Để không là chiếc bóng

Thứ năm, 11/08/2011 10:43

Nếu như tương lai chính trị của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã trở nên rõ ràng thì vào lúc này, dư luận lại đang quan tâm đến vai trò của cựu Thủ tướng Tharksin, anh trai của bà Yingluck - người bị lật đổ cách đây 5 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, ông Tharksin sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với chính phủ nhiệm kỳ mới mặc dù Thủ tướng Yingluck đang nỗ lực chứng tỏ bà sẽ không là “chiếc bóng” của anh trai mình. Sự khéo léo của bà Yingluck sẽ quyết định sự “êm ả” đối với nền chính trị vốn mong manh tại Thái Lan.

Không phải vô cớ mà dư luận đặt dấu hỏi về vai trò chính trị của cựu Thủ tướng Tharksin khi bà Yingluck – em gái của ông lên làm Thủ tướng. Mặc dù, ông Tharksin đang phải sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của ông năm 2006, song vẫn phải thừa nhận rằng, nhà cựu lãnh đạo này vẫn có những ảnh hưởng nhất định trên chính trường Thái Lan bởi số lượng người dân ủng hộ ông ở trong nước là không ít.

Vì thế, giờ đây, khi bà Yingluck nắm vị trí Thủ tướng, người ta càng có lý do để nghĩ đến sự tồn tại của một “quyền lực hậu trường”. Từ khẩu hiệu tranh cử “Tư tưởng Tharksin, Đảng vì nước Thái hành động”, ngay cả chiến thắng của bà Yingluck cũng nhận được những lời bình luận là mỗi lá phiếu cho Đảng Vì nước Thái là một lá phiếu ủng hộ ông Tharksin. Thêm vào đó, bà Yingluck được đánh giá là người năng lực song ít kinh nghiệm chính trường, nên dễ bị “lấp bóng” bởi tư tưởng Tharksin.

Đó là những lý do để những người không ủng hộ ông Tharksin và bà Yingluck chĩa mũi nhọn vào chính phủ mới. Tuy nhiên, ở cương vị của mình, bà Yingluck có lẽ đủ khéo léo và tỉnh táo để không khơi thêm những mâu thuẫn nội tại - yếu tố tác động sâu sắc tới sự bền vững của bộ máy quyền lực sắp ra đời. Bởi ông Tharksin đã bị lật đổ cũng vì không thể dung hòa lợi ích của các phe phái cũng như xử lý tốt mối quan hệ với Hoàng gia và quân đội. Vì thế, bà Yingluck sẽ không để mắc sai lầm này ngay khi vừa nhậm chức.

Cho dù thừa hưởng sự ủng hộ của người dân đối với ông Tharksin và thuyết phục được cử tri cũng bằng chính sách dân túy không khác là mấy so với thời ông Tharksin làm Thủ tướng, song bà Yingluck đang cố gắng thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của mình.

Trong khi bác bỏ những đồn đoán rằng nội các Thái Lan do Tharksin quyết định, bà Yingluck đã tuyên bố rằng chính phủ mới sẽ không có người nào từ nước ngoài, kể cả anh trai bà.

Với quan điểm này, chắc chắn nữ Thủ tướng Yingluck sẽ xử lý khéo vấn đề ban hành lệnh ân xá cho các chính khách bị kết án - liên quan khả năng hồi hương của cựu Thủ tướng Tharksin hay việc chia ghế trong chính phủ làm thế nào để không xảy ra tranh chấp quyền lực.

Ngay cả khi các quyết sách của bà Yingluck có bị gắn mác là tư duy của ông Tharksin có lẽ điều quan trọng đối với nhà lãnh đạo mới của Thái Lan vẫn là việc chứng minh được tính khả thi của các cam kết trong chiến dịch tranh cử, mà yêu cầu số một là khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân. Điều đó không có nghĩa là chỉ cần làm hài những người dân nghèo như thời ông Tharksin cầm quyền, với các chính sách như: tăng lương trung bình lên 1.000 USD/tháng, giảm giá xăng, trợ cấp y tế, vay vốn lãi suất thấp... mà bà Yingluck còn phải củng cố được lòng tin của tầng lớp trung lưu thành thị vốn đang nghi ngờ chính sách dân túy của bà sẽ đẩy Thái Lan vào tình trạng nợ nần. Như vậy, bà Yingluck sẽ phải hành động để chứng tỏ quyền lực và để không bao giờ là “chiếc bóng”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực