“Di sản” hậu Berlusconi

Thứ bảy, 19/11/2011 09:31

Ông Berlusconi đã rời khỏi vũ đài chính trị, nhưng có một điều chắc chắn rằng “di sản” mà ông để lại hoàn toàn không dễ xử lý.

Người dân Italy đã nói một cách chua chát rằng, họ từng có một vị Thủ tướng là doanh nhân giàu có nhưng lại lãng quên tình hình kinh tế nước nhà, và vì thế ông đã phải ra đi. Di sản mà ông Berlusconi để lại quá nặng nề; không chỉ là khoản nợ công lớn đe dọa vùi dập nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng euro mà cả một cuộc khủng hoảng lòng tin kéo dài quá lâu.

Berlusconi ra đi, nhưng "di sản" nặng nề vẫn còn đó với
chính phủ mới

“Máu thì không, nước mắt cũng không, nhưng hy sinh thì có thể”. Đó là câu trả lời đầy ấn tượng của người kế nhiệm ông Berlusconi, ông Mario Monti về những gì chờ đợi người dân Italy phía trước. Vị Thủ tướng mới của Italy cũng kêu gọi thị trường kiên nhẫn chờ đợi để ông có thời gian thành lập chính phủ và quyết định những biện pháp mới đối phó với khủng hoảng.

Dĩ nhiên, không thể đổ hết trách nhiệm cho cựu Thủ tướng Berlusconi về tình hình kinh tế Italy hiện nay. Nhưng những bê bối về chuyện đề cử bừa bãi một số nhân vật trong chính phủ, về những khoản chi ngân sách nhà nước cho các cuộc ăn chơi trác táng… khiến ông không khỏi bị người dân Italy oán trách. Và di sản mà ông để lại hoàn toàn không dễ xử lý.

Nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng euro nay phải mang tiếng là một trong những nước nợ nần nhiều nhất thế giới. Khoản nợ công 1.900 tỷ euro, tương đương 120% Tổng sản phẩm quốc nội của Italy sẵn sàng đè bẹp nền kinh tế nước này, nếu không nói là sẽ đe dọa toàn bộ khu vực sử dụng đồng euro, vô hiệu hóa Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) hiện chỉ có số vốn bằng gần 1/4 số nợ của Italy.

Nhiệm vụ đặt ra cho vị Thủ tướng mới hoàn toàn không dễ dàng. Đó là phải thành lập một chính phủ kỹ trị - tức là gồm những nhân vật có hiểu biết chuyên sâu về kinh tế - tài chính để bắt tay khẩn cấp vào chữa trị căn bệnh nợ công. Phải dùng kế sách thắt lưng buộc bụng ra sao để đảm bảo đạt cân bằng ngân sách từ đây đến năm 2013 là mục tiêu nghe rất “bất khả thi” đối với chính phủ mới của Italy.

Liên minh Châu Âu mấy ngày nay vẫn hối thúc Italy phải có các biện pháp mới, bởi những gì thực hiện lâu nay sẽ không thể giúp đất nước hình chiếc ủng đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách, và rằng việc bổ nhiệm ông Monti sẽ không làm giảm sức ép của EU đối với quốc gia này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định đặt Italy dưới sự giám sát, còn EU thì tuyên bố sẽ theo dõi từng chi tiết một trong việc thực hiện những cải cách mà ông Berlusconi hứa hẹn tại Hội nghị G20 mới đây.

Dự kiến ông Monti sẽ phải áp dụng trở lại thuế đánh vào tài sản - từng bị ông Berlusconi bãi bỏ; áp dụng thêm thuế đánh vào các tài sản lớn và cải cách hệ thống hưu trí. Nói tóm lại, để lấy tiền bù đắp vào lỗ hổng ngân sách khổng lồ, chính phủ mới tại Italy phải tăng đánh thuế vào đối tượng giàu có - vốn được bao bọc dưới thời ông Berlusconi, đồng thời phải chú ý hơn đến số phận dân nghèo, tầng lớp hưu trí, giới trẻ thất nghiệp để xoa dịu cơn tức giận của dân chúng Italy.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Italy hiện lên tới 8% dân số và chiếm tới 28,9% thanh niên nước này - đây là một con số kỷ lục, theo nhật báo Il Corriere della Sera. Khác với nhiều quốc gia châu Âu, Italy không áp dụng chế độ trợ cấp cho người thất nghiệp, khiến nhiều thanh niên nước này phải rời bỏ đất nước đi kiếm việc làm ở nơi khác, tạo nên một cuộc khủng hoảng xã hội tại Italy. Nhiều hứa hẹn khác đã được ông Berlusconi cam kết tại Hội nghị G20 để lại cho người kế nhiệm thực hiện như mua lại các công ty quốc doanh, chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo công ăn việc làm cho giới trẻ… 

Nghịch lý thay, điểm tích cực duy nhất trong những di sản mà ông Berlusconi để lại theo nhiều chính trị gia Italy, kể cả những người thân cận nhất của ông, có lẽ chính là cái tên của ông không còn ngự trị trên chính trường nước này, sau 17 năm tai tiếng không ngừng. Nghịch lý tồn tại quá lâu dưới thời ông Berlusconi khiến những cam kết cải cách của ông không thể thành hiện thực.

Có nhà lãnh đạo nào có thể thay đổi sự vận hành của hệ thống nghe nhìn công cộng khi bản thân ông Berlusconi sở hữu đến 3 kênh truyền hình, một nhà xuất bản và 40 tờ báo. Thay vì bàn chuyện kinh tế nước nhà, những ấn phẩm truyền thông này lại đăng tải những thú tiêu khiển của ông Berlusconi. Làm sao để cải cách hệ thống luật pháp khi mà chính ông lại là bị đơn của 29 vụ kiện, trong đó có 3 vụ đang được xét xử ? Làm sao để áp dụng tốt việc thu thuế khi mà chính ông Berlusconi lại bị cáo buộc trốn thuế? Và làm sao để tạo hình ảnh tốt cho đất nước Italy khi mà người đứng đầu chính phủ lại là tín đồ của các buổi tiệc tùng bunga - bunga.

Nếu vấn đề chính thực sự ở Berlusconi, thì sự ra đi của ông đã có thể coi là một lợi thế đối với Thủ tướng mới Mario Monti trong việc khôi phục lòng tin của người dân Italy, các nhà đầu tư cũng như khôi phục uy tín cho Italy trong khu vực và trên thế giới. Đã 17 năm chịu đựng nhiều câu chuyện bi hài dưới thời ông Berlusconi, người dân Italy chắc sẽ hào phóng dành thời gian cho nhà lãnh đạo mới chứng tỏ khả năng và thiện chí vực dậy quốc gia này./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực