Cuộc sống người dân Mỹ và mối lo trần nợ công

Thứ sáu, 04/10/2013 16:23

(ĐCSVN)Tuy không phải tất cả người dân Mỹ đều bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ Mỹ đóng cửa, nhưng ít nhất, ngoài khoảng 800.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp thì còn cơ số người dân Mỹ chịu ảnh hưởng gián tiếp (con số này thật khó thống kê!). Họ mong chờ điều gì khi mà mốc chạm trần nợ công của Mỹ đang ngày càng tiến dần?

Cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ đã thay đổi như thế nào?

Tờ The New York Times cho biết, cũng như nhiều tòa nhà văn phòng liên bang khác trên khắp cả nước, Nhà Trắng có một đội ngũ đông đảo trợ lý hành chính, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật và lễ tân,... Họ phải đứng trước thực tế mất việc sau khi chính phủ đóng cửa. Có 1.265 trong tổng số 1.701 nhân viên đã phải nghỉ ở nhà sau “chính biến” ngày 1/10.

 

 Những người bị thôi việc mong muốn chính phủ sẽ sớm mang lại cơ hội việc làm cho họ
 (Ảnh: Washington Post)


Tuy vậy, ngoài việc là một tòa nhà văn phòng, Nhà Trắng còn là trung tâm đầu não của chính phủ, là nơi ở chính thức của Tổng thống Obama và gia đình, do vậy, một bộ phận an ninh được coi là thiết yếu và họ vẫn làm việc bình thường.

Trong khi đó, dẫn chứng về cuộc sống của người dân sau khi chính phủ đóng cửa được đăng tải trên tờ Washington Post đã cho thấy một cái nhìn rộng hơn về sức ảnh hưởng của sự kiện này.

Thị trấn Florissant có rất nhiều người như trường hợp của gia đình anh Antonio Burnett và vợ là Annette – họ nằm trong số 25.000 nhân viên liên bang mất việc tại khu vực St. Louis. Antonio (43 tuổi) là một chuyên gia công nghệ thông tin, làm việc cho chương trình vốn vay nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp. Họ đã mua được căn nhà đầu tiên của họ - một trang trại rộng lớn – và bắt đầu việc tiết kiệm để nuôi 5 người con ăn học.

Nhưng tuần này, gia đình của Antonio Burnett cùng với khoảng 2.000 gia đình nhân viên liên bang khác – những người sống ở ngoại ô phía bắc của St. Louis, đã lâm vào tình ảnh éo le. Cũng như nhiều người khác, gia đình Antonio Burnett nhận được câu trả lời rằng, họ không cần đi làm nữa bởi chính phủ ngừng hoạt động. Và họ cũng không biết được rằng, khi nào họ có thể quay trở lại công việc. Antonio Burnett nằm trong số 1000 nhân viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phải nghỉ việc.

Washington không phải là nơi duy nhất bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ đóng cửa. Phần lớn số nhân viên liên bang (chiếm 85%) sống ở ngoài khu vực Washington. Có khoảng 3000 nhân viên dân sự thuộc Căn cứ Không quân Wright Patterson ở Dayton, Ohio đã phải nghỉ làm trong tuần này. Tại Colorado – nơi chính phủ liên bang có số nhân viên lớn nhất, khoảng 40.000 nhân viên cũng đã bị mất việc khi chính phủ đóng cửa.

Khoảng 800.000 nhân viên phải nghỉ việc hoặc bị nợ lương là con số ước tính về những tác động trực tiếp của việc chính phủ đóng cửa đối với vấn đề công ăn việc làm của người dân. Nhưng số người bị tác động kèm theo những người này lại là rất lớn, một khi họ phải dùng số tiền mà chính phủ trả lương để nuôi gia đình, con cái của họ.

Hãng Euronews trích dẫn câu chuyện của một người cha có hai con đi học đại học: “Đây sẽ là một khó khăn tài chính lớn. Tôi vừa đóng học phí cho con trong học kỳ này, nhưng nếu điều này (việc chính phủ đóng cửa) kéo dài thêm hai hay ba tháng nữa, thì chúng sẽ không thể tiếp tục theo học các học kỳ tiếp theo. Tôi sẽ phải kéo chúng trở lại, chính xác là như vậy. Một trong hai đứa sẽ tốt nghiệp vào năm sau”.

Rõ ràng, việc chính phủ hoạt động bình thường trở lại là mong muốn chung của rất nhiều người dân Mỹ. Có như vậy, cuộc sống của họ sẽ không bị xáo trộn, hoặc chí ít cũng không phải lo ngày mai sẽ phải kiếm việc gì để làm...

Mốc chạm trần nợ công đang tiến đến gần hơn

Trở lại với câu chuyện trần nợ công – mối lo đang hiện hữu ngày càng rõ nét đối với chính phủ Mỹ. Nợ công của Mỹ tăng mạnh trong một thập kỷ qua. Năm 2001, ngân sách chính phủ Mỹ có số dư, nhưng mười năm sau, chẳng những không có số dư, mà tổng số vay nợ đã lên 15.000 tỷ USD. Cuối năm 2012, mức nợ công tăng lên 16.400 tỷ USD và hiện vượt ngưỡng 16.700 tỷ USD.

 

 Ngoài vấn đề chính phủ phải đóng cửa, nước Mỹ đang phải đối mặt với một thách thức
 lớn hơn - đó là vấn đề trần nợ công (Ảnh: Reuters)


Các chuyên gia ước tính, cứ một USD chính phủ Mỹ chi tiêu, có 40 xen (cent) là tiền vay. Ðể tránh rơi vào khủng hoảng nợ, Quốc hội Mỹ đã đưa ra quy định giới hạn nợ, tức là số tiền cao nhất chính phủ liên bang có thể vay mượn. Thời gian qua, Quốc hội Mỹ đã liên tục phải nâng trần, tránh để chính phủ rơi vào tình cảnh vỡ nợ. Từ năm 2001 đến nay, Quốc hội Mỹ đã phải 11 lần mở rộng giới hạn đỏ này.

Tính đến thời điểm này, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn chưa đạt được sự thống nhất về dự thảo ngân sách năm tài khóa mới do những bất đồng xung quanh Dự luật cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama. Chính điều này đã khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa khi thời điểm năm tài khóa 2013 kết thúc vào ngày 1/10/2013.

Cứ cho rằng, hai đảng có thể để mặc chính phủ Mỹ bị đóng cửa, song họ không thể xem nhẹ vấn đề trần nợ công, bởi lẽ hậu quả của nó sẽ hết sức nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob Lew ngày 1/10 đã phát biểu rằng, ông đang vận dụng tất cả các biện pháp đặc biệt để Mỹ không chạm trần nợ công vào ngày 17/10.

Theo chuyên gia kinh tế White, “nếu chạm trần nợ công, chính phủ Mỹ sẽ không thể trang trải các khoản thanh toán nợ. Chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình cảnh đó, do vậy sẽ rất khó dự đoán”. Ông White cảnh báo, nếu chính phủ Mỹ không thể trang trải được chí ít là các khoản thanh toán đến hạn, các nhà đầu tư sẽ không dám chắc liệu họ còn muốn tích trữ trái phiếu kho bạc của Mỹ nữa hay không và điều này sẽ gây rắc rối thực sự.

Cũng theo ông này, nếu chính phủ Mỹ mở cửa trở lại, mọi hoạt động của người dân sẽ trở lại bình thường. Song tình hình sẽ khác nếu như chính phủ không trang trải được những khoản thanh toán nợ của họ.

Bởi vậy mới có ý kiến cho rằng, việc chính phủ Mỹ đóng cửa chỉ là sự khởi đầu cho những mối lo khác. Mà mối lo ấy, chính là giới hạn đỏ - trần nợ công, là những khoản nợ mà chính phủ Mỹ sẽ phải lo để trả trong tương lai. Rõ ràng, những thách thức mà Mỹ đang phải đương đầu là không hề nhỏ, để tránh một cuộc vỡ nợ, một cuộc suy thoái mới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực