Diễn biến phức tạp trên Biển Đông và thái độ của các bên liên quan

Thứ sáu, 15/05/2015 16:40

(ĐCSVN) - Ngày 13/5, các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề Biển Đông. Sự kiện này được đánh giá là động thái thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội Mỹ về những diễn biến bất thường gần đây tại khu vực này.

 

 Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang cải tạo các bãi đá chiếm được ở Trường Sa,
 ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam (Ảnh: EPA)


Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương David Shear là hai nhân vật chủ chốt tham dự phiên điều trần. Tại cuộc điều trần, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc bồi đắp trên quy mô lớn các bãi đá ở Biển Đông, đồng thời hối thúc Chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải có phản ứng cương quyết hơn đối với những động thái này.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng, Chính quyền của Tổng thống B. Obama đang thiếu “một chính sách mạch lạc” trong vấn đề Biển Đông. Ông cũng bày tỏ hoài nghi quan điểm của Nhà Trắng cho rằng, Trung Quốc đang đánh mất vị thế của nước này trên trường quốc tế vì những hành động gây căng thẳng gần đây ở Biển Đông. Quan chức này nêu rõ, "trên thực tế, chính nước Mỹ đang phải trả giá" và bạn bè của Mỹ đang ngày càng quan ngại về vai trò cũng như những cam kết của Washington.

Trong khi đó, khi được hỏi về thông tin đăng tải trên tờ “Nhật báo Phố Uôn” ngày 12/5 rằng, Washington đang cân nhắc điều tàu và máy bay của Hải quân Mỹ tới khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và tiến hành bồi đắp trên Biển Đông, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Shear đã từ chối bình luận chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, ông Shear khẳng định, các đảo chìm đang bị tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều không có các quyền lãnh thổ. Ông nhấn mạnh: "Hải quân Mỹ có quyền đi qua và không gây phương hại tại những khu vực như thế và Washington sẽ sử dụng quyền này ở Biển Đông cũng như trên toàn cầu, trên mặt biển cũng như trên không”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Russel tuyên bố, các hoạt động bồi đắp đất đá của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực và sẽ không giúp gì cho việc củng cố các tuyên bố chủ quyền tại vùng biển tranh chấp này. Ông cho biết, Chính quyền của Tổng thống Obama kêu gọi kiềm chế trong các tranh chấp lãnh thổ, đồng thời khẳng định, “giải pháp ngoại giao sẽ tiếp tục là công cụ giải quyết đầu tiên của Washington”.

Khi được hỏi Mỹ có thể làm gì để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông, quan chức này khẳng định, Washington sẽ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ và luật pháp quốc tế. Mỹ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Cuộc điều trần diễn ra ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh vào cuối tuần này và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới chức Mỹ cho biết, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ chuyển tới nhà lãnh đạo Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng, những hoạt động bồi đắp bãi đá qui mô lớn cũng như cách hành xử chung của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ gây phương hại đến hình ảnh của Trung Quốc cũng như các mối quan hệ của nước này với các nước láng giềng và cả với Mỹ.

Chuyến thăm của ông Kerry nhằm chuẩn bị cho cuộc Đối thoại kinh tế, chiến lược Mỹ - Trung hàng năm sẽ diễn ra tháng tới tại Washington. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến thăm Mỹ vào tháng 9.

Trước đó, ngày 12/5, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter yêu cầu Lầu Năm Góc xem xét điều tàu chiến, máy bay tới khu vực cách các bãi đá ngầm 12 hải lý mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo giới phân tích, động thái này sẽ trực tiếp thách thức nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực tranh chấp.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, kế hoạch được soạn thảo để khẳng định tuyên bố "đảm bảo tự do hàng hải" bằng cách đưa máy bay và tàu chiến ra khu vực quần đảo Trường Sa mà những tháng gần đây ngang nhiên cải tạo nhiều đảo, bãi đá, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Mỹ và khu vực.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, từ tháng 3/2014, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo ở 7 địa điểm thuộc Trường Sa và có thể đang xây dựng sân bay quân sự trên 1 đảo nhân tạo.

Trong báo cáo "Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc năm 2015" đưa ra mới đây, Lầu Năm Góc cho biết, chỉ trong 5 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhân tạo từ những bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa lên gấp 4 lần. Cụ thể, năm ngoái, Trung Quốc đã cải tạo 200 ha trên 5 bãi đá họ chiếm giữ ở Trường Sa; khoảng 610 ha khác cũng được cải tạo từ đó tới nay.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thực hiện những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong quan hệ hai nước. Gần đây nhất, trong tuyên bố đưa ra hôm 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhắc lại yêu cầu đó./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực