Dư luận báo chí quốc tế về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Thứ ba, 12/10/2010 20:42
(ĐCSVN) - Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội được tổ chức từ ngày 1/10 đến ngày 10/10, báo chí quốc tế đã có nhiều bài viết phản ánh về hoạt động này. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu với bạn đọc dư luận báo chí quốc tế về sự kiện trọng đại này.

AFP: Lễ diễu binh biểu lộ tinh thần quốc gia dân tộc. Đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua Việt Nam đã huy động nhiều tầng lớp dân chúng, từ công nhân, thanh niên, cho đến các dân tộc thiểu số, các thành phần tôn giáo tham gia một trong những đại lễ quan trọng nhất. Cuộc diễu hành này cũng nhằm mục đích làm sống lại niềm kiêu hãnh quân sự của một nước đã từng chiến thắng các cường quốc phương Tây là Pháp và Mỹ, ...

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết xác định: "Bao nhiêu thế hệ kế tiếp nhau kiên cường chiến đấu, hiến dâng cho Thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên, nguồn cội". Theo ông, người Việt yêu chuộng hòa bình nhưng không khuất phục trước bạo lực.

Tuần san Le Monde (Thế giới) dành hẳn 6 trang phản ánh sự kiện này với chủ đề: "Hà Nội, giấc mơ thiên niên kỷ". Bài viết cho biết sau những thăng trầm của lịch sử, Hà Nội bắt đầu phát triển vượt bậc từ 20 năm nay.

Theo tác giả bài báo, Chính phủ Việt Nam chọn ngày 10/10 để tổ chức Đại lễ bởi đó chính là ngày quân đội Việt Minh tiến vào thành phố qua cầu Paul Doumer (cầu Long Biên ngày nay) sau khi quân viễn chinh Pháp ra đi. Tác giả cũng lược lại lịch sử chống ngoại xâm của Hà Nội từ thời Lý Công Uẩn đến nay.

Bài báo viết: "Hà Nội hiện tại đầy quyến rũ trong sương buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, với những con đường rợp bóng cây, những ngõ dân cư đông đúc, những công trình kiến trúc và công viên. Hồ Gươm là trung tâm thu hút của khu phố cổ, với hàng chục ngôi chùa, đình, đền. Khu phố cổ luôn là điểm thu hút du khách đến khám phá những "kho báu bình yên, xa những tiếng ồn ào của xe cộ nơi phố thị. Người Pháp đã kiến thiết một thành phố hiện đại với những công trình còn hiện hữu như Nhà Hát Lớn, Phủ Toàn Quyền (hiện tại là Phủ Chủ tịch), bưu điện, bệnh viện, ngân hàng, khách sạn, thư viện… Dọc theo các đại lộ được xây dựng thời Pháp, là công viên và các khu biệt thự xinh xắn".

Tác giả nhận định: "Việt Nam đã khéo léo khi biết tiếp nhận và bảo tồn di sản này. Tuy vậy, Hà Nội đã được "Việt hóa" theo thời gian. Khu phố cổ 36 phố phường luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Chính sách mở cửa và sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ những năm 1990 đã làm cho Hà Nội trở thành một thành phố rực rỡ sắc màu".

Đài RFA bình luận: Việt Nam yêu chuộng hoà bình nhưng không bao giờ khuất phục trước cường quyền và bạo lực. Đó là điểm chính trong bài diễn văn của ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam đọc tại Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long  - Hà Nội.

Buổi lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra với cuộc diễu binh được báo chí Việt Nam gọi là lớn nhất trong lịch sử, với sự đóng góp của hơn 30.000 người, trong đó có cả các đơn vị chiến đấu của quân đội, nhưng không có các đoàn cơ giới hay vũ khí nặng.

Theo báo Bangkok Post (Bưu điện Băng cốc), khi Hà Nội kỷ niệm 1000 năm tuổi, giới trẻ háo sức hướng tới một tương lai thịnh vượng. Nhân dân nói chung đều có chung tâm trạng phấn khởi và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục ở mức cao, 6,2% năm 2009 và nhiều khả năng sẽ đạt 6,5% năm 2010. Lạm phát đã được đẩy lui từ 23% khi khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ năm 2008 xuống, còn 7,8% trong năm nay. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu đã ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và đồng nội tệ yếu đã thúc đẩy phát triển kinh tế./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực