|
Trụ sở WTO tại Geneva. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Con đường gia nhập Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO) của Nga đến nay đã bước sang năm thứ 18, lâu hơn bất kỳ nước nào đã gia nhập WTO, nhưng dường như vẫn còn nhiều chông gai. Liên quan đến vấn đề này, hãng tin Itar-Tass (Nga) có bài phân tích như sau:
Gần đây, quan hệ thương mại giữa Nga với châu Âu và Mỹ (Âu - Mỹ) diễn biến sôi động. Tuy nhiên, Nga vẫn còn dè dặt về khả năng trở thành thành viên chính thức của WTO. Tại Diễn đàn Kinh tế diễn ra ở Xanh Pê-téc-bua ngày 18/6 vừa qua, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Na-biu-li-na cho biết: "Chúng tôi cần giải quyết được 3 vấn đề với các đối tác trước cuối tháng 7 này, nếu không, việc gia nhập WTO của Nga có thể phải mất thêm vài năm nữa".
Năm 1993 , Nga chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT - tiền thân của WTO). Những năm 1990, kinh tế Nga suy thoái nghiêm trọng, tình hình chính trị trong nước biến động mạnh mẽ, châu Âu và Mỹ đã vin vào các vấn đề thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ để gây nhiều trở ngại trong các cuộc đàm phán, dẫn đến việc trong một thời gian dài tiến trình đàm phán giữa Nga và các nhóm công tác của WTO, cũng như với các thành viên của WTO bị đình trệ.
Để nhanh chóng đạt được mục tiêu gia nhập WTO, Chính phủ Nga đã áp dụng một loạt biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách với yêu cầu của các nước thành viên WTO, bao gồm điều chỉnh các mức thuế, xây dựng và sửa đổi luật, quy định pháp luật, xóa bỏ những phân cách thị trường địa phương, thống nhất thị trường cả nước... Tại hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU tháng 12.2010, Nga đã có sự nhượng bộ với gỗ nhập khẩu khi giảm thức thuế từ 25% xuống 15%. Tuy nhiên, những nhượng bộ của Nga có vẻ như chưa đủ, bởi theo các nhà phân tích, Mát-xcơ-va vẫn chưa nhận được sự tin cậy hoàn toàn từ các đối tác Âu - Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc Nga gia nhập WTO thực chất là một "trò chơi chính trị" giữa nước này với châu Âu và Mỹ. Mặc dù Nga đã gia nhập Nhóm G-8 (các nền công nghiệp phát triển), đồng thời xây dựng "quan hệ đối tác chiến lược" với Âu - Mỹ, nhưng sự không tin tưởng lẫn nhau đã trở thành rào cản lớn nhất trên con đường Nga gia nhập WTO. Chính phủ Mỹ luôn lấy việc ủng hộ Nga gia nhập WTO làm điều kiện đế trao đổi về chính trị, trong khi đó ngăn cản Nga gia nhập WTO lại được tính toán trên nhiều mặt như kinh tế, chính trị và chiến lược địa duyên. Do lợi ích chiến lược Nga - Mỹ trái ngược nhau, Mỹ luôn coi Nga là đối thủ tiềm tàng. Các quốc gia châu Âu cũng luôn có tâm lý e ngại về sự lớn mạnh của Nga. Tháng 5.2004, EU đã kết nạp thêm 10 nước Đông Âu, mở rộng phạm vi đến tận "cửa" của Nga.
Ngoài ra, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), khi gia nhập WTO, về trung hạn, kinh tế của Nga có thể tăng trưởng 3,3%, về dài hạn mức tăng trưởng này có thể lên đến 11%. Với vai trò là người chi phối WTO, EU và Mỹ hẳn không muốn chứng kiến Nga có sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục như vậy, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Âu - Mỹ.
Giới quan sát cho biết, châu Âu lúc thì đưa ra những chỉ trích vô cớ đối với vấn đề kinh tế, chính trị trong nước của Nga, lúc thì lấy lý do luật pháp Nga không phù hợp với quy định của WTO để đưa ra những yêu cầu hà khắc, kéo dài tiến trình đàm phán. Điều này khiến Nga nhiều lần tưởng như có thể bước chân vào WTO, nhưng rốt cục lại phải dừng bước bên ngoài “cánh cửa” của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này./.