Mối quan hệ vốn không ngọt ngào giữa Mỹ và I-ran đang có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn trước những diễn biến chính trị đang diễn ra ở Tê-hê-ran và phản ứng từ Oa-sinh-tơn.
Ngày 26-6, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức A.Méc-ken đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuyên bố hành động trấn áp người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở I-ran sẽ ảnh hưởng tới những hy vọng của ông về một cuộc đối thoại trực tiếp với Tê-hê-ran. Tổng thống Ô-ba-ma nói rằng, bất cứ một cuộc đối thoại nào với I-ran cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện diễn ra tại nước này trong vòng vài tuần qua. “Tôi thực sự bị sốc vì những hành động bạo lực của chính quyền I-ran đối với những người biểu tình trong những ngày gần đây. Chúng tôi vẫn chưa biết sự kiện này có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đối thoại tiềm năng giữa Mỹ và I-ran”, ông nói.
Tổng thống Ô-ba-ma nhắc lại những quan ngại của Mỹ về chương trình hạt nhân của I-ran, nói rằng sự xuất hiện vũ khí hạt nhân ở I-ran là điều không thể tha thứ được và điều này tiềm ẩn nguy cơ không chỉ đối với thế giới mà còn đối với chính Tê-hê-ran. “Chúng tôi cho rằng, việc sở hữu vũ khí hạt nhân là nguy cơ không chỉ đối với Mỹ hay Đức, mà thậm chí nguy hiểm đối với cả khu vực, đối với toàn thế giới và xét cho cùng nguy hiểm đối với chính I-ran”, Tổng thống Ô-ba-ma nói. Ông Ô-ba-ma cũng đồng thời bác bỏ yêu cầu của Tổng thống I-ran A-ma-đi-nê-giát đòi ông phải xin lỗi vì đã "can thiệp vào cuộc bầu cử ở I-ran", khi cho rằng đó là yêu cầu "không nghiêm túc".
Phản ứng lại những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma, hôm 27-6, trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống I-ran A-ma-đi-nê-giát một lần nữa chỉ trích nước Mỹ và ông Ô-ba-ma, cáo buộc Mỹ can thiệp vào tình hình nội bộ I-ran. Ông A-ma-đi-nê-giát chỉ ra rằng, vai trò của Oa-sinh-tơn trong sự lộn xộn hậu bầu cử tại I-ran có thể làm cho mối quan hệ song phương trở nên nguy hiểm. “Chúng tôi rất ngạc nhiên về Ngài Ô-ba-ma. Tại sao ông ấy can thiệp vào công việc của chúng tôi? Họ vẫn luôn nói muốn đối thoại với I-ran, nhưng đó có phải là cách đúng không? Có thể nói, họ đã phạm sai lầm”, ông A-ma-đi-nê-giát phát biểu.
Trong khi đó, Đại sứ I-ran tại LHQ Kha-da-ê đã cáo buộc Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho Phó tổng thống thứ nhất I-ran Đa-vút-đi cùng một số quan chức nước này tới tham dự một hội nghị của LHQ về khủng hoảng tài chính toàn cầu. Phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ, Đại sứ Kha-da-ê cho biết, ông phát biểu thay cho Phó tổng thống Đa-vút-đi. Hiện vẫn chưa rõ liệu việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho các quan chức I-ran có liên quan đến hành động trấn áp biểu tình của Tê-hê-ran hay không?
Những diễn biến này đang đẩy mối quan hệ Mỹ - I-ran xuống một nấc tồi tệ hơn. Cách đây vài ngày, tờ “Thời báo Oa-sinh-tơn” đã đưa tin, trước cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại I-ran, chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma đã gửi một bức thư cho Đại Giáo chủ A-li Kha-mê-ni của I-ran để đề nghị cải thiện quan hệ giữa hai nước. Trong 30 năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ và I-ran chưa bao giờ có được những phút giây êm ả. Đặc biệt, trong suốt nhiệm kỳ 4 năm đầu của Tổng thống A-ma-đi-nê-giát, quan hệ giữa I-ran với Mỹ và phương Tây thường xuyên căng thẳng vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran và vì những lời cáo buộc I-ran hỗ trợ cho các lực lượng chống Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, I-ran bị Mỹ và phương Tây cấm vận gay gắt nên đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Khi lên lãnh đạo nước Mỹ, ông Ô-ba-ma tuyên bố sẵn sàng đối thoại với I-ran về vấn đề hạt nhân và quan hệ I-ran - Mỹ, triển khai toàn diện chính sách tại Trung Đông... Chính sách của ông Ô-ba-ma đã đặt I-ran vào tình thế phải thay đổi, làm nảy sinh cuộc đấu tranh về tư tưởng trong nội bộ I-ran, gây phân hóa nội bộ trong cuộc tranh cãi đối thoại hay không đối thoại với Mỹ và phương Tây. Mặt khác, LHQ, các nước lớn cũng đang điều chỉnh chiến lược, gây sức ép đối với I-ran về vấn đề hạt nhân và những vấn đề khu vực, buộc I-ran phải có những ứng xử phù hợp hơn. Tuy nhiên, với thái độ kiên quyết của chính quyền đương nhiệm I-ran trong cuộc bầu cử nhiều tranh cãi vừa rồi, những hy vọng về một mối quan hệ tốt đẹp giữa quốc gia Hồi giáo này với Mỹ và phương Tây xem ra vẫn là một mục tiêu xa vời.