(ĐCSVN) - An ninh mạng là vấn đề nổi cộm và nhức nhối mà nhiều nước trên thế giới đang quan tâm. Một số nước đã đầu tư rất lớn nhằm bảo vệ mạng máy tính trước sự tấn công của các hacker. Các nước Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nga, Israel, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Hàn Quốc... đã có các phân đội tác chiến mạng, các đội quân điều khiển học trực tuyến, hoặc các phân đội tác chiến điều khiển học để có thể tiến hành chiến tranh công nghệ cao khi cần.
|
An ninh mạng - nỗi lo toàn cầu (Ảnh IT) |
“Cuộc chiến an ninh mạng” đang trở nên phức tạp
Hiện nay, mạng bảo vệ điều khiển học tập thể của Khối quân sự NATO cũng đang hình thành dưới sự kêu gọi và hỗ trợ của Mỹ. Năm 2008, tại Thái Lan đã mở Trung tâm bảo vệ điều khiển học, là nơi tập huấn cho các chuyên gia công nghệ thông tin (IT) với việc mô phỏng chiến tranh điều khiển học mini.
Mỹ và Trung Quốc cũng đã khởi xướng cuộc chiến nhằm chiếm vị trí thống trị trong không gian điều khiển học. Mặc dù Mỹ có vị thế dẫn đầu tuyệt đối trong lĩnh vực công nghệ Internet nhưng Trung Quốc ngay từ năm 1999 là nước bắt đầu sớm hơn trong việc chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh trên mạng.
Quân đội Trung Quốc tuy thua kém so với Mỹ về vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, nhưng đã bắt đầu đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới nhất với ý tưởng đặt cược vào một cuộc chiến tấn công trong không gian điều khiển học. Thành phần mấu chốt trong chiến lược tấn công mạng của Trung Quốc là tạo ra sự “kiềm chế phi đối xứng” đối với Mỹ bằng việc thành lập các phân đội điều khiển học.
Hiện nay, Trung Quốc đã có đội quân điều khiển học khoảng 6.000 hacker, có khả năng bảo vệ các mục tiêu quan trọng sống còn của đất nước và đánh các đòn ngăn chặn đối phương. Ngoài ra, còn có khoảng 20.000 hacker “những người yêu nước” nằm trong đội hình các đơn vị đặc nhiệm Trung Quốc.
Những năm gần đây, mạng viễn thông của Mỹ thường xuyên diễn ra các cuộc tấn công điều khiển học từ lãnh thổ nước ngoài vào và lấy đi các thông tin quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị một cách có hệ thống.
Chỉ riêng năm 2003 đã diễn ra một loạt các cuộc tấn công điều khiển học như vậy với tên gọi “Mưa titan”. Nguồn lực của Tập đoàn “Lockeed Martin”, Phòng thí nghiệm quốc gia của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân “Sandia”, Trung tâm tên lửa vũ trụ và hàng loạt mạng máy tính của NASA bị phá hỏng. Trong đó, tài liệu về máy bay ném bom chiến lược đa năng thế hệ thứ 5 F-35 mà giá trị của dự án được đánh giá 300 tỷ đô-la cũng bị đánh cắp.
“Pháo đài số” của Lầu Năm góc với khoảng 15.000 mạng máy tính và hơn 7 triệu máy tính cũng bị hơn 100 đơn vị đặc nhiệm và cơ quan tình báo của nhiều nước trên thế giới thử thâm nhập. Từ nhiều năm nay, Lầu Năm Góc luôn luôn nằm trong sự bao vây của các hacker nước ngoài. Các mạng viễn thông của Lầu Năm Góc, bao gồm cả mạng nội bộ SPIRNET cũng chịu đến 360 triệu cuộc tấn công mỗi năm. Mạng thông tin toàn cầu (GloballInfomationGrid) của Bộ quốc phòng Mỹ mỗi ngày chịu đến 3 triệu lần tấn công.
Trong những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhiều vụ scandal liên quan đến việc thâm nhập của các hacker nước ngoài vào các mạng máy tính của Lầu Năm Góc. Năm 2007, các hacker đã phá hỏng hệ thống thư điện tử của Bộ quốc phòng Mỹ. Tiếp theo là các cuộc tấn công điều khiển học có kết quả vào các mạng viễn thông của Lầu Năm Góc, Bộ Tài chính, Bộ năng lượng và Bộ Thương mại Mỹ. Hacker còn tấn công vào Tổng hành dinh của Liên hợp quốc ở New York. Các hacker nước ngoài còn mưu toan phá hỏng mạng toàn cầu Google không chỉ để nhận được các thông tin cá nhân của các nhân vật đối lập của quốc gia mà còn tiếp cận các nguồn thông tin mật của các công ty Mỹ.
Năm 2006, Quân đội Israel đã sử dụng hacker tấn công vào mạng máy tính của nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng ở Sirya và hệ thống phòng không của nước này. Kết quả là hệ thống phòng không Sirya đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Năm 2007, các hacker đã tấn công vào mạng của Estonia làm mạng Internet của Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng và các nhà băng của Estonia bị cắt trong 2 tuần, trong đó các máy chủ của Đại sứ quán Mỹ tại Estonia cũng bị tấn công. Chính vì vậy mà Mỹ và nhiều nước phương Tây bắt buộc phải đầu tư nguồn lực lớn để bảo vệ hệ thống thông tin của mình.
Năm 2009, Mỹ đã thành lập cơ quan mới của Lầu Năm Góc là Bộ chỉ huy điều khiển học (U.S. CyberCommand), là cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh mạng thông tin quân sự của Mỹ. Hoạt động của cơ quan này gắn liền với Cơ quan an ninh quốc gia nằm ở căn cứ quân sự Fort Mid (bang Meriland). Tại căn cứ quân sự này, Mỹ đã mở trung tâm chỉ huy về an ninh mạng. Trong trung tâm này có các đội đặc nhiệm với hàng ngàn hacker. Bộ chỉ huy điều khiển học sẽ tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các mạng thông tin của đối phương. Các phương tiện và biện pháp mới để tiến hành các chiến dịch tấn công và phòng ngự trong các mạng máy tính được soạn thảo trong khuôn khổ một dự án bí mật của Lầu Năm Góc mang tên “Manhetten”. Chính quyền Mỹ dự kiến chi cho bảo vệ chống hacker số tiền lên đến 11 tỷ USD.
Giải pháp đảm bảo an ninh mạng đã được tiến hành
Để đảm bảo an ninh mạng khi chuyển sang cấu trúc mạng Internet mới, các nước đặc biệt quan tâm đến các giải pháp như:
Một là, hủy bỏ các mối liên hệ vật lý giữa mạng Internet thông tin toàn cầu dùng chung với các mạng của các tập đoàn và các bộ ngành, chỉ giữ lại các mối liên hệ thông tin qua hệ thống World Wide Web.
Hai là, thay các đường dẫn bằng các tổng đài sau khi đã loại bỏ việc xử lý thống tin ở các khâu của IP-Protocol và thay nó bằng chế độ chuyển khuôn ảnh Ethernet, khi đó quá trình chuyển mạch chỉ dẫn đến phép tính so sánh địa chỉ MAC thông thường.
Ba là, chuyển sang không gian địa chỉ thống nhất mới trên cơ sở các địa chỉ vật lý để truy cập vào môi trường truyền (mức MAC). Không gian địa chỉ thống nhất mới này liên kết với vị trí địa lý của mạng và cho phép tạo địa chỉ trong khuôn khổ 48 bit cho khoảng 64.000 tỷ cụm độc lập. Ngoài ra, chức năng và yêu cầu của bức tường lửa cũng được nâng cấp hiện đại hơn.
Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng rộng hơn, sâu hơn vào thị trường không gian số toàn cầu, ngành công nghệ thông tin đang phát triển với tốc độ nhanh, vấn đề an ninh mạng cũng đang được đặc biệt quan tâm. Vì thế, những giải pháp bảo đảm an ninh mạng của các nước trên thế giới cũng đang được các nhà hoạch định chính sách - kỹ thuật an ninh mạng của Việt Nam quan tâm./.