(ĐCSVN) – Tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2014, diễn ra tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu với nhiều nội dung.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2014. (Nguồn: Xinhua) |
Chủ đề của Hội nghị năm nay là "Xây dựng quan hệ đối tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hướng tới tương lai", thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa nền kinh tế khu vực, đổi mới phát triển, cải cách và tăng trưởng nền kinh tế, coi trọng việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng với năng lực tương tác toàn diện giữa các nền kinh tế trong khu vực APEC.
Ngày 10/11 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2014 về "Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách". Đây là sự kiện đầu tiên trong tuần lễ cấp cao APEC có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC và là Hội nghị quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị năm nay diễn ra trong hai ngày từ 9-10/11, với sự tham dự của hơn 1.500 lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, trong đó có khoảng 1/4 doanh nghiệp nằm trong nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới tham gia.
Công tác chuẩn bị cho APEC năm 2014 cũng được Trung Quốc chuẩn bị một cách chu đáo. Trước khi Hội nghị diễn ra, chính quyền Bắc Kinh đã thiết lập những quy định nghiêm ngặt nhất có thể nhằm đảm bảo công tác an ninh, chống khủng bố và bảo vệ môi trường trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị.
Nhiều cuộc giao lưu và đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế với giới doanh nghiệp trong khu vực, nhằm trao đổi tầm nhìn về các vấn đề hợp tác kinh tế, đặc biệt là vấn đề kết nối cơ sở hạ tầng giữa các nước và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do trong khu vực. Đáng chú ý là các cuộc gặp giữa Trung Quốc với Mỹ, Nga và Nhật Bản…
Hội nghị APEC lần này, nước chủ nhà Trung Quốc đề xuất hai nội dung quan trọng: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với nhiệm vụ tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực, và “con đường tơ lụa” trên biển thế kỷ 21 nhằm đẩy mạnh kết nối thương mại nội khối thông qua Biển Đông. Đề xuất thành lập AIIB của Trung Quốc được cho là xuất phát từ nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng, qua đó có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính trong khu vực.
Đặc biệt đáng chú ý là việc Trung Quốc tuyên bố đầu tư 40 tỷ USD để thành lập quỹ “Con đường tơ lụa”, đưa ra một khái niệm mới về “Giấc mơ Châu Á - Thái Bình Dương” và những nỗ lực nhằm xúc tiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), với số vốn ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD…
Trên thực tế, chương trình nghị sự của APEC lần này được đề ra hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Các chủ đề bàn luận trong Hội nghị đều nằm trong số những ưu tiên trong chính sách đối nội của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc thông qua một sáng kiến chống tham nhũng. Chủ đề chính của Hội nghị lần này cũng tương tự như “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực”, “Thúc đẩy phát triển đổi mới” và “Củng cố sự kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng”. Tham vọng của Trung Quốc tại khu vực, bao gồm kết nối thông qua hệ thống đường sắt, cảng biển, đường cao tốc và đường ống (dẫn dầu, dẫn khí đốt), đã được bàn thảo tại Hội nghị.
Theo tờ “The Diplomat”, Hội nghị APEC lần này cũng là cơ hội hiếm có để Trung Quốc có thể lôi kéo các nền kinh tế lớn trong khu vực như Australia, Indonexia, Hàn Quốc, và thậm chí là cả Nhật Bản, tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Mặc dù một vài trong số các nước này đang phải chịu sức ép từ Mỹ về việc không tham gia AIIB, nhưng hầu hết các nước còn lại đều bày tỏ sự quan tâm đối với AIIB và phớt lờ những cảnh báo từ Mỹ về việc cần phải có cách tiếp cận thận trọng hơn. Điều khiến các quốc gia này lo ngại là những vấn đề liên quan đến việc quản lý ngân hàng này, và họ muốn mọi việc phải được giải quyết xong trước khi bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Chúng ta có trách nhiệm tạo lập và hiện thực hóa Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương cho người dân”, với mục đích là để “giữ gìn nhận thức chung về vận mệnh và tinh thần của đại gia đình châu Á - Thái Bình Dương”. Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nền kinh tế APEC nỗ lực hơn nữa để tiếp tục là đầu tàu phát triển của kinh tế thế giới, góp phần mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết rằng, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã có bước chuẩn bị tốt, với một Bản ghi nhớ liên chính phủ gần đây đã ký kết tại Bắc Kinh giữa các thành viên sáng lập.
Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng “Con đường tơ lụa” mới
Trong một cuộc họp hồi đầu tháng 11/2014, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã khẳng định: “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”, xuất phát từ Trung Quốc, qua Trung Á và Nga rồi trải dài tới châu Âu, cùng với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, kéo dài từ eo biển Malacca tới Ấn Độ, Trung Đông và Tây Phi, đã trở thành trọng tâm trong chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị APEC lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đầu tư 40 tỷ USD cho việc thành lập quỹ Con đường tơ lụa, để hỗ trợ tài chính xây dựng các dự án liên quan như cơ sở hạ tầng cũng như phát triển nguồn lực và hợp tác công nghiệp với các quốc gia dọc theo “con đường” này.
Theo giới chuyên gia phân tích, "Chiến lược Con đường Tơ lụa thách thức chính sách "trục châu Á" của Tổng thống Mỹ Barack Obama bằng cách sử dụng sức thu hút của thương mại và đầu tư". “Con đường tơ lụa” trên biển được coi là tham vọng của Trung Quốc, tuy có lợi cho giao thương khu vực, nhưng lại ẩn chứa những toan tính chiến lược nhằm hợp pháp hóa những quan điểm riêng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc, khiến dư luận khu vực và quốc tế quan ngại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng, kinh tế Trung Quốc có sự liên kết và ràng buộc lẫn nhau với các nền kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. “Trung Quốc sẽ tập trung làm tốt việc riêng” cùng với đó “với sự nỗ lực phát triển của mình muốn đem lại lợi ích tốt hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.” - ông Tập Cận Bình cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay Bắc Kinh vẫn vướng phải vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông với một số quốc gia láng giềng. Người ta đều biết rằng, tham vọng “con đường tơ lụa trên biển mới” này của Trung Quốc nếu thành hiện thực sẽ là một cơ sở đối với những tuyên bố chủ quyền vô lý tại khu vực tranh chấp trên biển.
Với những phương châm ngoại giao ứng xử với các quốc gia láng giềng mà Trung Quốc đưa ra trong kỳ Hội nghị APEC lần này, liệu Trung Quốc thực hiện được đúng như cam kết, thời gian sẽ trả lời câu hỏi đó./.