(ĐCSVN) – Khi bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011. Sự tươi tắn, rạng rỡ là những hình ảnh thường thấy trên gương mặt của người từng đứng đầu chính phủ Thái Lan mỗi lần xuất hiện. Tuy vậy, con đường chính trị của “người đàn bà đẹp” này đã vấp phải rất nhiều chông gai và đã phải tạm dừng lại trước phán quyết của Tòa án....
Sự xuất hiện bất ngờ trên chính trường
Trong khi người anh ruột của bà Yingluck là ông Thaksin thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp chính trị thì bà vẫn được coi là “người ngoại đạo” đối với chính trường Thái Lan. Người ta biết đến cái tên Yingluck Shinawatra với tư cách là một doanh nhân thành đạt chứ không phải một chính trị gia.
|
Bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011 (Ảnh: Getty Images) |
Yingluck là con út trong gia đình Lert và Yindee Shinawatra có 9 người con. Bà nhận bằng Khoa học chính trị tại Đại học Chiang Mai năm 1988 và lấy bằng thạc sĩ cùng ngành ở Đại học bang Kentucky, Hoa Kỳ 2 năm sau đó. Bà Yingluck cưới ông Anusorn Amornchat, Giám đốc điều hành của M Link Asia, một công ty phân phối điện thoại di động. Họ có với nhau một con trai.
Bà Yingluck có gần 20 năm tham gia điều hành các công việc kinh doanh của gia đình Shinawatra. Trong đó, bà giữ vai trò là Tổng giám đốc của công ty điện thoại di động AIS (công ty điện thoại di động lớn nhất Thái Lan), và sau đó là Tổng giám đốc và Chủ tịch Công ty phát triển bất động sản SC Assets.
Ngày bà Yingluck bước chân vào chính trường Thái Lan, nhiều người không khỏi bất ngờ. Bởi trước đó, bà công khai tuyên bố rằng, bà không có ý định dẫn dắt đảng Vì nước Thái (Puea Thai). Song bà Yingluck đã đổi ý vào phút chót và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Bước vào con đường chính trị, bà Yingluck theo đuổi nhất quán thông điệp chính trị của Puea Thai, nhấn mạnh vào sự hòa hợp và thông cảm cho những người dân nghèo, nhấn mạnh nền tảng của nền chính trị mà gia đình Shinawatra theo đuổi. Các chính sách mà bà đưa ra hướng tới đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng có thu nhập thấp như: Nông dân, sinh viên, người nghèo đô thị và tầng lớp trung lưu đang chật vật. Theo đó, chính phủ cung cấp máy tính bảng cho học sinh, cấp thẻ tín dụng và trợ giá mua gạo cho nông dân, miễn thuế cho những người mua nhà và ô tô lần đầu, tăng đáng kể mức lương tối thiểu…
Đây cũng là chính sách mà trước đó, người anh trai của bà Yingluck – ông Thaksin thực hiện trong thời gian còn đương chức. Chính những điều này đã khiến bà Yingluck cũng như gia đình Shinawatra nhận được nhiều yêu mến từ người dân nghèo Thái Lan.
Những bước đi không mấy dễ dàng...
Đón nhận cương vị mới đầy trọng trách trong bối cảnh xã hội Thái Lan có sự chia rẽ sâu sắc kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính năm 2006, bà Yingluck biết được khó khăn, thách thức trên con đường mới mà mình lựa chọn. Ngay trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Yingluck cho biết, muốn sử dụng sức mạnh nữ tính của mình để hòa hợp đất nước: "Tôi mong có cơ hội được thể hiện bản thân. Tôi mong các vị tin tôi như đã tin anh trai tôi". Nhưng khi bà chưa kịp thực hiện nhiều việc để làm nên sự “hòa hợp” ấy, thì thách thức mới lại ập xuống khi Thái Lan phải đối mặt với trận lũ lụt lịch sử cũng trong năm 2011 – thời điểm chỉ sau khi bà nhậm chức một thời gian ngắn.
Số người thiệt mạng vì lũ lụt vượt quá con số 500 người (chủ yếu là do đuối nước). Thủ đô Bangkok cũng bị ngập lụt nặng. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, chưa kể việc hư hại về công trình, nhà xưởng do bị ngập trong nước quá lâu.... Phản ứng có phần chậm chạp của bà Yingluck trước trận “đại hồng thủy” và những điều kiện khách quan không thuận lợi đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín của bà.
|
Người biểu tình chống chính phủ, được dẫn đầu bởi ông Suthep Thaugsuban đã liên tục tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong suốt 6 tháng qua tại Thái Lan (Ảnh: Bangkok Post) |
Tiếp đó, sang năm 2012, chính phủ Thái Lan bắt đầu đề xuất dự Luật ân xá. Theo đó, chính phủ có thể ân xá cho tất cả các đảng phái cũng như cá nhân bị bắt giữ liên quan đến các vụ bạo động đường phố kể từ năm 2004. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng, mục đích chính của dự Luật là nhằm "xóa tội" cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – anh trai của bà Yingluck thông qua điều khoản xóa tội cho các cá nhân có hành vi sai trái như: sát hại người biểu tình không có vũ trang. Ông Thaksin bị tòa án Thái Lan kết tội tham nhũng và kết án vắng mặt 2 năm tù. Hiện ông đang sống lưu vong tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Dự Luật ân xá chính là mấu chốt gây nên làn sóng biểu tình rầm rộ tại Thái Lan kể từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay. Sau khi Hạ viện Thái Lan thông qua dự Luật ân xá hôm 1/11/2013, các cuộc biểu tình đã lan rộng tại Bangkok và nhiều khu vực khác. Người biểu tình – trong đó đứng đầu là cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đã luôn yêu cầu Thủ tướng Yingluck phải từ chức, Quốc hội phải giải tán. Họ cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình có quy mô lớn, bao vây và chiếm giữ hàng chục cơ quan của chính phủ tại thủ đô Bangkok và phát động các cuộc tuần hành tương tự trên khắp các tỉnh thành, khuyến khích các nhân viên công sở ngừng làm việc cho chính phủ.
Trong một nỗ lực hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị do làn sóng biểu tình phản đối chính phủ gây ra, bà Yingluck ngày 9/12/2013 đã ra lệnh giải tán Quốc hội và kêu gọi tiến hành bầu cử vào ngày 2/2/2014. Song phe biểu tình tuyên bố, họ không muốn tiến hành bầu cử. Vì họ biết rõ rằng, đảng Vì nước Thái (Puea Thai) gần như chắc chắn sẽ tiếp tục giành phần thắng nhờ sự ủng hộ của đông đảo người dân khu vực nông thôn ở đất nước 66 triệu dân này. Và chính người biểu tình đã ngăn cản, khiến cho kết quả bầu cử không được công nhận. Hiện Thái Lan vẫn đang lên kế hoạch cho một cuộc tổng tuyển cử mới.
Chưa hết, ngày 16/1/2014, Ủy ban chống tham nhũng của Thái Lan cho biết sẽ điều tra Thủ tướng Yingluck Shinawatra do liên quan đến chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi của chính phủ. Chương trình trợ giá gạo đã bị dư luận và phe đối lập lên án dữ dội vì nó gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, khiến Thái Lan mất đi vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Gần đây nhất, bà vấp phải cáo buộc đã lạm dụng quyền lực trong việc điều chuyển nhân sự vào năm 2011. Và chính từ cáo buộc này, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7/5 đã ra phán quyết cách chức bà cùng 9 thành viên nội các.
Và... một kết thúc buồn
Sóng gió đã liên tiếp ập đến bà Yingluck, đặc biệt trong những ngày gần đây. Ngày 6/5, trong phiên điều trần trước Tòa án Hiến pháp, Yingluck Shinawatra đã bác bỏ cáo buộc bà lạm dụng quyền lực trong việc điều chuyển nhân sự. Bà cho biết không vi phạm bất cứ luật nào hoặc được bất kỳ lợi lộc nào trong việc chuyển ông Thawil Pliensri khỏi cương vị Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia hồi năm 2011. Bà khẳng định, việc điều chuyển này là vì lợi ích quốc gia.
|
Kể từ sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7/5/2014, bà Yingluck Shinawatra phải rời bỏ cương vị Thủ tướng tạm quyền đang nắm giữ (Ảnh: Bangkok Post) |
Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp vẫn đưa ra phán quyết buộc bà và 9 thành viên nội các khác phải rời khỏi vị trí đang nắm giữ. Phán quyết này đã làm hài lòng những người phản đối bà bởi họ cho rằng, hành động của bà nhằm mục đích đem lại lợi ích cho đảng Puea Thai và một người thân của bà. Lý do đưa ra là bởi sau khi điều chuyển ông Thawil, một người họ hàng của bà Yingluck là ông Priewpan Damapong đã lên nắm cương vị người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia.
Cũng theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan, ông Thawil – người bị bà Yingluck điều chuyển nhiệm vụ năm 2011 – sẽ được khôi phục chức vụ. Sau phiên tòa, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan đã được cử làm Thủ tướng tạm quyền mới của Thái Lan.
Ngày 8/5, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) của Thái Lan đã chính thức buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lơ là trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi của chính phủ.
Người đứng đầu NACC, ông Panthep Klanarongran cho biết, các thành viên trong Ủy ban đã nhất trí cho rằng, bà Yingluck đã phớt lờ tình trạng tham nhũng trong quá trình triển khai chương trình của chính phủ trợ giá lúa gạo cho nông dân trên toàn quốc kể từ vài năm trước. Ông Panthep cho biết, vụ này sẽ được chuyển lên Thượng viện vào tuần tới để bỏ phiếu có luận tội Thủ tướng bị phế truất này hay không. Theo Hiến pháp Thái Lan, việc luận tội như vậy sẽ cần sự chấp thuận của tối thiểu 3/5 số Thượng nghị sĩ. Nếu bị Thượng viện tuyên có tội, bà Yingluck có khả năng bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Trong một cuộc họp báo trên truyền hình sau khi nhận phán quyết của Tòa án, bà Yingluck đã nói: “Trong suốt thời gian làm Thủ tướng, tôi đã nỗ lực hết sức vì lợi ích của nhân dân... Tôi chưa bao giờ phạm phải những hành động trái pháp luật như tôi đã bị cáo buộc. Kể từ bây giờ, cho dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, tôi cũng sẽ đi theo con đường dân chủ. Tôi rất buồn vì sau này tôi không thể phục vụ các bạn nữa”.
Từ sau quyết định phế truất Thủ tướng, các cuộc biểu tình giữa các phe phái vẫn tiếp tục tại Thái Lan. Những người biểu tình phản đối bà Yingluck và chính phủ tạm quyền vẫn kêu gọi cải cách chính trị trước khi diễn ra các cuộc bầu cử mới.
Liên hợp quốc đã kêu gọi tất cả các bên tại Thái Lan tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại mang tính xây dựng. Một đồng minh thân cận của Thái Lan là Mỹ cũng đã kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng ở xứ sở chùa Vàng, một giải pháp bao gồm cả bầu cử và một chính phủ được bầu.
Hơn bao giờ hết, người dân Thái Lan mong muốn một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần nửa năm qua tại đất nước họ. Bởi họ là người hiểu hơn ai hết, tình trạng rối ren hiện nay sẽ khiến cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này thêm sa sút, du lịch giảm sút và một chính phủ tạm quyền với quyền lực hết sức hạn chế./.