Các chuyên gia CSIS xác định lực lượng lục quân “vẫn là lực lượng phù hợp nhất”, xây dựng lực lượng này thành lực lượng tinh nhuệ, hiện đại nhất
Trong bối cảnh phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng để giảm gánh nặng cho nền kinh tế, nhưng vẫn phải duy trì, phát triển vai trò chiến lược quân sự của Mỹ trên thế giới, vì thế, năm 2012 được đánh giá là một năm quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách quốc phòng - quân sự của Mỹ.
Thay đổi chiến lược, đối phó thách thức mới
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), môi trường chính trị và tài chính đang báo hiệu một tương lai không dễ dàng cho Lục quân Mỹ khi nước Mỹ đang phải gánh chịu những hậu quả sau cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan; vấn đề nợ công, đồng thời phải đối phó với những thách thức chiến lược mới.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta bên Tổng thống Mỹ Barack Obama khi công bố Chiến lược quốc phòng mới tại Lầu Năm góc |
Chính phủ Mỹ đang cần thay đổi chiến lược quốc phòng, tập trung nhiều hơn vào việc đối phó với sự trỗi dậy của một số nước lớn và bổ sung các đơn vị tác chiến đặc biệt cho cuộc chiến chống khủng bố. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Chính phủ Mỹ đã nêu ra hai quan điểm:
Một là, trong yêu cầu tác chiến mới, năng lực tác chiến của hải quân và không quân cần phải được tăng cường, còn lục quân số lượng ngày càng phải giảm. Những cuộc khủng hoảng bất ngờ xảy ra ở châu Á và Tây Địa Trung Hải thì quân đội Mỹ phải dựa nhiều hơn vào các đồng minh, các đối tác và các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ, do đó trong những thập kỷ tới cần cắt giảm lực lượng lục quân để giảm gánh nặng chi tiêu quốc phòng.
Hai là, cần rút gọn và xây dựng lực lượng Lục quân Mỹ trở thành lực lượng tinh nhuệ, hiện đại nhất và khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của Lục quân Mỹ trên cơ sở những giá trị truyền thống, các mối đe dọa và thách thức toàn diện trong tương lai đối với Mỹ và đồng minh.
14 loại hình và nhiệm vụ tác chiến
Năng lực tác chiến của lục quân được khẳng định với việc binh chủng này phải ứng phó với 14 loại hình tác chiến và các nhiệm vụ trong tương lai, bao gồm:
(1) Thực hiện can dự vào một số chế độ độc tài quân sự đe dọa đến các đồng minh;
(2) Viện trợ nhân đạo và giải quyết hậu quả cho các chiến dịch hỗ trợ các cơ quan Chính phủ Mỹ, đồng minh và đối tác giải quyết các thảm họa…;
(3) Giúp các nước đồng minh và đối tác bảo vệ chế độ và hỗ trợ về mặt quân sự nhằm giải quyết những xung đột và bất ổn nghiêm trọng;
(4) Hỗ trợ và giúp đỡ về mặt quân sự một cách bí mật đối với các lực lượng đối lập mà Mỹ ủng hộ;
(5) Hỗ trợ các biện pháp tác chiến cho các chiến dịch nhằm giúp đồng minh khắc phục thảm họa hay thực hiện các chiến dịch thực thi pháp luật tại các quốc gia trên thế giới;
(6) Thực hiện chiến dịch di tản từ các vùng lãnh thổ ở nước ngoài;
(7) Gìn giữ hòa bình: Các chiến dịch này nhằm giám sát, ngăn chặn sự đối đầu và hỗ trợ thực hiện kết thúc các xung đột theo thỏa thuận;
(8) Nắm giữ và bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước ngoài (cảng biển, đường ống dẫn dầu, kênh đào, các điểm cao chiến lược, các căn cứ vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân và các hệ thống tên lửa triển khai...);
(9) Bảo đảm an ninh cho người dân: Những chiến dịch này được thực hiện để bảo vệ người dân trước các mối đe dọa do xung đột, nội chiến gây ra;
(10) Ổn định các lực lượng chống đối: Những chiến dịch này được thực thi khi một quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn dẫn đến mất kiểm soát toàn bộ hay một phần lãnh thổ và đe dọa đến lợi ích cốt lõi của Mỹ;
(11) Ngăn chặn những mối nguy hại đến lợi ích cốt lõi của Mỹ bằng cách kiểm soát tạm thời lãnh thổ của kẻ thù; ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố; các hoạt động tội phạm nguy hiểm gây nên những mối đe dọa, hoặc tiêu diệt bộ máy lãnh đạo, các mạng lưới thù địch và đi ngược lại lợi ích của Mỹ;
(12) Thực hiện các chiến dịch tập kích;
(13) Thực hiện các chiến dịch chống khủng bố, cướp biển…;
(14) Thực hiện các chiến dịch lớn: Các chiến dịch này tập trung tiêu diệt quốc gia thù địch.
Lục quân vẫn là lực lượng trung tâm
Các loại hình tác chiến cơ bản nêu trên cho thấy, các chiến dịch toàn diện mà Lục quân Mỹ phải đảm nhiệm trong tương lai sẽ phức tạp, ác liệt hơn và diễn ra trên khắp thế giới. Do đó, để lực lượng lục quân phát huy hết khả năng, thích ứng với những thay đổi chiến lược trong tương lai, Mỹ sẽ tái cơ cấu lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm chi tiêu.
Để thực hiện các chiến dịch, Mỹ sẽ tiếp tục lấy lực lượng lục quân làm trung tâm: Lục quân, Lính thủy đánh bộ, và các Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF). Theo đó, Mỹ sẽ đánh giá khả năng, sự sẵn sàng của các đồng minh và sự đóng góp của các cơ quan dân sự tương ứng.
Mỹ cần phát triển các mối quan hệ sâu sắc hơn với nhiều quốc gia, mở rộng những đặc điểm chung với đối tác tiềm năng, hướng đến các nước đang mở rộng tham vọng chiến lược và tìm cách đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Sau Iraq và Afghanistan, Mỹ sẽ giảm lực lượng lục quân và lính thủy đánh bộ xuống còn tối đa là 67.000 người vào năm 2016. Lực lượng lính thủy đánh bộ sẽ được tái cơ cấu nhằm tinh gọn về lực lượng như: Thay đổi về số lượng, gộp một số ban chỉ huy, xóa một số đơn vị, tổ chức lại bộ phận cung cấp hậu cần, đồng thời nâng cao khả năng chiến đấu nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, trong đó chú trọng vào nhiệm vụ tác chiến mạng. Theo đó, các trang thiết bị, vũ khí của lực lượng lính thủy đánh bộ cũng sẽ được biên chế tinh gọn hơn trước để đảm bảo thực thi các nhiệm vụ phản ứng nhanh.
Đối với lực lượng lục quân: Mỹ sẽ chú trọng nâng cao trình độ hiểu biết về văn hóa của các nước và khu vực trên thế giới; tái cơ cấu các đơn vị theo hướng tinh gọn nhằm nâng cao khả năng thực hiện các chiến dịch nhằm bảo đảm an ninh, ổn định tình hình…, theo đó Lực lượng đặc biệt tiếp tục phát triển 3-4% hàng năm trong 5 năm tới; Lực lượng SOF tập trung thực hiện các chiến dịch tác chiến mạng, trong đó tập trung mở rộng khả năng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến mạng ra nước ngoài.
Chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu các cơ quan dân sự (Bộ Ngoại giao, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tham mưu cho Bộ Quốc phòng về các vấn đề chuyên môn dân sự trong một số kiểu loại tác chiến nhất định. Do đó, Chính phủ Mỹ sẽ thiết lập các cơ chế và thành lập các tổ chức mới để tăng cường khả năng phản ứng và năng lực cho các nhân viên chuyên môn của Bộ Ngoại giao và tổ chức USAID.
Như vậy, để đáp ứng với yêu cầu tác chiến chiến lược và hệ thống nhiệm vụ tương lai… Mỹ chủ trương cơ cấu lại lực lượng lục quân theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chia sẻ trách nhiệm với các đồng minh, đối tác; phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của các cơ quan dân sự như: ngoại giao và USAID nhằm thực hiện các kế hoạch tác chiến ở nước ngoài./.