(ĐCSVN) - Nền kinh tế Trung Quốc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn vươn lên và giữ vững ngôi vị của mình trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại đưa ra những cảnh báo không mấy lạc quan.
IMF phân tích rằng, nếu xem xét một cách đơn lẻ về tín dụng, bất động sản, tỷ giá và vấn đề nợ công của Trung Quốc, thì những vấn đề này đều nằm trong mức chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu những vấn đề này đồng loạt xảy ra thì các ngân hàng lớn trong nước sẽ đứng trước rủi ro mang tính hệ thống. Tuy tình hình không quá cấp bách, nhưng IMF cảnh báo rằng, Trung Quốc cần phải nhanh chóng có hành động vì mức độ dễ bị tổn thương trước sự leo thang của giá tài sản.
Theo Reuters, Bắc Kinh hoàn toàn có thể ngăn chặn được nguy cơ trên bằng cách tăng cường mức độ linh hoạt cho thị trường tài chính. Còn IMF cho rằng, Trung Quốc cần thúc đẩy mạnh tiến trình tự do hóa thị trường tài chính, tạo cho các nhà đầu tư, ngân hàng thương mại và Ngân hàng Trung ương (PBoC) một mức độ độc lập hơn khỏi sự kiểm soát của Chính phủ nước này.
Báo cáo của IMF cho biết, mô hình chính sách tài chính hiện nay của Trung Quốc tạo nên hiện tượng tỷ lệ tiết kiệm cao, mức độ thanh khoản cao trong nền kinh tế, cũng như nguy cơ cao về phân bổ vốn không đúng chỗ và bong bóng tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
IMF đã cùng nhà chức trách Trung Quốc thực hiện cuộc kiểm tra năng lực tài chính đối với 17 ngân hàng chiếm 83% hệ thống ngân hàng thương mại của nước này. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng ít nhất 1%. Nếu các ngân hàng Trung Quốc gặp phải một loạt cú sốc xảy ra đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng chiếm khoảng 1/5 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng nước này sẽ giảm xuống dưới mức yêu cầu tối thiểu 8%. Kịch bản này dựa trên mức tăng GDP hàng năm 4%, thấp hơn nhiều so với mức 9,1% trong quý 3 vừa qua, cung tiền M2 tăng khoảng 10%, giá bất động sản giảm khoảng 26%.
Phản ứng trước báo cáo của IMF, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không vội thực hiện các khuyến cáo trên. Bắc Kinh nhận thấy, bản báo cáo đưa ra một số quan điểm chưa toàn diện và khách quan. Việc Chính phủ Trung Quốc kiểm soát thị trường tài chính từ chỗ can thiệp trực tiếp đã chuyển sang gây ảnh hưởng bằng cách kiểm soát các công ty tài chính. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ thực hiện các nghiên cứu riêng để xác định mức độ khả thi của các khuyến nghị mà IMF đưa ra./.