Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tháng 11-2015 tại Malaysia. (Ảnh: CPV)
Thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN (31/12/2015) đang đến gần. Các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, coi đây là một nhiệm vụ có vai trò quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn đối với việc định hình Cộng đồng ASEAN nói chung. Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị khu vực diễn biến phức tạp, căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua đòi hỏi các nước ASEAN cần củng cố đoàn kết, tăng cường sức mạnh của khu vực để đối phó với các thách thức, đe dọa nhiều chiều đang nổi lên, vì lợi ích chung là bảo đảm vững chắc hòa bình, an ninh, ổn định, hỗ trợ mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, đóng góp cho thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN
Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC): Trụ cột quan trọng của ASEAN
Từ việc ra đời Diễn đàn khu vực ASEAN ARF năm 1994, đến ý tưởng xây dựng Cộng đồng An ninh ASEAN vào năm 2003, và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN 2007 về việc xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), như là một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN là cả một bước tiến dài của các nước thành viên ASEAN.
APSC được hình thành nhằm mục tiêu tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài. Hợp tác trong khuôn khổ APSC bao gồm hợp tác kiến tạo một nền an ninh toàn diện ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ứng phó thiên tai khẩn cấp và hợp tác về an ninh hàng hải… APSC không hướng tới hình thành liên minh quân sự hay một khối phòng thủ chung ở khu vực. Các nước thành viên có quyền tự do theo đuổi chính sách đối ngoại riêng, bố trí phòng thủ riêng.
Năm 1994, bắt đầu từ sáng kiến của Indonesia, APSC là bước phát triển cao hơn của các nỗ lực hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN. Trong tuyên bố Bali II, thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 9-2003 tại Bali, Indonesia, Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) sau đổi tên thành Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) được xác định là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, nhằm đưa hợp tác chính trị - an ninh khu vực lên tầm cao mới, để các quốc gia trong khu vực sống hòa bình trong một môi trường bình đẳng, dân chủ và hòa hợp.
Để tiến tới hình thành Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), các nước thành viên đã xây dựng một Kế hoạch tổng thể, xác định 157 hoạt động hợp tác cụ thể, trong đó tập trung vào 14 lĩnh vực ưu tiên. Việc triển khai Kế hoạch tổng thể APSC được ASEAN nhất trí cao từ các nhà Lãnh đạo ASEAN cho tới cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp (SOM) và cấp làm việc thông qua các cơ chế trong ASEAN như Cấp cao ASEAN, Cộng đồng điều phối ASEAN (ACC), Cộng đồng APSC, Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và nhiều cơ quan chuyên ngành khác nhau. Bên cạnh đó, ASEAN cũng tăng cường hợp tác với các nước đối thoại và đối tác của ASEAN tại các diễn đàn/cơ chế khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)...
Kế hoạch hành động xây dựng APSC được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 vào tháng 11-2004 đã khẳng định lại các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội và đề ra 6 lĩnh vực hợp tác chính gồm: Hợp tác chính trị; Xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; Ngăn ngừa xung đột; Giải quyết xung đột; Kiến tạo hòa bình sau xung đột và Cơ chế thực hiện. Kèm theo đó là danh mục 75 hoạt động cụ thể để xây dựng APSC.
Kế hoạch tổng thể APSC 2009-2015, được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2009, đã xác định 3 thành tố chính của APSC gồm:
Một là, xây dựng một cộng đồng dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung.
Hai là, tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện (bao gồm cả các mối đe dọa quân sự và phi quân sự).
Ba là, hướng tới một khu vực năng động và rộng mở với bên ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và tùy thuộc.
Để thúc đẩy thành tố đầu tiên của APSC, ASEAN đang không ngừng tăng cường hợp tác chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực thể hiện trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác an ninh biển...
Để cụ thể hóa thành tố thứ hai, ASEAN tập trung hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau nhằm ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng - an ninh, nghiên cứu các biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình và hợp tác kiến tạo hòa bình sau xung đột cũng như hợp tác trên các lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
Với thành tố thứ ba, ASEAN tích cực tăng cường vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng, mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, nỗ lực phát huy vị trí là động lực chính trong một cấu trúc khu vực cởi mở và minh bạch.
Theo kế hoạch trên, ASEAN đã và đang đẩy mạnh hợp tác về chính trị, chia sẻ các chuẩn mực, hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau nhằm ngăn ngừa xung đột; thúc đẩy hợp tác về quốc phòng - an ninh, nghiên cứu các biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình và hợp tác kiến tạo hòa bình sau xung đột cũng như hợp tác trên các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. ASEAN cũng tích cực tăng cường vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực, mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, nỗ lực phát huy vị trí là động lực chính trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và thu nạp.
Các lĩnh vực hợp tác hướng tới APSC ngày càng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu, như: hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM Mở rộng (ADMM+); hợp tác đảm bảo an ninh biển được thúc đẩy theo khuôn khổ Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF); Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) được thành lập theo quy định của Hiến chương và ASEAN lần đầu tiên đã thông qua Tuyên bố về Nhân quyền (AHRD), khẳng định cam kết hợp tác thúc đẩy và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân trong khu vực…
Nhằm củng cố và duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, ASEAN không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi với các đối tác, thúc đẩy và làm phong phú các diễn đàn đối thoại và hợp tác ở khu vực do ASEAN chủ trì như ASEAN + 1, ASEAN + 3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị ADMM Mở rộng (ADMM +) với 8 đối tác (gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ), tạo điều kiện khuyến khích các đối tác tham gia đóng góp tích cực, xây dựng, trên cơ sở tôn trọng các mục tiêu và nguyên tắc quan hệ mà ASEAN đã đề ra, đối với các vấn đề liên quan hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ ASEAN tăng cường liên kết và xây dựng Cộng đồng.
Tuy nhiên, ASEAN hiện đang đối mặt với không ít thách thức, trong đó nổi bật là những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Điều này càng đặt ASEAN vào thế chủ động tăng cường hợp tác khu vực, sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông COC, tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tháng 11-2015 tại Malaysia, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kêu gọi các bên tự kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, nhất trí cần phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.
Việt Nam - thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN
Là bộ phận gắn bó khăng khít, một thành viên có trách nhiệm trong ASEAN 20 năm qua, tương lai phát triển của Việt Nam sẽ tiếp tục gắn với ASEAN. Một cộng đồng ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ chính là ưu tiên và lợi ích mà Việt Nam theo đuổi.
Trước những hoạt động tôn tạo, bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin, sự tin cậy giữa các nước liên quan, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết trong ASEAN, kiên trì tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tháng 11-2015 tại Malaysia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực; thể hiện uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN. Hiệp hội đã có một số nỗ lực trong việc xử lý vấn đề Biển Đông, kể cả bày tỏ quan ngại và lập trường chung về vấn đề này, gần đây nhất là tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 (tháng 4-2015) và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (tháng 8-2015)… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực tế tình hình này đòi hỏi ASEAN tiếp tục đoàn kết và thống nhất, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN. Tăng cường trao đổi và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trước mắt tập trung cụ thể hóa Điều 5 (về kiềm chế và không làm phức tạp tình hình); trao đổi thực chất, sớm thông qua COC…
Việt Nam cũng tích cực triển khai các sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) về thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN; chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), góp phần nâng cao vai trò của diễn đàn đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn biển cũng như tự do hàng hải trong khu vực và tham gia các hoạt động cụ thể của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác về phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm.
Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có những đề xuất liên quan đến xây dựng lòng tin, đưa những chuẩn mực của ASEAN như Tuyên bố về Hiệp ước thân thiện ASEAN… thành một trong những chuẩn mực của toàn khu vực với mục tiêu xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định sau năm 2015.
Việt Nam hiện đang tiếp tục cùng các nước thành viên ASEAN đẩy mạnh đoàn kết, tăng cường hợp tác để hiện thực hoá thành công tầm nhìn về một cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm xã hội”, nơi người dân các quốc gia thành viên được “sống trong hoà bình, an ninh và ổn định bền vững, tăng trưởng kinh tế lâu dài, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội”./.
Tấn Vũ