Đồng nhân dân tệ và những thách thức trong việc trở thành đồng tiền quốc tế

Thứ năm, 06/08/2015 20:27

(ĐCSVN) - Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) đã công khai đánh giá cao với những tiến bộ trong cải cách tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn do dự trong việc công nhận đồng nhân dân tệ (NDT) là một đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế.

 

Ảnh minh họa: IMF 


Lâu nay, Trung Quốc vẫn đặt hy vọng vào khả năng đồng nhân dân tệ có thể nhập hội với 4 đơn vị tiền tệ lớn của thế giới là: Đồng đô-la Mỹ, yên Nhật, bảng Anh, euro châu Âu, trở thành một trụ cột của SDR. SDR, viết tắt của Special Drawing Rights (“quyền rút vốn đặc biệt”), là cách gọi quỹ dự trữ tiền tệ riêng của IMF, bao gồm các đơn vị tiền tệ mạnh, bền vững và phổ biến nhất trong nền thương mại quốc tế, bởi vì lượng tiền dự trữ này được dùng để cho vay và đầu tư khắp thế giới. IMF đặt cho nó một tỷ giá hối đoái riêng. Tỷ giá hối đoái này khiến nhiều người coi SDR gần giống một đơn vị tiền tệ quốc tế đặc biệt.

Giá trị và cấu trúc của quỹ tiền và tỷ giá hối đoái của “đồng” SDR được IMF nghiên cứu và quy định lại 5 năm 1 lần. Loại tiền nào trong các đồng tiền trụ cột được IMF lưu trữ càng nhiều thì càng được coi là có giá trị trên thị trường quốc tế. Lần quy định gần nhất vào cuối năm 2010, IMF cấu trúc cho SDR có 41,9% là đô-la Mỹ, 37,4% là euro, 11,3% là đồng bảng Anh và 9,4% là đồng yên Nhật.

Lần cấu trúc tiếp theo của IMF vào cuối năm nay đem đến hy vọng của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa trong việc đưa đồng NDT vào vai trò của một trụ cột trong cấu trúc SDR. Hy vọng này càng đặc biệt dâng cao sau khi IMF công nhận rằng, giá trị đồng NDT hiện không còn bị cố ý làm cho thấp hơn thực tế vào tháng Năm năm nay. Trước đó, Trung Quốc liên tục bị quốc tế kết tội cố ý kiểm soát không cho đồng NDT có tỷ giá hối đoái cao đúng mức.

Nếu đồng DNT thực sự được đưa vào nhóm các đồng trụ cột của SDR, vị thế của Trung Quốc trong tài chính tiền tệ quốc tế và kinh tế quốc tế sẽ càng được khẳng định. Đồng NDT sẽ tiến gần hơn tới việc trở thành một đồng tiền quốc tế đúng nghĩa, làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư vào các cố phiếu và tài sản định giá bằng đồng NDT. Nền kinh tế và tài chính của Trung Quốc có thể sẽ có giá trị lớn hơn rất nhiều.

Bà Christine Lagarde - Giám đốc điều hành của IMF cho biết, việc đưa đồng NDT vào SDR “chỉ là vấn đề khi nào chứ không còn là vấn đề liệu có xảy ra hay không". Đánh giá của bà Lagarde có vẻ dựa nhiều vào tính phổ biến của đồng NDT trong thương mại quốc tế hiện nay.
 
Theo một báo cáo mới đây của IMF, đồng NDT hiện đã nằm top các đồng tiền được dùng nhiều nhất trong các trao đổi quốc tế. Dù vẫn còn thua các đồng tiền SDR hiện nay, NDT là đồng tiền duy nhất ngoài đồng đô-la, euro, bảng và yên đạt đủ yêu cầu về lưu lượng ngoài khu vực phát hành.

Tuy nhiên, tính phổ biến không phải là yếu tố duy nhất được đem ra xem xét trong quyết định đưa một đồng tiền vào nhóm SDR. Giáo sư Eswar Prasad, người từng đứng đầu bộ phận phụ trách Trung Quốc của IMF, cho biết: “Việc đưa đồng DNT vào SDR còn phụ thuộc vào mức độ phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc, tính mở cửa của dòng chảy tiền tệ, cũng như độ linh hoạt của tỷ giá hối đoái.”

Trong bản báo cáo hồi tháng Năm, IMF kêu gọi Trung Quốc mở rộng cửa cho các luồng đầu tư nước ngoài đến với thị trường cổ phần và cố phiếu Trung Quốc, đặc biệt là cổ phiếu chính phủ. Bản báo cáo không nhắc gì đến những diễn biến mới khiến cả thế giới "thót tim" ở thị trường tài chính Trung Quốc, cũng như đến việc chính phủ Trung Quốc đã phải trực tiếp can thiệp vào nền tài chính bằng một loạt các biện pháp mạnh tay để cứu thị trường.

Trên thực tế, những diễn biến thị trường tài chính này đang khiến các nước như: Mỹ, Đức, Pháp, Anh một mặt ủng hộ việc đưa đồng NDT vào SDR, mặt khác, kiên quyết đặt điều kiện Trung Quốc phải cải tổ nền tài chính như đã từng cam kết.

Cụ thể, các nước này vốn đã từ lâu kêu gọi nhà nước Trung Quốc nới vòng kiểm soát kinh tế trong nước. Hồi tháng Ba năm nay, ông Jacob Lew, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã lên tiếng hối thúc Trung Quốc bớt kiểm soát dòng đầu tư quốc tế và thôi điều khiển lãi suất.

Trong quá khứ, áp lực kinh tế từ quốc tế đã từng là một lý do lớn khiến chính phủ Trung Quốc phải thiết kế lại toàn bộ chiến lược phát triển quốc nội. Liên tục trong hơn 20 năm tính từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, quốc tế luôn lên tiếng chỉ trích Trung Quốc cố ý hạ thấp giá trị đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, hàng hoá Trung Quốc tiêu thụ nhanh không nằm hoàn toàn ở giá sản xuất rẻ mà nằm ở việc đồng NDT được nhà nước Trung Quốc giữ ở mức rẻ, khiến giá cả khi đổi sang đồng tiền khác thấp hơn nhiều giá hàng xuất khẩu ở các nước khác. Điều này được cho là một cách chơi không công bằng. Dưới áp lực quốc tế, đồng NDT phải từ từ tăng giá lên đúng mức – một lý do lớn khiến tiềm năng xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi. Vì lý do này, Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã định hướng lại con đường đi cho Trung Quốc từ phát triển lấy xuất khẩu làm trọng điểm thành phát triển lấy thị trường tiêu thụ trong nước làm gốc. Tuy nhiên, để phát triển lấy thị trường tiêu thụ trong nước làm trọng, Trung Quốc sẽ phải vượt qua vô số thách thức và phải tổng cơ cấu lại nhiều phần của nền kinh tế.

Trong tình hình hiện nay, để đồng NDT được công nhận là một phần của SDR và tiến tới trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế chính thức, nhà nước Trung Quốc sẽ phải chấp nhận mất nhiều quyền kiểm soát tiền tệ. Ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từng phát biểu vào hồi tháng Ba năm nay rằng Trung Quốc có thể sẽ loại bỏ hạn mức lãi suất tiền gửi ngân hàng vào cuối năm 2015 để được gia nhập SDR.

Nếu thật sự đưa ra quyết định này, chính phủ Trung Quốc sẽ phải chấp nhận một số tổn thất kinh tế lớn. Từ tháng Mười một năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tiền gửi không dưới ba lần, bao gồm lần gần nhất để ngăn chặn khủng hoảng tài chính đến từ vỡ "bong bóng" chứng khoán hồi tháng Bảy. Nếu loại bỏ hạn mức tăng lãi suất, cạnh tranh nguồn vốn sẽ đẩy lãi suất tăng lên, đi ngược lại với hướng đi chính phủ Trung Quốc mong muốn.

Vì lý do này nhiều nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ khả năng điều ông Chu Tiểu Xuyên nói có thể trở thành sự thật. Ông David Dollar - viện sĩ Viện Brookings, cựu cán bộ cao cấp của Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết: “Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể đưa ra thay đổi lớn nào trong năm nay, đặc biệt là sau một loạt các biện pháp đã được đưa ra để cứu thị trường vào tháng Bảy. Tuy nhiên, đồng NDT vẫn có thể trở thành một phần của SDR.”

Bên cạnh các phát biểu lạc quan về tương lai trở thành một phần trong SDR của đồng NDT, IMF vẫn chưa có một động thái nào chính thức hoá sự ủng hộ của tổ chức này. Nếu không được nhận vào SDR sớm như dự định, có một điều có thể an ủi các quan chức Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa, đó là một số đồng tiền mạnh không cần là SDR nhưng vẫn được coi là đồng tiền quốc tế (ví dụ như đồng franc Thuỵ Sĩ)./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực