Đàm phán với G5+ 1 và mong muốn của Iran

Thứ ba, 21/02/2012 14:07

Quan chức phụ trách khu vực Iran của Nhà Trắng Dennis Ross cho rằng, tăng cường biện pháp trừng phạt có thể giúp tăng khả năng điều đình bằng ngoại giao để ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran. Đồng thời, kết quả bước đầu là Iran gửi thư phúc đáp tới Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận đàm phán trong đó tập trung vào việc đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran là vì mục đích hoà bình.

Đây là bước phát triển quan trọng, nhưng mới là đáp án của một nửa phương trình. Iran có thể hy vọng đạt được gì từ cuộc đàm phán hạt nhân với G5+1?  Iran chắc chắn sẽ tìm kiếm sự giảm nhẹ trừng phạt, mà những biện pháp trừng phạt kinh tế đang dần trở nên hiện hữu và cứng rắn hơn. Nhưng họ còn mong muốn nhiều hơn nữa. 

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thăm cơ sở hạt nhân (Ảnh Tân Hoa xã)

Tắt hy vọng thay đổi chế độ của phương Tây

Rõ ràng ưu tiên hàng đầu của Tehran là kết thúc những nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi chế độ tại nước này. Đây có thể không hẳn là vấn đề mà người Mỹ đặt ra, nhưng nó ám ảnh Iran. Tehran tin rằng, Washington đã cố gắng để  thay đổi chế độ ở Tehran trong nhiều thập kỷ qua. Các quan chức Iran có thể nói hàng giờ những câu chuyện về sự hỗ trợ của Mỹ (và Israel) đối với lực lượng của Azeri, Baloch và các phiến quân người Kurd.

Các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab lấy cảm hứng một phần từ "Phong trào xanh" của Iran phản đối gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2009. Trong khi một số thành viên Quốc hội xem hỗ trợ của Tổng thống Obama là không đủ đối với đảng Xanh, chính quyền Tehran lại cho rằng Mỹ đứng đằng sau toàn bộ phong trào.

Chương trình hạt nhân, ngoài việc tăng cường sức mạnh quân sự của Iran và uy tín trong khu vực, cũng nhằm mục đích chấm dứt các nỗ lực thay đổi chế độ. Tehran cho rằng, Mỹ sẽ không tấn công một nhà nước có vũ khí hạt nhân vì sợ hậu quả. Thực tế đã có những bằng chứng phong phú khi so sánh CHDCND Triều Tiên - một Nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân, và Libya - từ bỏ nỗ lực hạt nhân của mình và phải chịu một cuộc chiến tranh làm thay đổi chế độ.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu người Mỹ có đưa yêu cầu thay đổi chế độ lên bàn đàm phán không nếu Iran đưa ra lý lẽ cứng rắn và có kiểm chứng rằng chương trình hạt nhân của họ là hoàn toàn vì hòa bình? Câu trả lời cho vấn đề này đến nay vẫn không rõ ràng.

Chỉ có thể hình dung: Washington thừa nhận Tehran và tái lập quan hệ ngoại giao sau 32 năm gián đoạn. Thật khó hình dung một thỏa thuận song phương hứa hẹn không can thiệp lẫn nhau trong các vấn đề nội bộ. Và chắc chắn, một thỏa thuận tương tự như vậy sẽ không được chấp thuận trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Một câu hỏi then chốt khác là liệu Mỹ có chấp nhận việc Iran đang nắm giữ công nghệ hạt nhân nhạy cảm, đặc biệt trong chương trình làm giàu uranium, thậm chí nếu Tehran có thể sử dụng công nghệ dưới sự kiểm soát quốc tế chặt chẽ?

Một khi Iran có khả năng làm giàu uranium để sản xuất bom (90% hoặc nhiều hơn), nước này sẽ không mất đến vài năm để sản xuất cả một kho vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Iran có thể sẽ tiếp tục phát triển và triển khai nhiều tên lửa có thể nhắm tới mục tiêu Israel và châu Âu, thậm chí là cả Mỹ. Liệu Hoa Kỳ hay Israel có thể tồn tại với một mối đe dọa luôn rình rập như vậy?

Các lệnh trừng phạt được phương Tây đưa ra là để buộc Iran cung cấp thêm thông tin về chương trình hạt nhân của mình. Phương Tây tin rằng, Tehran có thể cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Iran từ lâu luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ duy nhất cho sản xuất năng lượng dân sự. 

Cuộc tấn công quân sự không thể tránh khỏi?

Mỹ và Israel đã có những lời lẽ cứng rắn đi kèm với một "biện pháp quân sự" để chống lại chương trình hạt nhân của Iran. Tehran cũng đã phản ứng lại với các mối đe dọa một cách hùng hồn.

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Cách mạng Hồi giáo (ngày 11/2), Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã nhấn mạnh quyết tâm của Iran phát triển hạt nhân, hứa hẹn sẽ công bố bước đột phá mới trong tương lai gần. Ngày 15/2, nước này đã chính thức công bố thành tựu hạt nhân mới với việc đưa những thanh nhiên liệu hạt nhân đầu tiên do Iran tự sản xuất vào lò phản ứng hạt nhân.  

Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã nhấn mạnh quyết tâm của Iran
phát triển hạt nhân (Ảnh CNN)

Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bày tỏ tin tưởng rằng, Israel có thể tấn công Iran trong vòng 2-3 tháng tới. Có hay không cuộc tấn công này có lẽ chỉ có ông Leon Panetta mới là người biết chắc. Song có thể đặt ra câu hỏi tại sao phát biểu này được công bố công khai?
Israel dường như cho thấy rằng, trừ khi các giải pháp ngoại giao phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn kế hoạch hạt nhân của Iran, nếu không, các giải pháp quân sự sẽ là lựa chọn không thể tránh khỏi.

Israel không đe dọa Iraq trước khi tấn công cơ sở hạt nhân nước này vào năm 1981; Israel cũng không xác nhận tấn công các cơ sở hạt nhân của Syria vào năm 2007. Tuy nhiên, trước lời đe dọa của Israel, Iran đã phản ứng bằng cách đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường thủy chiến lược quan trọng vận chuyển hơn 1/4 lượng dầu của thế giới.

Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), Iran thường xuyên đe dọa đóng cửa eo biển, nhưng không bao giờ làm, vậy tại sao Iran - một nước có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu qua Vịnh Ba Tư, một lần nữa đe dọa đóng cửa eo biển bây giờ? Có vẻ như đây là một mũi tên nhắm 2 mục tiêu cả đối nội và đối ngoại.

Báo cáo của IAEA tháng 11/2011 cho thấy Iran đã bí mật nối lại chương trình hạt nhân quân sự. Nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ làm thay đổi đáng kể bản đồ địa lý chiến lược của khu vực và phổ biến vũ khí hạt nhân khu vực Trung Đông.

Theo cáo buộc của phương Tây, hoạt động hạt nhân của Iran sẽ có vai trò che chắn cho các phong trào Hồi giáo, như Hamas và Hezbollah, khuyến khích cho chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Bất ổn khu vực sau "Mùa xuân Arab", sự tham gia của Iran ở Bahrain và Syria, và sự can thiệp của nước này vào nơi khác (chủ yếu là ở Iraq và Afghanistan) khiến cho thách thức của Iran còn đáng báo động hơn.

Hãy tưởng tượng những gì có thể xảy ra nếu ông Moammar Gadhafi đã có vũ khí hạt nhân cách đây vài tháng hoặc nếu đồng minh chính của Iran, ông Bashar al-Assad ở Syria, có vũ khí hạt nhân ngay lúc này?

Đồng minh của Mỹ ở Trung Đông (Saudi Arabia, Israel) đã liên tục gây áp lực để Mỹ đối đầu với Iran. Washington cũng đang cố gắng trấn an các đồng minh của mình cũng như ngăn cản họ (chủ yếu là Israel) hành động đơn phương mà hệ quả là có thể kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu với Iran.

Hoa Kỳ cũng xác định rằng, Iran đang chịu áp lực để xem xét lại chính sách hạt nhân của mình. Tuy nhiên, những thành tựu hạt nhân mới của Iran cũng đang tạo ra những mối quan ngại cho Hoa Kỳ và đồng minh.

Năm 2012 là một năm bầu cử - cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11 và cuộc bầu cử Quốc hội Iran vào mùa xuân. Có thể Israel cũng có bầu cử. Không khí trước bầu cử lại càng làm tăng căng thẳng của các bên.

Tuy nhiên, có nhiều cách để trì hoãn chương trình hạt nhân của Iran bởi theo nhận định của các nhà phân tích chính trị, Iran ngày nay đã yếu thế và dễ bị tổn thương. Với một chính sách kiên quyết, phương Tây có thể ép buộc Iran phải suy nghĩ lại chính sách hạt nhân của mình./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực