Diễn biến phức tạp tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết

Thứ bảy, 26/04/2014 10:20

(ĐCSVN) - Ngày 24/4, một ngày sau khi chính phủ tạm quyền Ukraine nối lại "chiến dịch chống khủng bố" nhằm vào người biểu tình ở miền Đông và Nam Ukraine, 5 dân quân Ukraine đã bị giết hại ở 3 trạm kiểm soát do người biểu tình lập lên bên ngoài thành phố Slavyansk đã đẩy thoả thận 4 bên về Ukraine thêm một bước đến bờ vực phá sản.

 

 Một chốt kiểm soát do người biểu tình lập lên bên ngoài thành phố Slavyansk.
 (Ảnh: RIA Novosti)


Ngày 24/4, tại Donetsk và Slaviansk, các tay súng cùng nhiều phương tiện bọc thép thuộc các đơn vị tự vệ đã tái triển khai trên các đường phố, tiến hành lập hàng rào quân sự quanh các trụ sở công quyền nơi lực lượng biểu tình đang chiếm giữ.

Báo chí địa phương đưa tin, các thành phố này đã hầu như bị phong tỏa, các lực lượng an ninh bảo vệ thành phố đã rời bỏ các trạm kiểm soát. Trong khi đó, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra tại các thành phố này nhằm yêu cầu chính quyền Kiev rút quân và chấm dứt chiến dịch trấn áp quân sự tại đây.

Chỉ ít giờ sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Ukraine với cam kết ủng hộ Kiev và đe dọa gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga, chính phủ tạm quyền Kiev tuyên bố chuyển sang “giai đoạn tích cực” trong chiến dịch trấn áp người biểu tình tại đây. Nhà chức trách Ukraine triển khai thêm các xe bọc thép và binh lính tới Slaviansk – nơi được coi là điểm nóng nhất của làn sóng biểu tình. Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, trong các cuộc trấn áp ngày 24/4 tại Slaviansk đã có ít nhất 5 người biểu tình bị thiệt mạng.

Trước những diễn biến căng thẳng này, ngày 24/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án chiến dịch quân sự do chính phủ tạm quyền Ukraine tiến hành ở miền Đông nước này và coi đây là “một tội ác nghiêm trọng”. Ông cũng cảnh báo hậu quả nếu Kiev tiếp tục sử dụng quân đội chống lại chính người dân nước này.

Phát biểu tại diễn đàn thông tin đại chúng ở thành phố St.Petersburg, ông Putin nhấn mạnh: Những người ra quyết định sử dụng lực lượng quân sự chống lại nhân dân sẽ phải gánh chịu hậu quả và xứng đáng bị coi là "bè lũ". Ông cáo buộc chính phủ tạm quyền Ukraine sử dụng vũ lực quá mức để đối phó với những người biểu tình ở miền Đông đòi thành lập nhà nước liên bang Ukraine và để hợp pháp hóa các nhóm cực đoan, thay vì mở ra khả năng đối thoại dân tộc thực sự.

Ông Putin nhấn mạnh một loạt thỏa thuận đã được ký ở Geneva (Thụy Sĩ) buộc quân đội lâm thời và các nhóm biểu tình ở Ukraine giải giáp vũ khí, chấm dứt chiếm giữ trụ sở công quyền, song các văn bản này cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Ông cũng khẳng định những diễn biến hiện nay ở miền Đông Ukraine cho thấy Nga đã hành động đúng đắn khi ủng hộ người dân ở Crimea, khu vực vừa sáp nhập vào Nga theo kết quả trưng cầu ý dân.

Ông Putin bác bỏ những quan ngại rằng việc sáp nhập Crimea có thể dẫn đến cắt giảm các chương trình xã hội ở các khu vực của Nga. Ông nhấn mạnh, nước Nga đạt thăng dư ngân sách 240 tỷ rúp (6,7 tỷ USD) trong năm nay trong khi tổng trợ giúp cho Crimea không vượt quá 100 tỷ rúp. Ông khẳng định những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng với Nga không có nhiều tác dụng vì chỉ nặng về mục đích chính trị.

Trước những diễn biến phức tạp chưa có hồi kết tại Ukraine, Nga và Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích nhau. Một lần nữa, Nga cáo buộc Mỹ đưa ra những tuyên bố vô căn cứ về cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời khẳng định giải pháp duy nhất hiện nay là chính phủ tạm quyền Kiev phải tuân thủ thỏa thuận bốn bên vừa đạt được tại Geneva.

Trong khi đó, Mỹ lại lên tiếng cảnh báo “Nga đang phạm sai lầm nghiêm trọng và đắt giá” trong vấn đề Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc Nga thay đổi cách ứng xử trước những diễn biến tại miền Đông Ukraine. Ông này cho rằng, Nga đang phạm sai lầm nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt gia tăng.

Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc chính quyền hiện nay tại Kiev phải tuân thủ thỏa thuận đã ký tại Geneva hôm 17/4 vừa qua. Theo ông Lavrov, chính quyền Kiev chính là bên đầu tiên phải thực thi nghiêm chỉnh những bước đi để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nga yêu cầu Mỹ chấm dứt những phát biểu vu khống liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và Bán đảo Crimea, đồng thời cáo buộc Washington đưa ra những bằng chứng giả mạo về việc quân đội Nga tham gia vào các cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Nga bác bỏ mọi tuyên bố vô căn cứ nhằm bóp méo tình hình tại Crimea và ngạc nhiên khi phía Mỹ từ chối công nhận ý nguyện tự do của người dân Crimea thể hiện qua việc họ tham gia bỏ phiếu trưng cầu sáp nhập vào Liên bang Nga cũng như việc Mỹ nhiều lần nêu vấn đề tôn trọng lợi ích thương mại của công dân Mỹ trên bán đảo Crimea nhưng lại không có bằng chứng vi phạm cụ thể”. Theo Bộ Ngoại giao Nga, “đây là nét tư duy đặc thù của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, theo đó đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống Nga”.

Đáp lại những cáo buộc Nga hậu thuẫn các lực lượng chống chính phủ tạm quyền ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Mỹ đã đưa ra những bằng chứng không có căn cứ để cáo buộc Nga hậu thuẫn các lực lượng chống chính phủ tạm quyền thân phương Tây tại Kiev như các tay súng này được trang bị súng Kalashnikov do Nga sản xuất. Trên thực tế, đây là loại vũ khí được trang bị cho toàn bộ quân đội và cảnh sát Ukraine. Ngoài ra, bằng chứng vô lý khác của Mỹ là những người chống chính phủ tạm quyền Ukraine đều nói tiếng Nga, đồng nghĩa với việc họ có thể là binh lính Nga trà trộn vào. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ một thực tế không thể phủ nhận rằng đa số người dân tại các tỉnh miền Đông Ukraine đều nói tiếng Nga. Vì vậy, những bằng chứng Mỹ đưa ra là vu khống và không đủ sức thuyết phục.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, ông Vitaly Churkin nhận định, hiện nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang bị chia rẽ do tình hình tại Ukraine. Và nếu tình hình bạo lực tại đây không cải thiện, Nga có thể sẽ đề xuất triệu tập một cuộc họp bất thường tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đại sứ Churkin cũng cáo buộc chính quyền Ukraine không có những bước đi rõ ràng để thúc đẩy đối thoại với các phe phái nhằm chấm dứt khủng hoảng. Ông này cũng bày tỏ mong muốn Tổng Thư ký Liên hợp quốc sớm lên tiếng về vấn đề trên.

Bày tỏ quan điểm trước những diễn biến căng thẳng tại miền Đông Ukraine, ngày 24/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động bạo lực và trả đũa lẫn nhau.

Trong khi đó, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng cho biết sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các bên, đồng thời tăng cường phái đoàn giám sát tại Ukraine từ 150 người hiện nay lên 500 người trong vòng vài tháng tới, nhằm tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay. OSCE đồng thời thúc giục chính quyền Ukraine cần tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị, tránh để tình hình ngày càng leo thang.

Tình hình tại miền Đông, Nam Ukraine nói riêng và Ukraine nói chung sẽ chưa thể ổn định chừng nào các bên liên quan vẫn chưa thu hẹp được sự cách biệt trong đánh giá và xử lý những phức tạp đang diễn ra tại đất nước Đông Âu này. Những khác biệt đó không những đang làm cho tình hình diễn biến phức tạp mà còn đang tiếp tục đẩy thoả thuận Geneva về ổn định tình hình tại Ukraine tiến dần đến bờ vực phá sản./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực