Theo Bộ trưởng Môi trường Canada, Nghị định thư Kyoto còn nhiều khiếm khuyết và cần sự bình đẳng, trách nhiệm của tất cả các quốc gia.
Đầu tuần này, Canada tuyên bố chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Tuyên bố của Canada được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu kết thúc tại Durban (Nam Phi) với một kết quả không mấy khả quan. Chính vì thế, giới phân tích nhận định, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của thế giới nhằm tìm kiếm một văn bản thay thế Nghị định thư Kyoto, cũng như sự đồng thuận trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Theo giới phân tích, thực ra luận điểm của Canada không phải là không có cơ sở bởi Nghị định thư Kyoto được xây dựng năm 1997, chỉ yêu cầu một số nước cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chứ không có sự ràng buộc đối với tất cả các nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Theo Canada, đây là một sự phi lý bởi cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, chứ không phải chỉ riêng một số nước.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent tuyên bố, nước này sẽ chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Theo ông Peter Kent, quyết định này “xuất phát từ lợi ích của Canada” khi bản thân Nghị định thư Kyoto còn nhiều khiếm khuyết. Bộ trưởng Môi trường Canada nhấn mạnh “Nghị định thư Kyoto đã là chuyện của quá khứ. Và chúng ta phải bình đẳng trên tất cả mọi lĩnh vực”.
|
Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Durban (Ảnh: Getty Images) |
Như vậy, Canada đã trở thành nước đầu tiên chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto. Một ngày sau khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu LHQ tại Durban, dường như tuyên bố của Canada đã tạo nên một “cú sốc” đối với dư luận. Bởi theo kết quả đàm phán đạt được vào giờ chót tại hội nghị Durban, các đại biểu quốc tế đã nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm nữa, cho tới thời điểm các bên nhất trí được về một văn bản mới. Vì thế, quyết định rút khỏi Nghị định thư Kyoto của Canada không chỉ “dội một gáo nước lạnh” vào những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà nó còn xới lên một tâm lý hoang mang lo ngại về số phận của văn bản này, cũng như niềm tin vào cuộc chiến chống lại quá trình Trái đất ấm lên.
Bản thân xã hội Canada cũng đã có những chia rẽ xung quanh quyết định vừa nêu. Các tổ chức bảo vệ môi trường Canada đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ, cho rằng việc rút khỏi Nghị định thư Kyoto là dấu hiệu cho thấy chính quyền của Thủ tướng Harper "đang quan tâm đến việc bảo vệ các tác nhân gây ô nhiễm hơn là bảo vệ con người". Thậm chí cũng đã có những chí trích gay gắt hơn cho rằng Canada đã "bội ước" với những cam kết tham gia giai đoạn II của Nghị định thư nhằm bảo vệ ngành công nghiệp dầu cát đang đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách.
Dẫu nói gì, thì việc Canada rút khỏi nghị định thư Kyoto là điều cũng đã xảy ra. Trên thực tế, hành động này tiếp tục cho thấy lợi ích quốc gia đang che lấp lợi ích của nhân loại. Khi “cái tôi cá nhân” lớn hơn tất thảy, thì việc rút khỏi Nghị định thư Kyoto là chuyện tất yếu. Nếu không ý thức được hệ quả to lớn và sự ràng buộc về trách nhiệm đối với thế hệ con cháu sau này, thì sẽ còn nhiều “trường hợp Canada” tương tự xảy ra và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu-dù nỗ lực đến mấy-vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ”.
Giai đoạn “hậu Cophenhagen”, ”hậu Cancun” và nay là ”hậu Durban” đã trôi qua, nhưng kết quả đạt được vẫn là những bước tiến ít ỏi. Nhìn vào những gì đang xảy ra, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn chưa thực sự đạt được sự đồng thuận cần thiết? Và phải chăng cách thức thương lượng hiện nay giữa các nước vẫn chưa hiệu quả?. Thực khó đưa ra câu trả lời ở thời điểm này, nhưng sau câu chuyện của Canada, một bài học lớn đã được rút ra. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự đồng lòng-chung sức, và quan trọng hơn, các nước cần đặt lợi ích chung của toàn cầu lên trên lợi ích của từng quốc gia. Đây là yếu tố then chốt để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể đạt được bước tiến cần thiết trong tương lai./.