép của Mỹ và phương Tây, làm cho các các hoạt động và các bản báo cáo của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran không thể hiện được tính công bằng, khách quan./.