Lần đầu tiên sau nhiều năm cầm quyền, Thủ tướng I-ta-li-a Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni (Silvio Berlusconi) tuyên bố đồng ý từ chức với điều kiện các biện pháp cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) được quốc hội nước này thông qua. Như vậy, ông Béc-lu-xcô-ni rất có thể sẽ là nhà lãnh đạo thứ hai ở châu Âu trở thành nạn nhân của “nợ công”, sau Thủ tướng Hy Lạp Pa-pan-đrêu (Papandreu), người phải chấp nhận “ra đi” ba ngày trước đó.
|
Thủ tướng I-ta-li-a Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni. Ảnh: Internet |
Năm nay 75 tuổi, ông Béc-lu-xcô-ni đã từng giữ chức vụ Thủ tướng I-ta-li-a 3 nhiệm kỳ ở quốc gia hình chiếc ủng bất chấp việc uy tín của ông liên tục bị giảm sút sau những xì-căng-đan bê bối tình dục, cáo buộc gian lận và trốn thuế. Ông Béc-lu-xcô-ni luôn là đề tài tranh cãi và là nhân vật được báo chí đưa lên tin hàng đầu trên các trang báo, thậm chí chính ông Béc-lu-xcô-ni cũng thừa nhận đã phải ra tòa tới… 2.500 lần trong suốt hai thập niên qua. Thế nhưng, những vụ xì-căng-đan trên không “hạ gục” được ông mà chính “căn bệnh nợ công” ở châu Âu nói chung và ở I-ta-li-a nói riêng mới là nguyên nhân khiến chiếc ghế Thủ tướng của ông lung lay.
Ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công khởi đầu tại Hy Lạp, quốc gia từng được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” của châu Âu, đã đẩy nước này đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lớn chưa từng có, chiếm tới 13,6% GDP, và nợ công lên tới 115% GDP. Mặc dù EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tung ra nhiều gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ ơ-rô nhưng cũng không thể điều trị “căn bệnh nợ công” ở Hy Lạp. Thậm chí, “vi-rút” nợ công tiếp tục lây lan sang các quốc gia thành viên khác trong khu vực như Ai-len, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cho thấy hậu quả từ việc các quốc gia châu Âu vì quá vội vã gia nhập khu vực đồng ơ-rô đã quyết định áp dụng những biện pháp thiếu thận trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự chênh lệch trình độ kinh tế giữa các nước thành viên, cụ thể là giữa Ðức, Pháp với Hy Lạp, Ai-len, khiến quá trình phối hợp chính sách trong nhiều trường hợp trở nên khó khăn. Do dùng đồng ơ-rô, các nước EU không thể sử dụng lãi suất và tỷ giá làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. EU cũng không có chính sách lương, giá và thị trường lao động, hàng hóa đủ linh hoạt để ứng phó trước “cú sốc” khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bên cạnh đó, phúc lợi xã hội quá tốt ở các nước châu Âu, đặc biệt là một số nước Bắc Âu, khiến cho châu Âu kém sức cạnh tranh hơn trong khi các chính phủ lún sâu vào nợ nần nhiều hơn. Chính phủ khó có thể kích thích người dân làm việc bởi lẽ làm nhiều, thu nhập cao đồng nghĩa với việc phải đóng thuế cao.
Vì thế, ngay khi vừa bị “vi-rút” nợ công tấn công, I-ta-li-a đã nhanh chóng rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Để thoát khỏi “khủng hoảng” nợ công, Chính phủ của ông Béc-lu-xcô-ni đã triển khai chương trình “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt với hy vọng không phải đi theo “vết xe đổ” của các nước láng giềng. Tuy nhiên, chính sách khắc khổ này đã không nhận được sự ủng hộ của người dân. Giống như nhiều nước châu Âu, điểm yếu trong tài chính công và triển vọng tăng trưởng thấp ở I-ta-li-a là nguyên nhân khiến quốc gia này dễ bị tổn thương. Trong suốt 10 năm qua, tăng trưởng trung bình của I-ta-li-a đều chưa đạt 0,3%/năm, mức thấp nhất trong các nước EU. Ngược lại, mục tiêu thâm hụt ngân sách là 3,9% GDP, trên mức trung bình của các quốc gia EU, trong khi nợ công của I-ta-li-a chiếm khoảng 120% tổng sản phẩm quốc nội.
Chấp nhận từ chức “có điều kiện” là sự lựa chọn tất yếu của ông Béc-lu-xcô-ni trong bối cảnh “cơn bão” nợ công vẫn tiếp tục đe dọa I-ta-li-a và nhiều quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, dù ông Béc-lu-xcô-ni, ông Pa-pan-đrêu hay bất cứ nhà lãnh đạo châu Âu nào, thì điều cần thiết trong lúc này là châu Âu phải xây dựng “một bức tường lửa” vững chắc ngăn chặn ảnh hưởng nợ công. Châu Âu cần phải thúc đẩy sự tiến bộ một cách không trì hoãn, nếu không các nền kinh tế ở khu vực này sẽ còn tiếp tục hứng chịu những tác động lớn. Thậm chí, cuộc khủng hoảng nợ công sẽ còn gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế toàn cầu. Ngày 9-11, Tổng giám đốc IMF C. La-gác-đơ (C. Lagarde) đã phải lên tiếng cảnh báo, thế giới đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng "bấp bênh và bất ổn định về tài chính", đồng thời hối thúc các nền kinh tế châu Á tự bảo vệ lấy mình trước sự lây lan của các vấn đề mà châu Âu đang gặp phải.