Cuộc đời thăng trầm của ông Ca-đa-phi

Thứ tư, 26/10/2011 14:06

Ông Ca-đa-phi sinh năm 1942 trong một căn lều của bộ lạc du mục Bê-đu-in nghèo khổ ở vùng sa mạc Xơ-tê của Li-bi. Từ thủa thanh niên, ông đã bị cuốn hút bởi các hoạt động chính trị và quyết tâm giành độc lập cho đất nước. Ông ngưỡng mộ Tổng thống Ai Cập khi đó là Nát-xơ (Nasser), người đã chấm dứt hơn 70 năm đô hộ của Anh tại Ai Cập. Nung nấu quyết tâm noi theo Tổng thống Nát-xơ,  Ca-đa-phi đã tham gia tổ chức các cuộc biểu tình chống đế quốc thực dân ở Li-bi, chống sự thống trị của vua Li-bi I-đrít (Idris) do Anh dựng lên.

 

Nhà lãnh đạo Ca-đa-phi thời trẻ (bên phải) gặp gỡ với Tổng
thống Ai Cập Nát-xơ trong chuyến thăm tới Ai Cập hồi tháng
10-1969. Ảnh: AP


Năm 1961, ông vào học trường quân sự, nơi khởi đầu cho các hoạt động giúp mở ra sự nghiệp chính trị của ông trong suốt gần 42 năm về sau. Tại trường, Ca-đa-phi đã lập “Tổ chức sĩ quan tự do” và đặt ra những kỷ luật nghiêm khắc như cấm uống rượu, đánh bạc, đi hộp đêm và hằng ngày phải cầu nguyện trước Thánh A-la. Năm 1969, Ca-đa-phi được phong quân hàm đại úy ở tuổi 27. Ngày 1-9-1969 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Ca-đa-phi khi ông thực hiện cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ vua I-đrít khi đó đang điều trị bệnh ở Hy Lạp.

Sau cuộc đảo chính, ông Ca-đa-phi lên lãnh đạo Li-bi ở tuổi 27 và đưa Li-bi từ một nước quân chủ sang hình thức cộng hòa nhưng theo mô hình có một không hai. Ông không đảm nhận một chức vụ chính thức nào trong chính phủ mặc dù trên thực tế quyền lực tối thượng nằm trong tay ông. Ông Ca-đa-phi tự phong quân hàm đại tá, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cách mạng kiêm Tổng tư lệnh quân đội vũ trang Li-bi.

Nhà lãnh đạo trẻ tuổi tuyên bố quyết tâm xây dựng đất nước Li-bi thành một xã hội tiên tiến, bình đẳng, dân chủ và hạnh phúc nhất. Để chứng minh, ông đã đưa ra nhiều chính sách mới hợp lòng dân như chăm sóc y tế miễn phí, trợ giá xăng dầu... Trong đó, đáng chú ý là  chính sách quốc hữu hóa lĩnh vực dầu mỏ và sử dụng nguồn lợi từ dầu mỏ để phát triển kinh tế đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Thu nhập bình quân trên đầu người của Li-bi thuộc loại cao nhất ở châu Phi. Cuộc sống của người dân Li-bi quả thực đã được thay đổi tích cực cùng với đó là uy tín gia tăng của ông Ca-đa-phi.

Tuy nhiên, sau đó ông Ca-đa-phi cũng thực thi những chính sách gây nhiều tranh cãi. Ông Ca-đa-phi bị chỉ trích vì bổ nhiệm con cái, họ hàng và các nhân vật thân cận vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. 

Giai đoạn thập niên 1970, ông Ca-đa-phi đã bị phương Tây cô lập với cáo buộc dính líu tới các hoạt động khủng bố như cung cấp tài chính cho lực lượng này gây tội ác. Trong thập niên 1990, Li-bi phải chịu cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao do từ chối cho phép dẫn độ sang Mỹ hay Anh hai người Li-bi bị tình nghi đặt bom trên chuyến bay của hãng hàng không dân dụng Pan Am bị nổ tung trên bầu trời Lốc-cơ-bi của Xcốt-len. Năm 1992, Liên hợp quốc ra nghị quyết trừng phạt Li-bi với lý do không hợp tác điều tra vụ việc này. 

Tháng 3-2003, Li-bi đồng ý bồi thường 2,7 tỷ USD cho các nạn nhân vụ Lốc-cơ-bi, một khoản bồi thường lớn chưa từng có trong lịch sử. Sau đó, Liên hợp quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt Li-bi. Chính quyền của ông Ca-đa-phi cũng bắt đầu hợp tác với Mỹ chống khủng bố và trao đổi thông tin về Al-Qaeda. Đặc biệt, chưa đầy một tuần sau ngày quân đội Mỹ bắt giữ Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen vào cuối năm 2003, Li-bi tuyên bố từ bỏ nghiên cứu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí sát thương hàng loạt, chấp nhận cho thanh sát quốc tế, ký Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm vũ khí hóa học. Quan hệ giữa Li-bi và phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã thay đổi đáng kể. Thậm chí, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (G.Bush) còn tuyên bố hai nước “có thế kết bạn”. Mỹ và Li-bi nâng cấp quan hệ lên hàng đại sứ vào năm 2006. Các nguyên thủ và nhiều quan chức cấp cao phương Tây đã tới thăm Li-bi và theo sau đó là các tập đoàn dầu mỏ.

Tuy nhiên, nhân các biến động tại Li-bi từ đầu năm 2011, chính các nước phương Tây lại  đi đầu trong chiến dịch quân sự nhằm lật đổ chế độ của ông.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực