(ĐCSVN) - Ngày 21/9, ông Alexis Tsipras, thủ lĩnh Đảng Syriza, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử với 35,53% phiếu bầu. Theo đó, Đảng Syriza nắm 145/300 ghế trong Quốc hội. Liên minh cầm quyền của Syriza sẽ là Đảng Người Hy Lạp độc lập có 10 ghế, khiến Đảng Syriza và Chính phủ của ông Tsipras đứng trước cơ hội và thách thức đều lớn.
Cơ hội lớn…
Theo giới quan sát, kết quả bầu cử cho thấy người dân Hy Lạp mong muốn sự đổi thay và một chính phủ ổn định trong 4 năm tới. Báo chí Đức nhận định kết quả bầu cử chứng tỏ người Hy Lạp đã đồng lòng ủng hộ đồng euro, còn ông Tsipras được trao cơ hội thứ hai.
Theo tờ Sueddeutsche Zeitung, đối với ông Tsipras, lúc này là khoảng thời gian vừa khôi phục đất nước vừa phục hồi lòng tin của người dân đối với chính sách của Chính phủ. Thủ tướng Tsipras sẽ cần ít nhất 1 năm để nỗ lực ổn định kinh tế và cải thiện đời sống cho những người đã tin cậy ông một lần nữa. Nhiệm vụ này liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như: cắt giảm lương hưu, tăng thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp và thắt chặt chi tiêu phúc lợi… Với một chiến thắng không quá khó khăn trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, từ động thái ông từ chức và kêu gọi bầu cử sớm đã thể hiện nước cờ khôn ngoan để ông có thể quay trở lại chính trường với vị thế cao hơn.
|
Ông Alexis Tsipras phát biểu trước những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố tại thủ đô Athens ngày 20/9. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ông Janis Emmanoulidis, chuyên gia phân tích chính trị tại Trung tâm chính sách châu Âu nhận định: “Kết quả cuộc bầu cử vừa qua là không mấy bất ngờ, dù đảng Syriza bỏ cách khá xa đảng đối lập chính Dân chủ mới. Lá phiếu của cử tri Hy Lạp đã cho thấy họ tiếp tục đặt niềm tin vào ông Tsipras, họ muốn trao cho ông ấy một cơ hội nữa. Họ tin ông Tsipras và đảng của ông sẽ là một tác nhân của sự thay đổi và có thể nói là hầu hết người dân Hy Lạp đều muốn một sự thay đổi đối với đất nước của mình.”
Chính phủ mới có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp đã thỏa thuận với bộ 3 chủ nợ để nhận được gói cứu trợ quốc tế thứ 3 trị giá 86 tỷ euro. Nhiệm vụ hàng đầu và cũng được xem là quan trọng nhất đối với ông Tsipras là đàm phán về việc giảm và giãn nợ cho Hy Lạp.
Sau kết quả bầu cử, hàng ngàn người đã tụ tập tại trung tâm thành phố Athens để chúc mừng chiến thắng lần thứ 2 của ông Tsipras. Trong khi đó, đối thủ cũng như đại diện những chủ nợ cũng đã lên tiếng chúc mừng và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ông Tsipras.
Ông Vangelis Meimarakis, lãnh đạo đảng Dân chủ mới, lên tiếng rằng: “Tôi chúc mừng ông Tsipras và mong muốn ông ấy sớm thành lập chính phủ. Điều này là rất cần thiết. Chúng tôi sẽ thảo luận các vấn đề này vào một thời điểm thích hợp”.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cũng đã lên tiếng chúc mừng và cho biết sẵn sàng hợp tác với ông Tsipras để giải quyết những khó khăn của Hy Lạp.
Thách thức không nhỏ…
Ông Tsipras đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, nhưng rất nhiều thách thức đang chờ ông ở phía trước. "Canh bạc" từ chức và kêu gọi bầu cử sớm đã thành công, nhưng nguy cơ không nhận được gói cứu trợ 86 tỷ euro cũng cận kề.
Vào tháng 10 tới, các chủ nợ sẽ có cuộc đánh giá đầu tiên, nếu tình hình khả quan hơn, Hy Lạp sẽ nhận thêm khoản giải ngân khoảng 3 tỷ euro và nhờ đó có thể trả khoản nợ 3,2 tỷ euro cho IMF vào tháng 12 năm nay.
Cho đến cuối tháng 4, nợ của Hy Lạp đã đạt con số 300 tỷ euro (170% GDP), trong đó 197 tỷ euro là của các đối tác Eurozone. Tuy nhiên, Đức tỏ ra khá cứng rắn, không chịu xóa nợ cho nước này.
Trong thỏa thuận gói cứu trợ thứ 3 hồi tháng 7, Chính phủ Hy Lạp đã cam kết điều chỉnh ngân sách tăng thuế và cải cách lương hưu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những điều chỉnh này sẽ rất khó thực hiện tại Hy Lạp, nơi đã quá mệt mỏi với chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Với con số 54% cử tri Hy Lạp tham gia bỏ phiếu là “Tỷ lệ cử tri bi bầu ở mức thấp lịch sử, cho thấy sự thất vọng của người dân Hy Lạp với các tầng lớp chính trị gia".
Bài toán nhập cư hiện EU và Hy Lạp vẫn chưa tìm thấy lời giải. Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 124 nghìn người tới Hy Lạp bằng đường biển, cao hơn 750% so với năm 2014. Cuộc khủng hoảng tị nạn đã gây tác động không nhỏ cho nền kinh tế vốn đã kiệt quệ của Hy Lạp.
Đảng cánh hữu Người Hy Lạp độc lập đã tuyên bố sẽ thành lập liên minh với Syriza và liên minh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi với 155 ghế trong Quốc hội.
Việc đảng Bình minh vàng, có xu hướng phát xít mới và bài ngoại trở thành đảng lớn thứ ba, chiếm 7% số phiếu bầu là một kết quả đáng lo ngại, một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của xã hội và chính trường Hy Lạp.
Khó khăn đầu tiên với ông Tsipras là việc phải thành lập một chính phủ liên minh để lãnh đạo đất nước do đảng Syriza không đạt đủ số ghế quá bán ở Quốc hội (145/300 ghế).
Hiệu quả thực sự vẫn phải chờ…
Theo giới quan sát, một hội đồng quốc gia về chính sách châu Âu, gồm các thành viên thuộc các đảng phái của Hy Lạp dự kiến sẽ được thành lập, với nhiệm vụ cố vấn cho Bộ trưởng Tài chính, có thể giúp Thủ tướng Tsipras giải quyết vấn đề hiệu quả hơn không?
Dư luận còn nhớ, trước nguy cơ vỡ nợ và buộc Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone, ông Tsipras vốn rất “cứng rắn” cũng đã phải chấp nhận các yêu cầu khắt khe của bộ 3 chủ nợ.
Giờ đây, ông Tsipras và chính phủ mới sẽ phải đối mặt với những thách thức song song như vừa phải phục hồi nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính với món nợ khổng lồ, vừa phải xây dựng lòng tin với người dân và các chủ nợ quốc tế.
Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, người phát ngôn của đảng Syriza đã khẳng định: “Hy Lạp sẽ tuân thủ các thỏa thuận đã ký với các chủ nợ hồi tháng 7 vừa qua, nhưng Chính phủ sẽ tiếp tục thương lượng nhằm giãn và giảm các khoản nợ”.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng hiệu quả thực sự của chính sách mới và nội các mới của Hy Lạp do ông Tsipras lãnh đạo vẫn còn đang ở phía trước./.