(ĐCSVN) - Sau khi thủ đô Tri-pô-li của Li-bi rơi vào tay quân nổi dậy và sự kiện hàng nghìn người Xi-ry tiếp tục xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Ba-sa A-xát từ chức, các phương tiện thông tin đại chúng tại I-rắc đã có một số bình luận về khả năng Mỹ và phương Tây sẽ can thiệp quân sự vào Xi-ry.
Chính sách của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma “chỉ huy cuộc chiến tại Li-bi từ phía sau” đã giúp Mỹ tiết kiệm được chi phí (từ khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Li-bi tháng 3-8/2011, Mỹ mới chi gần 1 tỷ USD, ít hơn nhiều so với chiến trường I-rắc hay Áp-ga-ni-xtan trước đây trong cùng khoảng thời gian). Ngoài ra, Mỹ tránh được sự chỉ trích của dư luận quốc tế lâu nay vẫn coi Mỹ là “sen đầm quốc tế”, trong khi vẫn giữ được vai trò và vị thế của mình trong con mắt các đồng minh. Trong chiến dịch của NATO tại Li-bi, Mỹ vẫn tiến hành những hoạt động quân sự then chốt như tiếp dầu trên không, cung cấp thông tin tình báo qua vệ tinh và vẫn cầm trịch trong vạch kế hoạch và tham mưu cho các chiến dịch quân sự. Việc này sẽ củng cố niềm tin của Mỹ vào chính sách của Tổng thống Ô-ba-ma và chính sách này sẽ được áp đụng tại Xi-ry trong thời gian tới, nếu một chiến dịch quân sự của phương Tây lại diễn ra ở đất nước này.
Trong trường hợp Xi-ry, nước này không có tiềm năng dầu khí lớn như Li-bi và xét trên khía cạnh kinh tế, Mỹ chẳng “gặt hái” được nhiều khi can dự vào đây. Tuy nhiên, xét về mặt chiến lược, sự sụp đổ của Chính quyền Tổng thống A-xát theo hiệu ứng đô-mi-nô góp phần làm nên một khu vực Trung Đông “dân chủ rộng lớn hơn" như ý muốn của Mỹ. Mặt khác, đã từ lâu Xi-ry là “cái gai trong con mắt” người Mỹ. Đầu năm 2006, Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố khởi xướng “Chương trình dân chủ tại Xi-ry” với khoản kinh phí ban đầu là 5 triệu USD để “thúc đẩy công cuộc cải cách ở Xi-ry”. Mỹ và I-xra-en cũng luôn nghi ngờ Xi-ry sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt với khoảng 10 căn cứ được cho là nơi cất giữ và phát triển vũ khí hóa học. Mỹ còn nghi ngờ Xi-ry có một số cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân với sự trợ giúp của Bắc Triều Tiên. Được Mỹ bật đèn xanh, I-xra-en đã tấn công một trong các cơ sở nói trên vào tháng 9.2007.
Như vậy, xóa bỏ chế độ của Tổng thống A-xát chính là “nhổ cái gai trong mắt” người Mỹ. Ngày 18.8.2011, Mỹ, Đức, Pháp và Anh đã công khai tuyên bố yêu cầu Tổng thống Xi-ry Ba-sa A-xát ra đi. Sở dĩ Mỹ và các nước phương Tây chưa thực hiện can thiệp quân sự vào Xi-ry như đối với Li-bi bởi một số lý do: (l) Sau chiến dịch quân sự của NATO tại Li-bi, các nước phương Tây cần có thời gian để đi đến sự thống nhất chung, nhất là trong bối cảnh họ có rất ít các lợi ích kinh tế tại Xi-ry. (2) Chưa có cơ sở để Mỹ và NATO can thiệp quân sự: Liên hợp quốc (LHQ) mới cử đoàn thanh sát vào Xi-ry để kiểm tra thực tế, chưa sẵn sàng để ra một nghị quyết mới áp đặt các biện pháp trừng phạt Xi-ry. Bên cạnh đó, Mỹ và NATO cũng phải tính đến nhân tố Nga và Trung Quốc, những nước rất có thể sẽ phản đối một nghị quyết chống Xi-ry tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vì họ đang bất bình khi phải đứng trước nguy cơ mất trắng các khoản đầu tư tại Li-bi. Các nước phương Tây, sau chiến dịch quân sự tại Li-bi, là các đối tượng đầu tiên “được ưu tiên” trong các dự án dầu khí dưới Chính quyền mới tại Li-bi. Hơn nữa, đối với Xi-ry, Nga từ lâu đã có quan hệ gần gũi và là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho nước này. (3) Lực lượng phản đối tại Xi-ry chưa chiếm giữ được thành phố nào, rất ít người biểu tình tại Xi-ry kêu gọi sự can thiệp của phương Tây; lực lượng An ninh và Quân đội của Tổng thống A- xát vẫn rất mạnh, được tuyển chọn kỹ lưỡng và chỉ bao gồm những người thuộc phái Alawite thiểu số đang cầm quyền tại Xi-ry. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự tan rã của lực lượng này.
Những bất ổn tại Xi-ry là cơ hội để Mỹ can dự nhằm lật đổ Tổng thống A-xát và nhất định Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược của Mỹ là hướng cho những người nổi dậy ở Xi-ry làm theo cách của họ trước chứ không hướng dẫn họ làm theo cách của Mỹ trước. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ hậu thuẫn để những người nổi dậy tự giúp mình trước rồi mới trực tiếp can dự sau. Nếu như Xi-ry tiếp tục đàn áp đẫm máu người biểu tình và phe chống đối không thể đảo ngược được tình hình, Mỹ và phương Tây sẽ trực tiếp can thiệp. Khi đó, kịch bản lặp lại sẽ là không kích để hỗ trợ quân nổi dậy, cử chuyên gia đến huấn luyện cho lực lượng nổi dậy, bí mật cung cấp vũ khí và tài chính, công nhận phe nổi dậy, phong tỏa tài sản của Chính phủ Xi-ry gửi ở nước ngoài để sau đó chuyển giao cho phe nổi dậy. Như vậy, cái đầu tiên mà Mỹ cần vẫn là một nghị quyết của HĐBA LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Xi-ry (do Mỹ soạn thảo), phối hợp tốt với Anh và Pháp, sự hỗ trợ của các đồng minh Ả rập và đánh giá chính xác về thời điểm sử dụng vũ lực.
Trước khi một chiến dịch quân sự được thực hiện, Mỹ sẽ tiến hành một số hoạt động cụ thể như: Khiến Tổng thống A-xát phải chịu sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế (thông qua một nghị quyết của LHQ, cấm vận kinh tế, đóng băng tài sản của Xi-ry ở nước ngoài ...); mở cuộc chiến thông tin để khích lệ tinh thần của lực lượng chống đối tại Xi-ry, đồng thời tuyên truyền nhằm tránh để người dân Xi-ry nghĩ rằng, Mỹ là những kẻ thực dân mới khoác áo lực lượng hỗ trợ giải phóng; tăng cường hoạt động của Đại sứ quán và các tổ chức khác của Mỹ ở Xi-ry để nắm bắt tình hình, nhất là nhu cầu của những người nổi dậy; từng bước tiếp xúc và phối hợp với các phe phái “có thái độ tích cực” với sự can dự của Mỹ để xây dựng các đảng phái thân Mỹ./.