(ĐCSVN) – Trong quá khứ, những vụ mua bán vũ khí tối tân giữa Ả rập Xê-út và Mỹ thường hay vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Israel. Tuy nhiên, hôm 20/10, khi Mỹ công bố kế hoạch sẽ bán lô vũ khí trị giá 60 tỷ USD cho đồng minh Ả rập Xê-út thì Israel lại “im lặng” và không hề có bất kỳ phản ứng nào trước quyết định này. Vậy đâu là những nguyên nhân đằng sau việc Israel giữ “im lặng” trước thoả thuận mua bán vũ khí lần này giữa Mỹ và Ả rập Xê-út?
|
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề về quân sự -chính trị, ông Andrew Shapiro: hợp đồng mua bán vũ khí lần này giữa Mỹ và Ả rập Xê-út không vấp phải ý kiến phản đối nào từ phía Israel (Ảnh: Haaretz.com) |
Từ trước tới nay, Israel vẫn theo đuổi lập trường cứng rắn nhằm duy trì ưu thế về công nghệ của mình so với các nước láng giềng. Thậm chí Tel Aviv còn lên tiếng phản đối những thương vụ mua bán vũ khí có nguy cơ đe doạ ưu thế về công nghệ của mình trong khu vực.
Tuy nhiên, lần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề về quân sự-chính trị, ông Andrew Shapiro lại khẳng định rằng, Chính phủ Mỹ không hề vấp phản bất kỳ sự cản trở nào từ phía Israel về thương vụ mua bán vũ khí với Ả rập Xê-út. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua thì đây sẽ là thương vụ vũ khí đơn lẻ lớn nhất từng được thực hiện trong lịch sử nước Mỹ và sẽ mất đến từ 15 đến 20 năm để hoàn tất.
Theo nhận định của các nhà phân tích thì sở dĩ lần này, Israel giữ im lặng trước thoả thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ả rập Xê-út là bởi cả Israel và Ả rập Xê-út đều coi Iran là một mối đe doạ ngày càng lớn mạnh trong khu vực và rằng “bản thoả thuận này sẽ không làm thay đổi thế cân bằng chiến lược của Israel trong khu vực”.
Một kẻ thù chung
|
Chương trình hạt nhân của Iran: mối quan tâm sâu sắc của cả Israel và Ả rập Xê-út (Ảnh: tư liệu) |
Phát biểu trước phóng viên, một nhà nghiên cứu lâu năm về châu Phi và Trung Đông tại trường đại học Tel Aviv, ông Joshua Teitelbaum đã đúc rút ra một câu nói ngắn gọn để bày tỏ quan điểm về thái độ yên lặng của Israel trước thoả thuận vũ khí lần này giữa Mỹ và Ả rập Xê-út, đó là “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của mình”.
“Chừng nào Israel còn cảm thấy ưu thế về quân sự của mình vẫn còn được duy trì thì Tel Aviv sẽ không bỏ ra công sức để gây mâu thuẫn hay cản trở những nỗ lực của một nước đồng minh lớn là Mỹ”, ông Teitelbaum nói.
Bên cạnh đó, ông Teitelbaum cũng cho biết, mới đây, Israel đã ký kết một thoả thuận mua 20 máy bay chiến đấu F-35 trị giá hơn 3 tỷ USD từ Mỹ.
Cũng theo chuyên gia này thì dù Israel và Ả rập Xê-út có thể không đồng quan điểm về nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông, song nhìn chung, họ lại chia sẻ cùng một mối quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran. Cụ thể, Israel chủ yếu lo ngại về khả năng Iran sẽ chế tạo thành công vũ khí hạt nhân, trong khi đó, Ả rập Xê-út lại e ngại về khả năng nước Cộng hoà Hồi giáo Iran sẽ tạo ra những mối đe doạ tiềm tàng đối với vị trí của mình trong khu vực.
Tiếp tục giữ lợi thế về công nghệ
|
Việc mua thêm chiến đấu cơ F-35 của Mỹ tiếp tục giúp Israel giữ được ưu thế về công nghệ trong khu vực (Ảnh: AFP) |
Theo nhận định của Biên tập viên tờ “Defense Analysis” có trụ sở tại London, Francis Tusa thì bản thoả thuận này sẽ không làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực và Israel vẫn sẽ tiếp tục giữ những ưu thế vượt trội của mình về mặt công nghệ. Trong khi Mỹ xuất khẩu chiến đấu cơ F-15 cho Ả rập Xê-út thì bản thân Israel cũng đang trong tiến trình nhằm hướng tới tương lai sở hữu chiến đấu cơ F-35. Trên thực tế, chiến đấu cơ F-35 có một số ưu điểm vượt trội hơn so với F-15 như: có thể tiếp nhiên liệu trên không và di chuyển đến bất kỳ địa điểm nào trong khu vực và đây chính là một yếu tố khiến Israel “yên tâm” rằng bản thoả thuận vũ khí giữa Mỹ và Ả rập Xê-út sẽ không đe doạ ưu thế về công nghệ của mình. Thậm chí thông cáo chung do Đại sứ Israel tại Mỹ Michal Oren đưa ra hồi đầu tháng 10/2010 cũng nêu rõ: “F-35 là chiến đấu cơ hiện đại nhất trên thế giới. Thiết bị này sẽ nâng cao khả năng tự vệ của Israel cũng như giúp nước này chống lại bất kỳ mối đe doạ nào xuất phát từ bất cứ nơi đâu trong phạm vi khu vực Trung Đông”.
Bên cạnh đó, biên tập viên Francis Tusa còn cho rằng, Washington sẽ không bao giờ làm bất kỳ việc gì khiến cho cán cân quân sự trong khu vực thay đổi và ảnh hưởng đến quyền lợi của Israel.
Chưa hẳn là một dấu hiệu của lòng tin
|
"Việc Israel không lên tiếng phản đối vụ mua bán vũ khí lần này cho thấy Israel ngày càng đặt nhiều niềm tin vào Mỹ" (Ảnh: tư liệu) |
Theo một số chuyên gia, việc Israel không lên tiếng phản đối vụ mua bán vũ khí này chưa hẳn là một tín hiệu cho thấy Israel đặt lòng tin vào Ả rập Xê-út mà trên thực tế, Israel lại có nhiều niềm tin đối với nước Mỹ hơn và càng ngày, Tel Aviv càng tỏ ra hạn chế trong việc đưa ra những lời chỉ trích.
Ông Barak Seener, người đứng đầu chương trình an ninh Trung Đông tại một viện nghiên cứu về an ninh và quốc phòng tại London cho rằng, bản thoả thuận này không nên được nhìn nhận như một dấu hiệu của niềm tin giữa Israel và Ả rập Xê-út mà đây là một kế hoạch được Mỹ lập ra một cách kỹ lưỡng nhằm “nâng cao khả năng chiến lược của Ả rập Xê-út mà lại không làm tổn hại đến ưu thế vượt trội của Israel”.
Trong khi đó, Yehuda Ben Meir, một nhà nghiên cứu về an ninh quốc gia tại trường đại học Tel Aviv cũng chia sẻ quan điểm với ông Seener khi cho rằng: “Sẽ thật khó đối với Israel khi lên tiếng phản đối một bản thoả thuận vốn được Mỹ khẳng định rằng nhằm mục đích nâng cao sức mạnh của các nước Ả rập xung quanh Iran”./.