(ĐCSVN) - Mới đây, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Lybia M. Gadhafi cùng con trai và lãnh đạo cơ quan tình báo của nước này. Quyết định trên của ICC đã gây ra những dư luận trái chiều trên thế giới.
|
Hàng trăm lều bạt của người tị nạn được dựng lên sát cạnh đường biên giới giữa Libya và Tunisia ở Ras Ajdir (Ảnh: AP) |
Hơn một trăm ngày qua, Mỹ và NATO đã thực hiện gần 5.000 lần xuất kích dội bom vào Lybia. Mặc dù dùng một lực lượng vượt trội về binh khí, kỹ thuật vào loại hiện đại nhất, tiến công một quốc gia kém mình về nhiều mặt, nhưng dường như Mỹ và NATO vẫn chưa đạt được những mục tiêu của mình, đó là: M. Gadhafi và Chính phủ Lybia chưa bị lật đổ; lực lượng đối lập ở Lybia chưa mạnh lên theo mong muốn của họ. Trong nội bộ NATO bắt đầu có sự chia rẽ. Không ít thành viên trong khối NATO ngãng ra đối với cuộc chiến này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Ghết, các tướng lĩnh đứng đầu hải quân Anh, Pháp nghi ngại NATO không đủ phương tiện để hoàn tốt chiến dịch tại Lybia Ông Ghết cho rằng, các nước không còn đủ đạn dược cho cuộc chiến tại Lybia, trong khi Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bồ Đào Nha có nguồn quân sự có thể đóng góp nhưng lại từ chối. Hơn một nửa nước trong số 28 thành viên NATO bỏ phiếu ủng hộ chiến dịch tiến công Lybia đang đứng ngoài cuộc chiến, bởi họ quá ít quân số và đạn dược để đóng góp, nhất là trong thời điểm kinh tế hiện nay, họ đang phải “thắt lưng buộc bụng”. Mới đây, Ý kêu gọi liên quân NATO ngừng các hoạt động quân sự để tạo hành lang an toàn cho các hoạt động nhân đạo.
Trong lúc nội bộ những nhà lãnh đạo NATO chia rẽ và đuối sức, lúng túng trước cuộc chiến, thì tại LaHaye (Hà Lan), Tòa án hình sự quốc tế đã ra lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Lybia M.Gadhafi, con trai ông Seifal – Islamfi và người đứng đầu cơ quan tình báo của nước này, với cáo buộc những người này phạm tội ác chống lại nhân loại và đứng sau các cuộc tiến công dân thường.
Quyết định trên của ICC đương nhiên được phe đối lập ở Lybia, Anh, Pháp hoan nghênh. Hội đồng chuyển tiếp dân tộc (NTC) của phe đối lập sốt sắng tuyên bố sẽ làm tất cả để đưa ông M.Gadhafi ra tòa. Trong lúc NATO và phe đối lập Lybia hoan hỉ với với phán quyết của ICC thì nhiều người đứng đầu của một số quốc gia trên thế giới phản ứng. Bộ trưởng Tư pháp Lybia M.Gamundi đã lên án phán quyết của ICC, cho đó là “vỏ bọc” cho chiến dịch của NATO nhằm ám sát ông Gadhafi. Nhà lãnh đạo Lybia và con trai ông không giữ một chức vụ chính thức nào trong Chính phủ nên không liên quan đến cáo buộc của ICC. Lybia cũng không tham gia ký kết công ước thành lập ICC, vì thế không chấp nhận quyền tài phán của Tòa án này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi ICC có thái độ thận trọng khách quan và công bằng nhằm bảo đảm các hành động của ICC có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc kiên quyết phản đối can thiệp và công việc nội bộ của các nước khác, kêu gọi giải quyết của khủng hoảng Lybia thông qua đàm phán hòa bình. Tổng thống Nam Phi G.Duma bày tỏ “thất vọng” trước phán quyết của ICC có thể phá hủy nỗ lực Liên minh châu Phi (AU) giúp giải quyết xung đột tại Lybia. Một số chuyên gia quốc tế phân tích, cảnh báo, lệnh truy nã ông M.Gadhafi không những không thể giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong chiến dịch quân sự do NATO đứng đầu ở Lybia, mà còn khiến xung đột kéo dài và ông M.Gaddafi có thể lấy đó làm lý do chống lại các giải pháp hòa bình...
Mới đây nhất, Mỹ và NATO đã tiến hành gần 5000 lần xuất kích, trong đó không ít lần máy bay NATO bắn “nhầm” các mục tiêu dân sự làm nhiều dân thường thiệt mạng. Cho đến nay, cuộc xung đột này đã làm hàng nghìn người chết, 65 nghìn người phải tha phương cầu thực ra nước ngoài tị nạn và 240 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Cuộc chiến tranh ở Nam Tư năm 1999, ước tính gần 2500 dân thường bị thiệt mạng, gần 12.500 người bị thương. Mỹ và NATO thực hiện chiến dịch công kích 78 ngày đêm chia cắt Kosovo khỏi Serbia làm 2.500 dân thường bị thiệt mạng gây thiệt hại kinh tế hàng chục tỉ USD. ICC cũng ra lệnh bắt giữ ông Milosevic. Cuộc chiến tranh ở I - rắc, tính từ năm 2004 đến cuối năm 2009, số dân thường bị giết hại tại I rắc là 68.081 người. Cuộc chiến tranh tại Afganixtan, theo số liệu hàng năm do phái đoàn hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afganixtan (UNAMA) cung cấp, có thể thấy trong các năm gần đây, số dân thường bị thương vong hàng năm ở Afganixtan đang có xu hướng tăng dần. Thí dụ: năm 2007 là 1.523 người, năm 2008 là 2.118 người, năm 2009 là 2.418 người, năm 2010 là 2.777 người, trong đó, hàng nghìn người chết và bị thương vì bị “bắn nhầm” trong các hoạt động quân sự do quân đội Mỹ và NATO thực hiện.
Mười hai năm, bốn cuộc chiến tranh xảy ra, với những lý do mà những người chủ xướng đưa ra rất mơ hồ và trong thực tế không có tính xác thực như: “chống khủng bố”, “bảo vệ nhân quyền”... Những người chủ mưu gây ra chiến tranh khi thấy “quyền lợi” của họ bị đe dọa, hoặc mỗi khi nhận thấy một quốc gia nào đó thể hiện ý thức tự chủ, quyết tâm bảo vệ lợi ích của dân tộc mình thì Mỹ và đồng minh tìm cách tạo ra những lý do để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó, cố tình lạm dụng các nghị quyết của Liên hợp quốc đưa tình hình thế giới thêm căng thẳng.
Mười hai năm gây ra bốn cuộc chiến tranh, làm đảo lộn cuộc sống bình thường ở các quốc gia, vùng lãnh thổ: Lybia, Afganixtan, Irắc, Nam Tư và một số quốc gia chung quanh... chủ quyền dân tộc bị chà đạp, dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng; thành phố, làng xóm bị điêu tàn, nhà tan cửa nát. Hàng chục nghìn người bị tước đi quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Thử hỏi, những người gây nên và tạo ra những cuộc chiến tranh như đã dẫn ở trên há chẳng phải đã phạm tội ác chống lại nhân loại và đứng sau các cuộc tiến công dân thường...? Ai, Tổ chức, Tòa án nào sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý xét xử những kẻ chủ mưu gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với nhân loại trong thời đại hiện nay?