Cộng đồng ASEAN - nhận thức, bản lĩnh và hành động chung

Thứ ba, 24/11/2015 10:44

(ĐCSVN) - Hội nghị cấp cao ASEAN 27 đã đặt dấu mốc lịch sử khi mở ra chương mới trong sự phát triển của Hiệp hội các nước Đông Nam Á bằng Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN"- Cộng đồng của nhận thức, bản lĩnh và hành động chung vì thống nhất, hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới

 Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 27
tại Kuala Lumpur, Malaysia.  (Ảnh: ASEAN Presscentre)


Cách đây gần nửa thế kỷ, ngày 8/8/1967, tại Băng Cốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tuyên bố ra đời, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra một giai đoạn hợp tác mới của các nước Đông Nam Á, tạo tiền đề quan trọng cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN ngày hôm nay.

Ngay từ khi thành lập, ASEAN đã đặt mục tiêu cao cả ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa, tăng cường hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước thành viên, cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.

Từ 5 quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đặt bút ký vào bản Tuyên bố Băng Cốc, ngày nay Hiệp hội đã gồm 10 nước, bao trùm hầu hết khu vực Đông Nam Á với diện tích 4,5 triệu km². Với dân số khoảng trên 600 triệu người, với nền văn hóa hết sức đa dạng, phong phú và đặc sắc, ASEAN đang là một khu vực kinh tế năng động và phát triển cao.

Để tiến tới một Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập cộng đồng ASEAN", các thành viên ASEAN đã trải vượt qua nhiều thách thức, khác biệt để tìm ra những điểm tương đồng tiến tới một nhận thức chung, bản lĩnh chung và hành động chung của Hiệp hội. Lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN đã chỉ ra 4 dấu mốc quan trọng trong tiến trình gần nửa thế kỷ đó. Giai đoạn hình thành và khẳng định tính đúng đắn và sự cần thiết của Hiệp hội diễn ra từ năm 1967 tới giữa những năm 70 của thế kỷ 20. Sự phát triển của mối quan hệ khăng khít giữa các quốc gia thành viên đã đưa tới sự kiện quan trọng: ngày 24/2/1976, tại Bali, Indonesia, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) hay còn gọi là Hiệp ước Bali, đã ra đời với mục tiêu thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn, tình hữu nghị và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các nước thành viên, góp phần tăng cường sức mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nước Đông Nam Á.

Với sự tham gia của Việt Nam, tiếp theo là Lào, Mi-an-ma và sau đó là Căm-pu-chia, lần đầu tiên trong lịch sử Đông Nam Á sự đối đầu đã chính thức chấm dứt, mở ra thời kỳ mới của hòa bình, hợp tác và phát triển. Trên cơ sở một nền hòa bình vững chắc cùng với ý nguyện chung tay xây dựng một cộng đồng phồn thịnh, tháng 12/1997, tại Hội nghị Cấp cao không chính thức tại Kua-la Lăm-pơ, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, ASEAN đã thông qua văn kiện Tầm nhìn ASEAN tới 2020 với mục tiêu tổng quát đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các dân tộc đùm bọc lẫn nhau”.

Tầm nhìn ASEAN 2020 là văn kiện quan trọng đặt nền tảng cho ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN những năm sau đó. Ý tưởng về một cộng đồng đã ra đời và trở thành quyết tâm không gì lay chuyển nổi của các quốc gia muốn gắn kết với nhau thành một khối thống nhất hùng mạnh vì mục tiêu xây dựng một nền hòa bình mãi mãi, mang lại phồn thịnh cho khu vực, vì hạnh phúc của nhân dân. Tháng 11/2007 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 ở Xinh-ga-po, Hiến chương ASEAN, văn kiện quan trọng hàng đầu của Hiệp hội, đã được ký kết tạo khuôn khổ pháp lý và thể chế hỗ trợ ASEAN gia tăng liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng.

Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết ASEAN và sự hình thành cộng đồng này có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới. Cộng đồng ASEAN cũng thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.

Tuyên bố Kuala Lumpur nêu rõ mục tiêu của Cộng đồng ASEAN: “Khẳng định hơn nữa cam kết của chúng ta đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể của chúng ta nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội; Tin tưởng rằng sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, đảm bảo hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung; Nhấn mạnh mong muốn của chúng ta nhằm tiến tới một ASEAN thực sự dựa trên luật lệ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, nơi các dân tộc của chúng ta tiếp tục tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ tiến trình liên kết và xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN; và bảo đảm tiếp tục thực hiện các cam kết của chúng ta đối với tiến trình xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN, trong đó có tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN…”

Chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thử thách nhưng với mong ước và lợi ích chung cao nhất mà các quốc gia thành viên ASEAN đều chia sẻ về một môi trường khu vực hòa bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển. Sau gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN với bề dày kinh nghiệm và độ trưởng thành, với tinh thần đoàn kết và khả năng ứng xử linh hoạt, Cộng đồng ASEAN sẽ có đủ bản lĩnh, vững vàng vượt qua các trở ngại và thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra./.

                                                                                                                                                 Vũ Cân

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực