Mặc dù giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Cưrơgưxtan, song giới phân tích cho rằng để mang lại hoà bình, ổn định và thịnh vượng cho quốc gia Trung Á, vốn đầy bất ổn và nghèo đói này, tân Tổng thống Anmadơbếch Atambaiép (Almazbek Atambayev) sẽ phải đối mặt với vô số khó khăn chồng chất đang chờ đón ở phía trước.
Cuộc bầu cử Tổng thống Cưrơgưxtan lần này được coi là bước quan trọng nhất trong quá trình hợp pháp hóa chính quyền sau khi xảy ra vụ chính biến lật đổ Tổng thống Cuamanbếch Bakiép (Kurmanbek Bakiev) hồi tháng 4/2010. Sau vụ chính biến, các nhà lãnh đạo phe đối lập đã tiến hành trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, đưa bà Rôda Ôtunbaieva (Roza Otunbayeva) trở thành tổng thống lâm thời của quốc gia Trung Á này. Theo Hiến pháp mới, Cưrơgưxtan chuyển sang chế độ dân chủ nghị viện, tổng thống được bầu với nhiệm kỳ 6 năm và không được tái tranh cử ngay nhiệm kỳ kế tiếp. Nhiệm kỳ của bà Ôtunbaieva sẽ kết thúc ngày 31/12/2011.
Bất chấp việc các quan sát viên quốc tế khẳng định về cơ bản, cuộc bầu cử diễn ra “công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với luật pháp quốc tế”, nhưng ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, sáu trong tổng số 16 ứng cử viên đã lên tiếng phản đối kết quả này, đồng thời đe dọa huy động những người ủng hộ xuống đường biểu tình đòi huỷ kết quả bầu cử. Hàng trăm người ủng hộ ứng cử viên Camtribếch Tasiép (Kamchibek Tashiyev) đã phong tỏa tuyến đường chiến lược Biskếch (Bishkek) – Ôsơ (Osh) nối liền miền Bắc và miền Nam quốc gia Trung Á này.
Tình hình trở nên căng thẳng sau bầu cử, nhưng các nhà phân tích cho rằng trong tương lai gần khó có thể xảy ra thêm một vụ chính biến mới lật đổ chính quyền do đa số người dân Cưrơgưxtan đã “chán ngấy” cảnh “nồi da nấu thịt” ở quốc gia Trung Á này. Minh chứng là trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, phần lớn cử tri cộng đồng người thiểu số Udơbêkixtan ở miền Nam Cưrơgưxtan, nơi mà tính cục bộ địa phương thể hiện rất rõ, đã bỏ phiếu ủng hộ ông Atambaiép (người miền Bắc) với hy vọng cuộc sống phi bạo lực sẽ được thiết lập ở vùng đất luôn bất ổn này. Hơn nữa, theo các nhà phân tích, sau cuộc bầu cử tổng thống, Biskếch sẽ có một chính quyền hợp pháp, được quốc tế công nhận, có thể dễ dàng cầu viện tài chính từ các nước láng giềng, hay tổ chức khu vực trong trường hợp cấp thiết.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thắng lợi của ông Atambaiép có thể làm dịu căng thẳng giữa hai miền Cưrơgưxtan, trái lại mâu thuẫn vẫn tiếp tục âm ỉ và có thể bùng phát thành làn sóng bạo lực mới bất cứ lúc nào nếu có "chất xúc tác". Trong những năm gần đây, hầu hết các cuộc xung đột ở Cưrơgưxtan chủ yếu xoay quanh sự đối đầu giữa hai miền Nam - Bắc. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt mà ông Atambaiép buộc phải giải quyết là nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa hợp dân tộc, đặc biệt là không để tái diễn các vụ đụng độ sắc tộc đẫm máu tương tự như tại Ôsơ và tỉnh Gialan-Abát (Jalal-Abad) sau cuộc chính biến hồi năm ngoái, làm ít nhất 500 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Cưrơgưxtan có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối bất cứ cường quốc nào trên thế giới muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Á. Không phải ngẫu nhiên mà Cưrơgưxtan là nước duy nhất trên thế giới có cả căn cứ quân sự của Nga và Mỹ đồn trú. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Không gian hậu Xôviết, ông Alếchxây Vlaxốp (Alexei Vlasov) cho rằng chính cam kết phát triển mối quan hệ chiến lược với Nga và đẩy nhanh quá trình hội nhập sâu vào Không gian hậu Xôviết đã giúp ông Atambaiép giành chiến thắng vang dội ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Điều đó dễ hiểu bởi có tới gần 90% người dân Cưrơgưxtan ủng hộ phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Nga.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng tân Tổng thống Cưrơgưxtan khó có thể thực hiện được các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử, vì nhiều cường quốc khác cũng đang tìm cách "tranh giành miếng bánh béo bở" tại vùng lãnh thổ nằm ở cửa ngõ Á-Âu này. Sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn có thể giúp Cưrơgưxtan có thêm nguồn lực để phát triển đất nước, song đó cũng có thể là nguyên nhân khiến quốc gia Trung Á này rơi vào tình trạng bất ổn. Điều đó đã được chứng minh dưới thời hai người tiền nhiệm của bà Ôtunbaieva. Bên cạnh đó, quốc gia theo chế độ nghị viện dân chủ phương Tây đầu tiên ở Trung Á này cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, cũng như sự hồi sinh chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Không phải đợi đến khi tuyên thệ nhậm chức, ông Atambaiép mới cảm thấy “sức nóng” của chiếc ghế tổng thống. "Sức nóng" đó không chỉ bắt nguồn từ tình trạng bất ổn triền miên trong nước, mà còn "phả ra" từ một "di sản" nặng nề về kinh tế do người tiền nhiệm để lại như thâm hụt ngân sách khổng lồ, nợ nước ngoài tăng cao, tình trạng tham nhũng tràn lan, trong khi hầu hết các ngành kinh tế bị tê liệt. Nếu trong thời gian tới, ông Atambaiép không thuyết phục được các đối tác nước ngoài hỗ trợ tài chính, thì khi mùa Đông tới, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, điện và khí đốt sẽ khiến bất ổn trong xã hội Cưrơgưxtan gia tăng./.