(ĐCSVN) - Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1991), với sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết, các nước XHCN Đông Âu và khối Vác xa va, lẽ ra theo cương lĩnh nguyên thủy của NATO, thì tổ chức này cũng không còn lý do tồn tại. Tuy nhiên, với tham vọng toàn cầu, Mỹ - phương Tây đã tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của khối này với chiến lược “Đông tiến”. Cho đến nay, các thành viên NATO đã là con số 28, trong đó có 12 nước thuộc không gian hậu Xô-viết.
Từ “cách mạng màu”…
Mỹ và phương Tây đã chủ mưu, khởi xướng và đứng sau các cuộc “cách mạng màu”, với kịch bản có đặc trưng chung là sử dụng đông đảo quần chúng nhân dân, sinh viên, các tổ chức phi chính phủ tham gia với phương thức biểu tình lớn, dài ngày lúc đầu là đấu tranh bất bạo động nhằm lật đổ các chính thể mà họ cho là tham nhũng, độc tài và trong một số trường hợp còn kết hợp với sự hỗ trợ từ bên ngoài, tạo dựng phái đối lập để thay đổi chính quyền.
Với chiến dịch “Mùa thu của Cộng sản”, bắt đầu từ Ba Lan vào năm 1989, kế đó là Hungary, CHDC Đức, Bungary, Tiệp Khắc và Romania; “cách mạng cam” ở Serbia năm 2000, “cách mạng Hoa hồng” ở Gruzia năm 2003, “cách mạng Cam” lần một ở Ukraina năm 2004, “cách mạng Hoa Tulip” ở Kyrgyzstan năm 2005. Chỉ có Romania (1989) và Ukraine (lần hai 2013) được ghi nhận là nhuốm màu bạo lực để lật đổ chính thể đương quyền.
Bức tường Berlin sụp đổ đã ghi nhận thắng lợi lớn bước đầu của phương Tây vào năm 1990, các sự kiện vào những năm 1999, 2004 và 2009 đã kết nạp 12 nước trước đây thuộc ảnh hưởng của Nga thời Liên Xô trở thành thành viên NATO.
Tuy nhiên, ngày 23/2/2014, tại khu vực lại ghi nhận việc làm của NATO, đó là việc phe đối lập Ukraine với sự hỗ trợ của Mỹ và EU đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych và tiến sát vào biên giới Nga, phá tan rào cản trên đường tiến quân về phía Đông.
Ngày 27/6/2014, tại Brusselles (Bỉ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định liên kết giữa Ukraine, Gruzia, Moldova với EU. Cả 3 nước này đều có chung biên giới với Nga. Tuy chưa phải là thành viên EU và NATO, nhưng liên minh này sẽ được mở rộng, vấn đề chỉ còn là thời gian, khiến chiến lược “Đông tiến” của NATO đang dần được hiện thực hóa và không gian hậu Xô-viết ngày càng bị thu hẹp đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh của Nga.
… Đến “liên kết” kinh tế
Chiến lược “Đông tiến” thông qua các cuộc “cách mạng màu” tạo dựng giới cầm quyền thân phương Tây, tạo cơ sở cho chiến dịch “liên kết” về kinh tế, thông qua việc kết nạp gần hầu hết các nước vào EU trong các năm: 2004 tám nước, 2007 hai nước, 2013 một nước và 2014 ba nước ký Hiệp định Liên kết.
Những bước tiến về phía Đông của EU nhằm khẳng định vai trò và vị thế của khối này trên trường quốc tế, tạo nên thị trường đầy tiềm năng với 500 triệu dân. Tuy nhiên, khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nước thành viên mới của EU, nhất là các nước từ không gian hậu Xô-viết được hưởng ưu đãi nên có sự tăng trưởng, còn các nước thành viên cũ của EU lại phải gánh chịu tác động lớn và dẫn đến khủng hoảng nợ công kéo dài. Vì thế, theo giới phân tích, đối với EU nhìn toàn cục, việc mở rộng sang phía Đông mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn kinh tế.
Để tiếp tục khẳng định vị thế và tiềm lực của mình, trong kế hoạch dài hạn, các nhà lãnh đạo EU vẫn quyết tâm thực hiện phát triển cả “chiều rộng” và “chiều sâu”. Song ngày càng có nhiều chính trị gia không ủng hộ việc mở rộng EU, nhất là sau sự thắng thế của các đảng cực hữu trong cuộc bầu cử vào Nghị viện EC, khiến EU quan ngại về việc “chật vật” với nợ công và “nặng gánh” đối với những thành viên mới đến từ phía Đông.
Cho đến nay, trong các nước tham gia EU năm 2004, chỉ có Ba Lan là nước có thành tựu kinh tế ấn tượng nhất, từ chỗ GDP bình quân thấp hơn EU (11%), sau 10 năm Ba Lan trở thành nước dẫn đầu trong phát triển kinh tế, tăng 48,7% và trở thành nước có chỉ số phát triển kinh tế cao nhất khu vực và là nước sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Tiếp đến là Cộng hòa Séc cũng tăng trưởng xuất khẩu với mức gấp đôi sau 10 năm gia nhập EU, còn các thành viên khác tuy được sự ưu ái của Liên minh nhưng sự phát triển vẫn chưa rõ nét và một số nước cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy nợ công.
Và “liên minh” quân sự…
Với chiến lược “Đông tiến”, từ chính trị đến kinh tế và cuối cùng là quân sự - quốc phòng, NATO đã dần thu hút các nước thuộc không gian hậu Xô-viết trở thành thành viên của NATO: Năm 1999 ba nước (Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary); năm 2004 bảy nước (Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia, Slovenia); năm 2009 hai nước (Croatia, Albania) và tiếp theo sẽ là 3 nước vừa mới ký kết Hiệp ước Liên kết với EU.
Để đối phó với sự phản ứng của Nga sau sự kiện Ukraine, NATO đã mở cuộc diễn tập quân sự lớn tại vùng Baltic dưới danh nghĩa hàng năm, tuy nhiên lần này, họ đã huy động một lực lượng lớn binh sĩ và trang thiết bị tham gia. Năm 2013, chỉ có 1.800 binh sĩ tham gia, trong khi năm nay có tới 4.700 binh sĩ và hơn 800 thiết bị quân sự. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh quân sự lớn nhất từ trước tới nay, gồm quân đội của 9 nước tham gia là: Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Anh, Latvia, Litva, Na Uy và Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố rằng, các cuộc diễn tập của NATO gần biên giới Nga là một hành động thù địch trực tiếp vi phạm Đạo luật NATO - Nga năm 1997, khiến Nga cũng tiến hành triển khai kế hoạch diễn tập bất ngờ với sự tham gia của các lực lượng tấn công tiền duyên như: Thủy quân lục chiến, lính dù và máy bay ném bom tầm xa ngay trong sân sau của NATO.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Chúng tôi tiến hành huấn luyện quân sự đồng thời với các cuộc diễn tập quân sự quốc tế đang diễn ra ở châu Âu của NATO là Saber Strike-2014 và BALTOPS-2014” và lưu ý rằng, lực lượng quân sự tham gia diễn tập ở khu vực Kaliningrad có thể là một đối trọng với các lực lượng của NATO.
Như vậy, sau hơn 20 năm “Đông tiến”, NATO đã “nuốt” gần trọn không gian hậu Xô-viết, bao gồm cả chính trị, kinh tế và quốc phòng - vùng ảnh hưởng quan trọng của Nga. Giới phân tích cho rằng, với việc sát nhập Crimea vào Nga, răn đe bằng các cuộc diễn tập quân sự, liên kết với Trung Quốc…, Nga đang quyết tâm chặn đà “Đông tiến” của NATO. Tuy nhiên, hiệu quả của chiến lược “chim ưng hai đầu” vẫn còn đang ở phía trước./.