Cuộc khủng hoảng Syria - lửa cháy đang được đổ thêm dầu

Thứ tư, 20/03/2013 07:40

(ĐCSVN)Bất chấp nhiều nỗ lực từ phía cộng đồng quốc tế, một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng bước sang năm thứ 3 liên tiếp tại Syria đã trở nên “xa vời hơn” sau khi phe nổi dậy, dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nước phương Tây lại liên tiếp tỏ ra “manh động và hành động công khai hơn bao giờ hết”.

 

 Thường dân chính là những nạn nhân đau khổ trong cuộc chiến tại Syria
 (Ảnh:www.aim.org)

Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát tại Syria hồi tháng 3/2011, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, theo đuổi nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để tháo gỡ một vấn đề được xem là “nóng bỏng nhất” tại chảo lửa Trung Đông. Tuy nhiên đi ngược lại với những động thái trên, một số nước phương Tây, gần đây lại bộc lộ sự ủng hộ công khai và tuyệt đối phe nổi dậy. Các nước này đang dần hình thành vai trò là “một bên trong cuộc xung đột tại Syria” chứ không còn đơn thuần đóng vị trí là những “nhà hoạch định giải pháp” để tháo gỡ cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia này.

Hãng tin CNN, mới đây đã dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc phe nổi dậy tại Syria tiết lộ, hàng trăm binh sỹ thuộc lực lượng chống đối đang được tham gia vào một khóa đào tạo về sử dụng các thiết bị vũ khí tối tân do Mỹ bảo trợ tại một khu vực thuộc nước láng giềng Jordan.

Bản báo cáo của CNN nêu rõ, tính đến ngày 14/3, có khoảng 300 quân thuộc phe nổi dậy đã hoàn tất khóa đào tạo này và vượt biên giới Jordan để trở về Syria. Trong khi đó, số lính thuộc phe nổi dậy tham gia chương trình đào tạo này đang có dấu hiệu ngày một gia tăng.

Những thông tin trên của CNN hoàn toàn trùng khớp với nội dung được đăng tải trên tờ al-Watan của Syria cho biết, chỉ tính riêng trong ngày 17/3, đã có hàng trăm phần tử thánh chiến Hồi giáo được trang bị vũ khí đầy đủ tiến vào lãnh thổ Syria thông qua khu vực biên giới Jordan. Tờ al-Watan cho biết, hiện đang có thêm khoảng 15.000 bính lính khác của phe nổi dậy đã được chỉ định quay trở về tham gia các chiến dịch tại Syria sau khi hoàn tất khóa huấn luyện đặc biệt tại một nước láng giềng khác của Syria là Li-băng.

Tiếp theo sau những sự chuẩn bị bài bản về mặt lực lượng và kỹ thuật tác chiến, ngày 18/3, quân nổi dậy Syria đã công khai nã súng cối vào Phủ Tổng thống, sân bay quốc tế Damascus và trụ sở các cơ quan an ninh chính phủ để đánh dấu hai năm ngày nổ ra cuộc nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Một tuyên bố đăng tải trên trang Facebook của lực lượng đối lập Syria cho biết các nhóm phiến quân đã bắn nhiều đạn súng cối hạng nặng trong một chiến dịch phối hợp với các cánh quân lớn đang hoạt động tại Damascus. Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (SOHR- có trụ sở tại Anh) cho biết một số đạn rốckét đã rơi xuống các quận gần Phủ Tổng thống, song không khẳng định tòa nhà này có bị trúng đạn hay không. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria xác nhận 5 quả đạn cối đã rơi xuống Damascus, khiến 2 người chết và nhiều thường dân bị thương. Các lực lượng chính phủ đã phong tỏa một số tuyến đường, không cho người dân đến gần các địa điểm này.

Không chỉ có những hoạt động tăng cường về mặt sức mạnh quân sự, phe nổi dậy tại Syria còn đang có những quyết định chính trị, mang tính bước ngoặt đối với cục diện cuộc nội chiến đang tiếp diễn tại Syria. Trong buổi nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/3, lực lượng nổi dậy tại Syria đã thảo luận về việc thành lập chính quyền riêng đối lập với chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Kết quả, ông Ghassan Hitto đã được bầu làm thủ tướng để lãnh đạo chính phủ lâm thời của quân nổi dậy với hai nhiệm vụ chính là cai quản các khu vực do phe đối lập kiểm soát và chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các nhóm phái tại Syria.

Những thông tin về các hoạt động gia tăng của phe đối lập xuất hiện vào đúng thời điểm Anh và Pháp đang nỗ lực thúc đẩy việc gỡ bỏ lệnh cấm vận để cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy tại Syria để “tạo dựng một thế cân bằng” trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng này và quân chính phủ.

Cho dù Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tỏ ra thất bại trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, song ông Cameron vẫn tỏ ra quyết tâm theo đuổi mục tiêu đã đề ra khi tuyên bố ông và nhà lãnh đạo người Pháp đã chuẩn bị phương án để đơn phương thực hiện vấn đề này. Theo lập luận của ông Cameron, việc áp đặt một giải pháp quân sự sẽ giúp làm “hé lộ” một giải pháp về chính trị đối với tình hình Syria. Trong khi đó, Tổng thống Hollande cũng tuyên bố, ông đã nhận được sự đảm bảo từ phe đối lập tại Syria rằng “các thiết bị vũ khí do bên ngoài cung cấp sẽ được trao vào tay đúng đối tượng”.

Đưa ra phản ứng trước những thông tin trên, Quốc hội Syria mới đây đã ra chỉ thị kêu gọi “không cho phép chính phủ các nước châu Âu khuấy động cuộc khủng hoảng tại Syria”. Theo lập luận của Quốc hội syria, những hành động này không chỉ tàn phá đất nước Syria mà còn gây nên nhiều ảnh hưởng đối với các công dân châu Âu.

Trong khi đó, các nhà quan sát cũng cho rằng, việc một số nước châu Âu quyết định trang bị vũ khí cho phe nổi dậy sẽ không đóng vai trò tích cực nào trong việc hối thúc các phe phái tại Syria cùng ngồi vào bàn đàm phán. Thay vào đó, những động thái này chỉ càng khích lệ phe nổi dậy tại Syria thực hiện các cuộc tấn công “manh động hơn, công khai hơn” nhằm chống lại chính quyền Damascus và càng khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng vốn đang diễn biến trầm trọng tại Syria.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Cairo (Ai Cập), ngày 18/3, Đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập về tình hình Syria, ông Lakhdar Brahimi đã đưa ra một nhận định đáng lo ngại rằng, bản thân ông không hề thấy có bất kỳ triển vọng nào nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Syria. Ông Brahimi thừa nhận, cho dù đã theo đuổi nhiều nỗ lực và bỏ ra nhiều công sức, song sứ mệnh hòa giải của ông cho đến giờ vẫn chưa đạt được tiến triển nào.

Trong lời phát biểu ngày 18/3, đặc phái viên này phản đối mạnh mẽ quyết định của Anh và Pháp nhằm trang bị vũ khí cho phe nổi dậy tại Syria với lập luận rằng “những động thái này sẽ chỉ càng làm tình hình thêm căng thẳng”. Theo quan điểm của ông Brahimi, cuộc khủng hoảng tại Syria nên được giải quyết thông qua con đường đàm phán.

Trong bối cảnh dư luận quốc tế vẫn chưa thể đi đến thống nhất về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria, bạo lực và bất ổn tại quốc gia Trung Đông này tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều thường dân vô tội. Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria từ tháng 3/2011 cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người và khiến 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa sống tị nạn ở các nước láng giềng. Đài truyền hình nhà nước Syria vừa cho biết, ngày 17/3, các phần tử vũ trang đã tấn công một ngôi làng thuộc phía Bắc tỉnh Hasaka và khiến 25 người thiệt mạng. Những số liệu thương vong sẽ còn tiếp tục tăng sau khi cuộc nội chiến tại Syria được các nước phương Tây thiết lập “một thế cân bằng mới” bằng các hành vi tiếp thêm vũ khí cho phe nổi dậy. Không ai có thể tưởng tượng ra mức độ đẫm máu của cuộc khủng hoảng tại Syria vào thời điểm bùng phát từ hơn 2 năm về trước, tuy nhiên cho đến nay, điều này đã trở thành một thực tế ám ảnh người dân Syria từng ngày, từng giờ. Chừng nào cộng đồng quốc tế chưa thể tìm tiếng nói chung về một giải pháp công bằng, phù hợp cho cuộc khủng hoảng tại Syria và chừng nào, các nước phương Tây chưa từ bỏ những “toan tính, áp đặt” của mình đối với tình hình Syria thì chừng đó, quốc gia đông dân và giàu tài nguyên này vẫn sẽ tiếp tục chìm trong bất ổn./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực