Cướp biển Xômali: Nỗi kinh hoàng của thế giới

Thứ hai, 14/03/2011 17:59
 

Ảnh chỉ có tính minh hoạ (nguồn internet)

(ĐCSVN)
- Khoảng từ 1.200 đến 1.500 tên, được trang bị rốc két, súng bắn nhanh hiện đại, sử dụng các con tàu siêu tốc, nhiều khi là chính những con tàu cướp được, hải tặc Xômali đang là nỗi kinh hoàng của thế giới, nhất là của những con tàu phải đi qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ngoài khơi quốc gia này để vào Biển Đỏ.

Năm 2010, hải tặc Xô ma ly đã bắt cóc 53 con tàu với 1.181 thuỷ thuỷ. Từ đầu năm 2011 đến nay, hàng chục tàu khác trong đó có tàu Hoàng Sơn Sun, thuộc sở hữu của Việt Nam, treo cờ Mông Cổ, trọng tải 22.835 tấn với 24 thuỷ thủ đã bị bắt cóc ngày 19-1-2011. Theo một thông báo quốc tế, hiện nay hải tặc Xômali còn giam giữ 66 con tàu với 660 con tin ở một địa điểm nào đó trên lãnh thổ Xômali. Những con tàu và thuỷ thủ này chỉ được trở về sau khi chủ tàu nộp tiền chuộc, thường là một món tiền khổng lồ, có khi tới hàng triệu USD hoặc euro tuỳ theo giá trị con tàu và hàng hoá nó chuyên chở.

Hải tặc Xômali phần đông xuất thân từ thành phần nghèo khổ ở một đất nước thuộc diện nghèo nhất thế giới. Đói khát, không kiếm được việc làm, thường xuyên phải đối mặt với nội chiến và tranh chấp giáo phái, hàng nghìn thanh niên và thiếu niên Xômali đã trở thành hải tặc sau những khoá huấn luyện chém giết của cả các thủ lĩnh Xômali và người nước ngoài. Tuổi từ 16 đến ngoài 50, mỗi hải tặc sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, dụng cụ đi biển, chịu đói khát nhiều ngày trên đại dương và giết người không ghê tay mỗi khi xung trận. Để thưởng công cho họ, mỗi phi vụ thành công, mỗi hải tặc có thể được chia từ 20.000 USD đến 50.000 USD. Số tiền này không thấm là bao so với số tiền các ông chủ của họ kiếm được nhưng với họ là quá lớn. Nhưng số tiền đó, chỉ cần trở về tới thị trấn Haradhere, chúng liền nhanh chóng bị ném vào các sòng bạc, nhà thổ, tiệm hút ma tuý. Một nhà báo Tây Ban Nha lọt được vào Haradhere, thủ phủ của một lãnh địa, trên thực chất là sào huyệt bất khả xâm phạm của cướp biển, cách thủ đô Môgađixu khoảng 800km về phía tây bắc đã mô tả cảm giác kinh hoàng của ông trước những cuộc truy hoan và những cuộc đấu súng ghê rợn ở thị trấn này. Theo nhà báo này, ở thị trấn Haradhere không có luật pháp và cũng chẳng có chính quyền. Mọi thứ đều được giải quyết bằng súng và tiền. Một cô gái còn trẻ và xinh đẹp, nếu đồng ý tham gia các cuộc truy hoan có thể được hưởng 25.000 USD, nhưng nếu không, người ta có thể tìm được xác cô ta ở bãi rác.

Sống trong một nhà tù như thế, các thuỷ thủ bị bắt cóc làm con tin vẫn được quyền gửi điện, thư điện tử về nhà với sự giám sát của hải tặc. Tuy nhiên, chỉ cần có ý định chạy trốn, họ chắc chắn sẽ chết, không một thế lực nào cứu nổi. Sở dĩ hải tặc tự do hoành hành như vậy vì từ năm 1990 đến nay, sau cuộc đảo chính quân sự, quốc gia vùng sừng châu Phi này rơi vào chia cắt và hỗn loạn. Chính phủ hầu như bất lực, không kiểm soát được đất nước, kể cả lực lượng 8.800 quân mũ nồi xanh của Liên hợp quốc làm xứ mệnh gìn giữ hoà bình ở đất nước sa mạc này cũng bó tay. Xômali là sào huyện khá an toàn của chủ nghĩa khủng bố, là nơi chiến tranh sắc tộc, chiến tranh tôn giáo xảy ra liên miên. Sau hai mươi năm, đất nước này có 20.000 người chết, 1,5 triệu người ly tán do các cuộc nội chiến. Trên 70% người dân Xômali sống dưới mức nghèo khổ nhưng hàng nghìn tấn lương thực, chăn màn, quần áo viện trợ nhân đạo đã không đến được tay họ mà chảy vào các kho chứa của hàng chục lực lượng nổi dậy khác nhau.

Trở lại với chuyện những tên cướp biển, không ngồi im trước nạn hải tặc hoành hành, tốn kém của các quốc gia mỗi năm từ 7 đến 12 tỷ USD, Liên hợp quốc, Liên minh EU, khối quân sự NATO và hàng chục quốc gia đã phối hợp hành động để tiệu diệt, chí ít là ngăn chặn hải tặc. Họ lập các đội tàu quân sự hộ tống, cho trực thăng cảnh giới và thực hiện nhiêu biện pháp khác để bảo vệ các tàu hàng. Và trên thực tế, cũng đã có những vụ bắt được hải tặc, giải cứu thành công tàu và con tin như những vụ Malaixia, Hàn Quốc đã tiến hành. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Đức đã đưa hải tặc Xômali ra xét xử. Tuy nhiên, những việc làm như vậy chưa có được kết quả mong muốn. Các con tàu, các thuỷ thủ bị bắt giữ ngày một nhiều hơn. Thủ đoạn của bọn cướp biển thay đổi. Số tiền chuộc cũng tăng lên đến chóng mặt. Một khi Xômali còn chưa được yên ổn trong hoà bình, người dân Xômali chưa thoát đói nghèo, chủ nghĩa khủng bố quốc tế chưa bị tiêu diệt thì hải tặc Xômali vẫn còn là nỗi ám ảnh với không ít người./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực