Việc lãnh đạo hai Phong trào ở Palestine ngồi vào bàn đàm phán, hy vọng về một nền hòa bình cho Palestine nói riêng và Trung Đông nói chung đang hiện hữu.
Ngày 24/11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, người đứng đầu Phong trào thế tục Fatah và thủ lĩnh lưu vong của Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas Khaled Meshaal đã tiến hành đàm phán trực tiếp tại Cairo (Ai Cập) và hoan nghênh một "quan hệ đối tác Palestine" mới. Dư luận hy vọng, đây là một dấu hiệu tốt lành cho sự hòa giải, hòa bình cho Palestine nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
|
Cái bắt tay được kỳ vọng sẽ đem lại hòa bình cho Trung Đông (Ảnh: Reuters) |
Nói là “dấu hiệu tốt lành” bởi đã lâu lắm rồi, sự mâu thuẫn trong chính nội bộ các phe phái ở Palestine cũng là một vấn đề nan giải. Không có sự hòa giải, không thể thống nhất đường lối. Con tàu hòa bình cho Palestine, cho Trung Đông vẫn cứ “chòng chành” giữa dòng mà chẳng thể cập bến.
Lời phát biểu của cả hai thủ lĩnh tham gia cuộc đàm phán cũng mang lại hy vọng cho lời nhận định đó. Tổng thống Abbas thì khẳng định: “Không còn bất đồng nào tồn tại giữa chúng tôi. Chúng tôi đã nhất trí phối hợp như những đối tác với trách nhiệm chung.” Về phần mình, ông Meshaal tuyên bố: “Chúng tôi đảm bảo với nhân dân Palestine, thế giới Hồi giáo và Arập rằng, chúng tôi đã sang một trang thực sự mới trong quan hệ đối tác về mọi mặt liên quan đến dân tộc Palestine.”
Trên thực tế, đây chính là cuộc đàm phán để thúc đẩy thực thi thỏa thuận hòa giải được hai Phong trào này ký hồi tháng 5/2011, thế nhưng phải đến cuộc đàm phán này và việc hai bên đạt được sự thống nhất về thiết lập “quan hệ đối tác Palestine mới” thì dư luận mới như “thở phào” và hy vọng.
Thỏa thuận hòa giải mang tính bước ngoặt này được cho là sẽ đặt dấu chấm hết cho những năm thù địch giữa các phe phái ở Palestine từ năm 2007, khi Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza sau chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp ở Palestine.
Trước đó, vào tháng 5/2011, các phe phái Palestine đã đạt được thỏa thuận, theo đó kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp gồm các nhân vật trung lập nhằm mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trong vòng một năm. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận này không dễ dàng bởi hai bên đã có những tranh cãi về thành phần chính phủ lâm thời và người lãnh đạo chính phủ đó.
Tổng thống Abbas ban đầu muốn giữ lại vị Thủ tướng Bờ Tây của mình là Salam Fayyad cho chính phủ sắp tới, song Hamas bác bỏ sự lựa chọn đó. Kết quả là việc thực hiện thỏa thuận tháng 5/2011 đã bị trì hoãn. Nhiều vòng đàm phán giữa các quan chức cấp thấp hơn thất bại, khiến tiến trình vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Thỏa thuận mới đạt được về quan hệ đối tác giữa các phe nhóm Palestine mang lại triển vọng to lớn về sự hòa giải dân tộc. Thế nhưng, triển vọng hòa giải ấy lại đứng trước một khó khăn là sự ngăn cản của Israel khi mới đây, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố nước ông sẽ không quan hệ với một chính quyền Palestine có sự tham gia của phong trào Hồi giáo Hamas.
Israel vẫn luôn ra điều kiện để Phong trào Hồi giáo Hamas từ bỏ bạo lực và công nhận nhà nước Do Thái thì mới tiến hành đàm phán với Palestine. Phát biểu ngay trước khi diễn ra cuộc đàm phán giữa Hamas và Fatah, Ngoại trưởng Israel đã nhấn mạnh rằng, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas không thể là đối tác với Hamas trong khi cố trở thành một đối tác hòa bình với Israel.
Tuy chưa thể khẳng định thỏa thuận đối tác mới giữa các phe phái Palestine đã “một sớm, một chiều” mang lại hòa bình cho Trung Đông, nhưng ít nhất, cơ hội để hòa giải dân tộc Palestine cũng mang lại hy vọng về một nền hòa bình lâu dài ở khu vực. Bởi vấn đề hòa bình của Palestine đã tạo lập được thì hòa bình cho Trung Đông cũng sẽ có cơ hội khi trong chính giới Palestine thống nhất được hướng đi tiếp theo cho con tàu hòa bình./.