Đồng đô-la tăng giá, nền kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng

Thứ hai, 29/12/2014 21:29

(ĐCSVN) - Đồng USD đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ mới phục hồi và tăng trưởng vào nửa sau của năm 2014. So với các đồng tiền đang cạnh tranh vị thế toàn cầu thì đồng bạc xanh đã có sự trở lại được coi là “ngoạn mục” kể từ hồi đầu năm 2014 đến nay, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.
Từ lấy vàng đến lấy dầu làm bản vị

Năm 1944, khi Đại chiến thế giới lần thứ II sắp kết thúc thì diễn ra Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc tại thành phố Bretton Woods (Mỹ) bàn về chủ đề trao đổi tiền tệ trên phạm vi toàn cầu và tài chính quốc tế. Tại đây, các nước đã ký Hiệp định thành lập hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở đồng USD được bảo đảm bằng vàng. Theo đó, đồng USD được bảo đảm bằng vàng làm đồng tiền dự trữ quốc tế, với một ounce vàng tương đương với 31,1 gam và có giá 35 USD.

Đến đầu những năm 1970, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nền kinh tế Mỹ trở nên nợ nần chồng chất đã không còn tương xứng với vị thế của quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới. Khiến Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Risart Nixon đã có một quyết định gây chấn động nền kinh tế thế giới (15/8/1971), với nội dung “Mỹ chính thức bãi bỏ khả năng chuyển đổi đồng USD thành vàng trên phạm vi toàn cầu”.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong năm 1973 đã tạo cơ hội cho nước Mỹ có cớ để tìm cách gắn đồng USD vào dầu mỏ nhằm ổn định thị trường thế giới. Đến năm 1974, hệ thống USD đã “ngẫu nhiên” gắn với dầu mỏ của Arab Saudi và sau đó là với tất cả các thành viên OPEC, thông qua việc ký kết với Mỹ các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ bằng USD. Từ đó, đồng USD đã tạo ra các ưu thế cho nền kinh tế Mỹ trên thị trường thế giới, cầu tăng lên đối với cả đồng USD, ngân phiếu, trái phiếu chính phủ, khiến Mỹ có thể tự chủ trong việc phát hành tiền có giá trị trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, sau thời gian vào những năm 1980, một số nước đã muốn rút khỏi hệ thống đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ như: Iran, Lybia, Syria, Venezuela, Triều Tiên... Ngoài ra còn phải kể đến LB Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác đã quyết định sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ. Những dấu hiệu từng bước chia tay với đồng USD như là một đồng tiền duy nhất có khả năng chuyển đổi trên phạm vi tthế giới, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm 2008.

Ngay từ năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ sớm, muộn cũng sẽ sụp đổ và nhiều nước đã chuẩn bị hạn chế tác động tiêu cực từ sự kiện này. Ngày 1/7/2013, IMF đã quyết định đưa thêm đồng CAD Canada và đồng AUD Australia vào báo cáo Tổng hợp dự trữ hối đoái chính thức (COFER) của IMF. Khiến cho “rổ tiền” có vai trò quốc tế đã lên tới 6 loại (USD Mỹ, Bảng Anh, Euro Eurozone, Yen Nhật, CAD Canada, và AUD Australia). Trung Quốc cũng có chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) từ năm 2012, tuy nhiên đã không thành do đồng NDT chưa đủ uy tín quốc tế. 

Thế là từ việc tìm sự đảm bảo giá trị đồng USD bằng vàng, nước Mỹ đã chuyển sang dầu mỏ và từ đó trở đi, cả thế giới ngày càng phụ thuộc vào đồng USD khi nhu cầu đối với loại vàng đen này không bao giờ suy giảm, mà chỉ ngày càng tăng mạnh trước sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Sự hồi sinh “bất ngờ”

Sau 6 năm nền kinh tế Mỹ vật lộn trong “khủng hoảng” và “tiêu điều” để ngày 30/10/2014, bà Janet Yellen – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo kết thúc gói QE3, chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ được duy trì kể từ năm 2008. Thị trường tài chính lập tức phản ứng mạnh chỉ số USD Index (USDX) đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền tệ chính tăng liên tục từ 85.9770 lên mức 87.2870. Chỉ số USDX tính từ tháng 7 đã là 4 tháng liên tiếp có mức tăng đến 8,9%.

Có nhiều lý do giải thích cho sự phục hồi của đồng USD trong hơn 3 năm qua, trong đó đa số cho rằng là do sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ hay việc FED thu hẹp dần và kết thúc các gói QE. Việc thị trường vàng đã bị “thổi giá” quá mức, khủng hoảng nợ công châu Âu hoặc việc Nhật Bản bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế cũng được xem là lý do khiến giới đầu tư chọn đồng USD như là nơi đầu tư an toàn và hấp dẫn. 

Giới phân tích cho rằng, cuộc cách mạng khai thác dầu khí từ đá phiến tại Mỹ, đã giúp Mỹ tăng nguồn dầu dự trữ chiến lược và giúp nền kinh tế Mỹ hồi phục trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ngày nay, với cuộc cách mạng lớn nhất về dầu khí trong thế kỷ XXI đã và đang diễn ra tại Mỹ, giới đầu tư kỳ vọng đồng bạc xanh sẽ tiếp tục đóng vai trò là đồng tiền thống soái và là phương tiện thanh toán chính thức của nền kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài nữa. Như vậy, sau 43 năm thăng trầm đồng bạc xanh nay lại có cơ hội phục hồi vị thế của nó trên thị trường quốc tế. Cuộc cách mạng khai thác dầu khí từ đá phiến tại Mỹ, đã giúp nước này vượt Nga để trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Có thể nói, đồng USD đã tìm thấy một tài sản nữa để làm bản vị cho mình, “vẫn là dầu, nhưng nay là dầu từ đá phiến”.

Khiến kẻ mừng, người lo

Việc giá trị đồng USD tăng cao trong mấy năm qua đã làm dịu bớt nỗi lo về sự sụp đổ của đồng tiền này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chưa hẳn đã là điều tốt lành, bởi vì khi đồng USD quá mạnh nó có thể đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu. Khiến có nhiều chuyên gia lo ngại, hiện tượng này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng trong các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế mới nổi. 

Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia, các doanh nghiệp và thậm chí cả các hộ gia đình hiện đã nợ tới 10.000 tỷ USD, trong đó các nền kinh tế mới nổi nợ khoảng 5.600 tỷ USD. Món nợ khổng lồ này có thể trở thành một nguy cơ thực sự, bởi vì các khoản vay này đều được tính bằng đồng USD. Mới đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cảnh báo rằng sự tăng giá của đồng USD so với so các đồng tiền khác có thể tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. 

Sự tăng giá hiện nay của đồng USD là một trong những đợt tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ số “Dollar Index”, thước đo sức khỏe của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2006. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại không phải ở con số tuyệt đối của chỉ số mà là ở tốc độ tăng giá của nó.

Kể từ đầu tháng 7/2014, giá trị của đồng USD đã tăng tới 13% so với các đồng tiền thương mại chủ chốt, trong đó tăng hơn 40% so với đồng ruble. Đối với các công ty vay nợ bằng đồng USD, điều đó có nghĩa là gánh nợ sẽ nặng thêm. Ông Hans Redeker, một chiến lược gia về tiền tệ tại Morgan Stanley, lưu ý rằng do số tiền vay của các nền kinh tế mới nổi thường được sử dụng để đầu tư nội địa, khả năng cân đối tài chính của nhiều doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong quá khứ, sự tăng giá của đồng USD đã gây ra các cuộc khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, điển hình là vào đầu những năm 1980, đồng USD mạnh đã khiến các quốc gia Nam Mỹ lâm vào rắc rối lớn và các “con hổ châu Á” cũng đã sụp đổ hàng loạt vào giữa những năm 1990. 

Hiện nay, riêng Trung Quốc vay nợ khoảng 1,1 nghìn tỷ USD, song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tạo được một tấm “lá chắn” bằng gần 4.000 tỷ USD dự trữ. Bắc Kinh đã rút được bài học lớn trong cuộc khủng hoảng châu Á (1997-1998), còn các quốc gia khác, “lá chắn bảo vệ” mỏng hơn.

Nước Nga với 420 tỷ USD dự trữ, con số này vẫn là nhỏ so với mức nợ nước ngoài (678 tỷ USD) bao gồm cả nhà nước và doanh nghiệp. Brazil có 375 tỷ USD dự trữ, trong khi các ngân hàng và doanh nghiệp của nước này nợ nước ngoài tới 468 tỷ USD. Theo thống kê của BIS, 63% nợ quốc tế hiện nay là bằng đồng USD, 19% bằng đồng euro, 8% bằng bảng Anh và 3% bằng đồng yên Nhật Bản. 


Một số chuyên gia kinh tế cho rằng đồng USD giờ đây đã lấy lại vị thế vốn có của nó và sự tăng giá mạnh mẽ nếu tiếp tục diễn ra có thể trở thành một vấn đề nan giải đối với toàn thế giới. Đồng USD tăng giá, có thể dẫn đến một làn sóng phá sản ở các nước như: Nga, Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác, đồng thời sẽ tác động nghiêm trọng tới cả nước Đức và các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc đồng USD có trở lại thời hoàng kim của nó hay không vẫn còn đang ở phía trước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực