LTS: Chúng tôi lược đăng bài phân tích của Báo Bưu điện Băng cốc ngày 7-2-2011 về tình hình chính trị của Thái Lan để bạn đọc tham khảo.
Theo Pa-vin Cha-cha-va-pông-pun - một cựu quan chức ngoại giao Thái Lan đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xin-ga-po, nhìn bề ngoài, vụ đọ súng dữ dội vừa qua giữa Thái Lan và Cam-pu-chia xuất phát từ một xung đột về lãnh thổ giữa hai nước. Nhưng trên thực tế, đó lại là kết quả của một cuộc chiến giành quyền lực trên chính trường Thái Lan, cụ thể là giữa đảng Dân chủ cầm quyền và Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), tức phe “áo vàng’’.
Ông Pa-vin cho rằng, hiện có một sự chia rẽ giữa PAD và đảng Dân chủ cầm quyền. PAD đang sử dụng vấn đề tranh chấp biên giới vào một mục tiêu rõ ràng là làm suy yếu Chính quyền của Thủ tướng A-bị-xịt. Diễn biến các sự kiện đang cho thấy điều này. Trước đây không lâu, PAD và đảng Dân chủ Thái Lan là thân cận của nhau, cùng sát cánh bên nhau trong một chiến tuyến để lật đổ Chính quyền của cựu Thủ tướng Thặc-xỉn (năm 2006) và các Chính phủ thân ông Thặc-xỉn sau đó (2008). Khi PAD chính trị hóa vấn đề đền Prếch Vi-hia, đảng Dân chủ lúc đó là phe đối lập đã ngả theo PAD. Hai lực lượng này đã nhen nhóm lại ngọn lửa chủ nghĩa quốc gia và lên án Chính quyền của ông Xạ-mặc là đem bán chủ quyền quốc gia Thái Lan cho Cam-pu-chia đế đổi lấy những lợi ích cho gia đình Thặc-xỉn. Khi thành lập được Chính quyền vào cuối năm 2008, sau một thỏa thuận được dàn xếp trong hậu trường với quân đội, đảng Dân chủ từng bước tách khỏi đồng minh cũ của mình nhằm xây dựng hình ảnh một chính quyền trung lập về chính trị.
Những người “áo vàng” cảng thấy phong trào này đã giúp đảng Dân chủ lên nắm quyền, nhưng lại không được Chính quyền A-bị-xịt “trả công”, ngoại trừ một số thành viên PAD dược đưa vào Nội các, mà nổi bật là Ngoại trưởng Ca-xịt - người có tiếng là chống Cam-pu-chia dữ dội. Nhưng theo nhận định của Giáo sư chính trị Đại học Chulalongkon Thi-ti-nan, ông Ca-xịt ngày càng đồng thuận với Thủ tướng A-bị-xịt và đảng Dân chủ. PAD cảm thấy bị đẩy vào vị trí phía sau, thậm chí hàng loạt lãnh đạo “áo vàng” bị truy tố vì vi phạm pháp luật khi biểu tình. Giáo sư Thi-ti-nan nhận định, ngay cả thế lực Hoàng gia từng ủng hộ phe “áo vàng” cũng ngả sang phía ông A-bị-xịt. Từ một thế lực hùng hậu trên chính trường, PAD rơi vào cảnh khó khăn.
Trong viễn cảnh của cuộc bầu cử sớm, có thể trong năm 2011, PAD hy vọng sẽ tạo được lợi thế từ những xung đột hiện nay để trở lại vị trí hàng đầu trên sân khấu chính trị và củng cố được cơ sở hậu thuẫn tại Băng Cốc. Các bước đi của PAD nhằm thu hút sự chú ý của dư luận xem ra đang có kết quả. Căng thẳng bùng phát tại khu vực biên giới Thái Lan - Cam-pu-chia từ cuối tháng 12/2010 khi Chính quyền Phnôm Pênh bắt giữ 7 người Thái Lan xâm nhập lãnh thổ Cam-pu-chia. Dù sau đó 5 người được trả tự do, nhưng Cam-pu-chia vẫn giam giữ 2 người còn lại, trong đó có Vê-ra - thủ lĩnh Mạng lưới những người Thái yêu nước (TPN), một nhánh cực đoan của lực lượng “áo vàng”. Lập tức, PAD tổ chức các cuộc biểu tình ở Băng Cốc và khu vực biên giới để gây sức ép buộc chính quyền A-bị-xịt giải cứu 2 tù nhân. Phe “áo vàng” buộc ông A-bị-xịt mềm yếu khi đối phó với Cam-pu-chia và đòi ông từ chức. Các cuộc đọ súng nổ ra ở biên giới Thái Lan – Cam-pu-chia đúng vào thời điểm phe “áo vàng” gây náo động ở Băng Cốc.
Dư luận thế giới và khu vực đang theo dõi cuộc xung đột trên biên giới Thái Lan - Cam-pu chia, nhất là tình hình chính trường Thái Lan. Nếu sự chia rẽ giữa PAD và đảng Dân chủ cầm quyền tiếp tục gia tăng, sẽ không đem lại hậu quả nào khác hơn là làm suy yếu Chính quyền hiện hành và tạo điều kiện cho các đối thủ chính trị khác (trong Quốc hội và phe “áo đỏ”) và đẩy Thái Lan vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Nếu tình hình trở nên không thể kiểm soát nổi thì rất có khả năng Quân đội sẽ lại nhảy vào chính trường để đưa Thái Lan ra khỏi bế tắc.