(ĐCSVN) – Trong thời gian gần đây, cùng với việc bắt đầu tiến trình rút quân khỏi chiến trường Iraq, các quan chức cấp cao chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Obama đã lên tiếng, nêu rõ quan điểm về xử lý những tranh chấp trên Biển Đông. Điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận trong khu vực và trên thế giới.
|
Tàu Trung Quốc (trong vòng tròn) cản trở hoạt động của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông (Ảnh PetroTime.vn) |
Biển Đông đang trở thành một vấn đề mà Mỹ quan tâm hàng đầu hiện nay. Từ chỗ chỉ là một nước quan sát viên, không phải là quốc gia ven Biển Đông, cũng không phải là một bên tham gia tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng ngày nay, Mỹ đã chính thức can dự vào vấn đề này và trở thành một trong những nhân tố chi phối đến cục diện an ninh tại Biển Đông. Vì thế, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của các nước trong khu vực rất quan tâm đến những vấn đề mới trong chiến lược Biển Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống B. Obama.
Can dự vào Biển Đông
Mỹ cho rằng họ có lợi ích sống còn về kinh tế và chiến lược ở Biển Đông.
Hiện nay, trên bình diện quan hệ kinh tế, Mỹ đang được xem là đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản, số 2 của Trung Quốc và thứ 3 của ASEAN. Lợi ích kinh tế của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương đã lớn hơn lợi ích ở Tây Âu. Khu vực này đang thu hút một lượng đầu tư khổng lồ của các công ty Mỹ. Do đó, để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, Mỹ phải quan tâm nhiều hơn tới khu vực này.
Hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang khu vực Đông Á và từ Đông Á tới Mỹ cũng được vận chuyển chủ yếu qua các tuyến đường biển quốc tế trên Biển Đông. Do những lợi ích lớn về thương mại và kinh tế ở Đông Á, việc bảo đảm đi lại tự do cho tàu bè của Mỹ trên các tuyến đường Biển Đông đã được Mỹ coi trọng.
Về mặt chiến lược, Mỹ nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của Biển Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ ở thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Mỹ xem việc quan hệ các nước lớn trong khu vực là một trong những ưu tiên trong chính sách toàn cầu mới của mình. Và để đạt được mục tiêu đó, thì vị trí địa chiến lược của Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông càng trở nên quan trọng hơn.
Sự an toàn vận chuyển và các chuyến bay, sự tự do của các con đường giao thông trên biển là những lợi ích chiến lược quan trọng và là khu vực hoạt động của hải quân và không quân Mỹ giữa các căn cứ quân sự ở Châu Á, Ấn Độ Dương và vịnh Persic.
Về mặt địa - chiến lược, Đông Nam Á có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí dễ tiếp cận về phía Nam lục địa; Kết hợp với việc tăng cường sự có mặt về quân sự ở Trung Á, liên minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản về quân sự và an ninh ở phía Đông, Đông Nam Á có thể giúp Mỹ tạo thành vành đai chiến lược từ phía Tây xuống phía Nam và sang phía Đông.
Mặt khác, các tuyến đường biển Đông Nam Á có thể liên kết các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản với căn cứ lớn của Mỹ ở đảo Guam, tạo thành phòng tuyến quân sự bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở Đông Á.
Về mặt địa - kinh tế, Mỹ thừa nhận một thực tế là nhiều nước đang cần tới nguồn tài nguyên của các nước Đông Nam Á. Nếu Mỹ thành công trong việc đứng chân tại đây, sẽ có thể thiết lập các quan hệ cạnh tranh kinh tế bình đẳng với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, với việc nền kinh tế tăng trưởng ngày càng cao khiến cho nhu cầu về năng lượng của các nước lớn trong khu vực ngày càng tăng, hàng ngày sẽ có hàng chục tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca. Vì thế, Mỹ muốn có lợi thế trên con đường chở dầu này.
Lập trường về chủ quyền
Trong thời gian qua, chính sách của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được thể hiện qua lập trường 4 điểm:
Thứ nhất, Mỹ thúc giục giải pháp hòa bình cho vấn đề của các nhà nước liên quan theo phương cách tăng cường hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Thứ hai, Mỹ không đồng tình với việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách quốc gia của bất kỳ nhà nước nào trong lãnh thổ Biển Đông và sẽ xem việc sử dụng đó như một vấn đề quan trọng.
Thứ ba, Mỹ không có quan điểm về giá trị pháp lý của các yêu sách chủ quyền có tính cạnh tranh với nhau và sẵn sàng giúp đỡ cho một giải pháp hòa bình về các yêu sách có tính cạnh tranh nếu được các bên yêu cầu.
Thứ tư, Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc duy trì các con đường liên lạc trong khu vực và xem đó là cơ bản để không đồng tình với bất kỳ yêu sách về biển nào vượt ra sự cho phép của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Những mục tiêu chiến lược
Một là, Mỹ không thừa nhận cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, kể cả Philippin - đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực, sẽ tránh cho Mỹ khỏi dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài làm hao tổn các nguồn lực của Mỹ. Tuy nhiên, lý do được xem là quan trọng hơn chính là: Việc thừa nhận cơ sở pháp lý của yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào cũng sẽ bất lợi cho Mỹ. Nếu thừa nhận yêu sách chủ quyền của một bên, tức là Mỹ đã giúp cho bên đó có lợi thế hơn. Một khi một nước đã làm chủ Biển Đông, thì tàu thuyền của Mỹ qua vùng biển này sẽ phải được sự cho phép của nước đó. Về phương diện chiến lược, nếu một nước nào đó làm chủ Biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý của yêu sách chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với các nước lớn trong khu vực. Trong bối cảnh còn phải đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước… vì thế, Mỹ không muốn tiếp tục bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nữa, nhất là đối với các cường quốc trong khu vực.
Hai là, đảm bảo việc đi lại tự do trên các con đường quốc tế, ngăn cản việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Trong số các bên đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, chỉ có một số nước lớn trong khu vực là có ưu thế vượt trội về quân sự. Khả năng này cho phép họ có thể tiến hành độc chiếm Biển Đông bằng quân sự khi cần thiết nếu Mỹ không can dự. Việc chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng vừa giúp Mỹ không phải thực hiện nghĩa vụ an ninh với Philippin, vừa tạo cơ hội cho Mỹ có tiếng nói trong quá trình giải quyết cuộc tranh chấp này. Vai trò và vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ được nâng cao.
Ba là, Biển Đông là “lá bài cần thiết” hiện nay của Mỹ trong việc kiềm chế tham vọng của một số nước muốn độc chiếm khu vực này. Mỹ muốn mượn Biển Đông để thể hiện vai trò của Mỹ đối với thế giới vào thời kỳ “hậu Iraq”. Việc rút quân khỏi Iraq trong khi chưa đạt được mục đích tại đây được cho là một trong những thất bại nối tiếp thất bại gần đây của Mỹ.
Thêm vào đó, sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho thế giới nhận thấy vai trò của Mỹ đối với thế giới đang có xu hướng yếu đi. Để lấy lại hình ảnh của Mỹ và cũng là để trấn an dư luận quốc tế về sức mạnh của mình, Mỹ rất cần một địa điểm để “làm mới” vai trò của mình và vì thế Mỹ đã lựa chọn Biển Đông. Do đó có thể nhận thấy, thời điểm Mỹ thực hiện rút quân ồ ạt khỏi Iraq cũng là thời điểm những tuyên bố cấp cao của Mỹ về Biển Đông được xuất hiện nhiều nhất.
Tham gia cạnh tranh khu vực
Dự luận khu vực cho rằng, Mỹ không nên dính líu vào những cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, trợ lý Bộ trưởng Mỹ Campbell lại nói: “Nhân dân châu Á muốn Mỹ can dự. Tính chất độc đáo, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề của Mỹ, tính cởi mở của người Mỹ đối với thị trường lao động. Mặc dù Mỹ có những nhược điểm của mình, nhưng phải so sánh những nhược điểm ấy với sức mạnh mà Mỹ hiện có. Bổn phận của Mỹ là phải đáp ứng niềm lạc quan mà người dân châu Á tin tưởng”.
Vì thế, Mỹ không ngừng thể hiện lập trường của mình đối với các nước trong tại khu vực: Viện trợ quân sự cho Đài Loan; Thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản; Giúp ASEAN thiết lập Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông; Kêu gọi Campuchia duy trì chính sách ngoại giao độc lập; Tăng cường hợp tác với Lào; Đẩy mạnh quan hệ sâu sắc hơn đối với Việt Nam… ./.