"Cuộc chơi" mới ở ngã ba Âu-Á-Phi

Thứ hai, 28/11/2011 17:04

Việc Mỹ và Nga cùng điều tàu chiến tới vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Xy-ri đang gây sự chú ý trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng sức ép nhằm loại bỏ Tổng thống Xy-ri Át-xát.

Tàu sân bay USS Gioóc-giơ H. W. Bu-sơ của Mỹ được điều tới vùng biển
Địa Trung Hải.  Ảnh: Defencetalk

Mục đích của các động thái quân sự này vẫn chưa được bên nào công khai nhưng rõ ràng khả năng Oa-sinh-tơn muốn gia tăng sức ép mạnh mẽ lên chính quyền Xy-ri bằng hành động răn đe sử dụng vũ lực. Trong khi đó, động thái của Nga được cho là nhằm ngăn chặn bất kỳ một cuộc tấn công nào của NATO và các nước phương Tây vào Xy-ri.

Sự có mặt của tàu chiến Nga và Mỹ ở đó càng khiến cho tình hình Xy-ri, vốn đang nóng bỏng với các cuộc biểu tình bạo lực đẫm máu làm hàng ngàn người thiệt mạng, thêm phức tạp. Liệu kịch bản Li-bi có tái diễn ở Xy-ri hay không vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ với những diễn biến khó lường. Bởi, một mặt, Mỹ và các nước phương Tây cũng như các nước trong khu vực Trung Đông đang gia tăng sức ép ngoại giao, kinh tế với các lệnh trừng phạt chống Xy-ri. Mặt khác, xu hướng sử dụng chính sách ngoại giao dựa trên đe dọa vũ lực nhằm vào Xy-ri đang gia tăng. Không chỉ Mỹ và Nga, mà Ca-na-đa mới đây cũng tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện của tàu khu trục HMCS Vancouver tại Địa Trung Hải cho tới đầu năm 2012 với lý do lo ngại tình hình bất ổn ở Xy-ri. Thậm chí, có tin cho biết, các máy bay chiến đấu của Liên đoàn A-rập (AL) và có thể của cả Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Xy-ri theo đề xuất của AL.

Thủ tướng nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ Ét-đô-gan gần đây cũng bày tỏ lập trường cứng rắn khi lần đầu tiên đề nghị khả năng can thiệp của nước ngoài vào Xy-ri. Báo chí I-xra-en đã dự báo khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị đưa quân vào Xy-ri. Dấu hiệu đáng lo ngại là ngày 23-11 vừa qua, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn thử tên lửa ESSM trên một tàu hộ tống lớp Gabya ở vùng biển ngoài khơi nước này, gần vùng biển của Xy-ri. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng, nước này đang thăm dò một giải pháp quân sự đó là thiết lập “vùng đệm an ninh” bên trong lãnh thổ Xy-ri. Kế hoạch can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ gồm ba bước: Thành lập khu an toàn cho dân tỵ nạn và lính Xy-ri đào ngũ ẩn trú; phong tỏa một vùng không phận để bảo vệ an toàn khu và thứ ba là đóng cửa biên giới giữa hai nước hòng bóp nghẹt kinh tế Xy-ri. Những bước đi trên đều được Thổ Nhĩ Kỳ bàn bạc kỹ với các đồng minh phương Tây. Theo nguồn tin tình báo I-xra-en, NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đang vạch ra các kế hoạch liên quan tới các hành động vũ trang nhằm chống lại Xy-ri.

Mỹ và NATO đang chuyển hướng trọng tâm từ khu vực Bắc Phi sang Xy-ri, sau khi “xử lý” xong vấn đề Li-bi. Oa-sinh-tơn dường như đang quyết tâm “chĩa mùi dùi” vào Xy-ri. Tuy nhiên, các nỗ lực của Oa-sinh-tơn nhằm chống lại chính quyền Xy-ri luôn vấp phải sự phản đối của hai “người khổng lồ” Nga và Trung Quốc vốn có nhiều ràng buộc về lợi ích với Xy-ri. Hai nước thành viên thường trực HĐBA LHQ này luôn bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết mới chống lại Xy-ri và đang phối hợp đưa ra một nghị quyết mới về Xy-ri để trình HĐBA. Bởi vậy, các kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ và NATO cũng sẽ khó có thể giành được “chiếc ô hợp pháp” của LHQ. Hơn nữa, có nhiều yếu tố bất lợi cho Mỹ và NATO nếu can thiệp quân sự tại Xy-ri, thậm chí kể cả các lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao. Ban lãnh đạo chính trị, ngoại giao, an ninh và quân sự của Xy-ri vẫn được cho là khá đoàn kết và thống nhất. Còn về kinh tế, Xy-ri không mắc nợ nước ngoài, tự cung tự cấp về dầu mỏ, lương thực và các sản phẩm tiêu dùng. Nên, có thể nói rằng khó ai có thể tiến hành bao vây, cô lập hoàn toàn về kinh tế và ngoại giao đối với Xy-ri.

Về mặt địa chính trị, Xy-ri nằm ở khu vực ngã ba châu Âu, châu Á và châu Phi và có hệ tư tưởng cũng như tầm ảnh hưởng khá mạnh đối với thế giới A-rập. Vì vậy, sự thay đổi chế độ tại Xy-ri được cảnh báo là sẽ không mang lại an ninh và ổn định cho cả khu vực, mà ngược lại có thể gây thêm nhiều rắc rối hơn. Mỹ và NATO từng bị cảnh báo rằng “đang đùa với lửa” khi tìm cách kích động một cuộc nội chiến ở Xy-ri như cáo buộc của chính quyền Tổng thống Át-xát, nhằm tìm cớ can thiệp quân sự chống Xy-ri.

Mỹ và NATO đang chạy đua với thời gian để theo đuổi mục tiêu thay đổi chế độ ở Xy-ri, nhưng rõ ràng vẫn là quá sớm nếu dự báo họ sẽ sử dụng vũ lực vào thời điểm hiện nay khi các điều kiện chưa chín muồi.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực