Ngày 13/9, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã khai mạc khóa họp thứ 66 với lời kêu gọi các nước trên thế giới hợp tác chặt chẽ hơn nữa cùng giải quyết các cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng xung đột bạo lực đến khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 66, ông Nassir Abdulaziz Al-Nasser, nhà ngoại giao Qatar, nhấn mạnh rằng, thế giới đang đối mặt với hàng loạt vấn đề đòi hỏi các nỗ lực hành động chung, tăng cường sự liêm chính và các quan hệ đối tác.
Tuy nhiên, ông đồng thời khẳng định thế giới cũng đứng trước những cơ hội lớn để định hình những thay đổi và đảm bảo rằng một giai đoạn mới đang mở ra sẽ an toàn hơn đối với những người dễ bị tổn thương nhất, mang lại sự thịnh vượng hơn cho những người nghèo và tương lai tốt đẹp hơn cho Trái Đất. Thế nhưng, bối cảnh thế giới hiện nay cho thấy, kể cả người lạc quan nhất cũng thấy rằng, nhân loại đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề và thậm chí những người bi quan còn cho rằng “bức tranh thế giới quá ảm đạm” và chẳng biết bao giờ mới sáng sủa lên được.
Chính những điều ấy khiến chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 66 với gần 170 đề mục đã được “khuôn” vào 7 vấn đề khá then chốt liên quan đến các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, an ninh lương thực, vai trò hòa giải và các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, tái xây dựng và củng cố năng lực các nhà nước sau xung đột, giải trừ quân bị và cải tổ LHQ.
Nhìn vào chương trình nghị sự ấy, mục tiêu cải tổ LHQ được nêu cuối cùng, nhưng trên thực tế, đó chính là việc phải được đề cập trước tiên. Bởi chỉ có như vậy, các mục tiêu khác mới có thể được thực hiện và thực hiện có hiệu quả. Điều này, thể hiện rất rõ trong những lĩnh vực mà tân Chủ tịch Al-Nasser đã nêu là trọng tâm của Đại hội đồng LHQ khóa 66.
Trước nhất, để giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, Đại hội đồng LHQ thông qua cải tổ cần can dự lớn hơn và được trao quyền nhiều hơn trong các vấn đề hòa giải để có thể thực hiện đầy đủ vai trò của thể chế tạo lập hoà bình hàng đầu của thế giới trong giai đoạn quan trọng hiện nay của quan hệ quốc tế. Tiếp đến, Đại hội đồng LHQ cũng cần được tiếp sức sống mới để có quyền hạn lớn hơn, hiệu quả cao hơn, đặc biệt là trong phản ứng sớm với các cuộc khủng hoảng.
Về phần mình, bản thân Hội đồng Bảo an LHQ sau 6 thập kỷ tồn tại và phát triển cũng phải được cải tổ mạnh mẽ hơn. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 65 Joseph Deiss, người vừa mãn nhiệm hôm 12/9, trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với các nhà báo, cũng đề cập vấn đề cải tổ LHQ thời gian qua và những nhiệm vụ tiếp theo.
Liên quan đến cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khoá 65 Joseph Deiss nhấn mạnh mặc dù HĐBA đã không được cải tổ suốt trong nhiều thập kỷ qua nhưng việc không có tiến triển nhanh chóng để bắt đầu các cuộc thương lượng thực chất về mở rộng hội đồng này cho phù hợp với thế giới đang thay đổi là điều đáng tiếc. Các cơ quan của LHQ như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế Xã hội phải được cải tổ nếu LHQ muốn đóng vai trò đầy đủ và chính đáng vào tiến trình quản trị toàn cầu hiệu quả hơn.
Để vượt qua một loạt các thách thức phức tạp chưa từng thấy hiện nay, mỗi dân tộc và mọi quốc gia thành viên của LHQ cần nỗ lực và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa. Và cùng với nỗ lực chung ấy, những biện pháp cụ thể nhằm cải tổ LHQ, cải tổ các cơ quan của LHQ càng cần hơn bao giờ hết để tổ chức toàn cầu này đối phó tốt hơn với các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, an ninh, phát triển bền vững, khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI này./.