Dư luận Ô-xtrây-li-a về kết quả vòng đàm phán thứ 8 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Thứ năm, 06/10/2011 10:06

(ĐCSVN) - Vòng đàm phán thứ 8 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra tại Chi-ca-gô (Mỹ) từ ngày 6-15.9.2011 đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng với việc các bên đưa ra đề xuất cuối cùng cho nhiều lĩnh vực đàm phán, điều kiện tiên quyết để các bên có thể bước vào giai đoạn đàm phán thực chất.

Theo đánh giá của giới phân tích Ô-xtrây-li-a, phiên đàm phán lần này đã đạt được nhiều bước tiến trong các lĩnh vực quan trọng như: mở cửa thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ và mua sắm chính phủ... Tuy nhiên, ngoài những khác biệt vốn tồn tại xuyên suốt quá trình đàm phán, đã xuất hiện một số diễn biến mới gây nhiều tranh cãi, có thể ảnh hưởng đến tiến độ đàm phán. Giới chính trị và kinh tế Ô-xtrây-li-a đặc biệt quan tâm đến vòng đàm phán lần này vì cho rằng, nó sẽ tạo tiền đề quan trọng để đi đến những thoả thuận và cam kết cụ thể tại vòng đàm phán áp chót ở Pê-ru vào tháng 10.2011, trước khi các bên đi đến thoả thuận cuối cùng bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hô-nô-lu-lu (Mỹ) vào ngày 12-13.11.2011.

Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ còn hai lĩnh vực là lao động và thương mại vẫn chưa có đủ đề xuất cuối cùng của các nước tham gia đàm phán, trong đó có Mỹ. Dự kiến tại vòng đàm phán tiếp theo ở Pê-ru, các bên sẽ đưa ra đề xuất cuối cùng cho tất cả các lĩnh vực. Mục tiêu của 9 nước tham gia đàm phán là đạt được một Hiệp định khung có tính tổng quát trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra được quan điểm rõ ràng trong bản thảo TPP về vấn đề bảo vệ quyền của người công nhân hoặc hạn chế quyền lực của các công ty, xí nghiệp quốc doanh.

Mỹ chưa đưa ra đề nghị về những mặt hàng được coi là “nhạy cảm” như: giày dép và sữa. Đây là những mặt hàng mà các nhà sản xuất nội địa Mỹ lo ngại vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước có nền công nghiệp gia công phát triển như Việt Nam. Các nhà sản xuất Mỹ trong lĩnh vực hàng dệt may, cừu, bò và đường hiện cũng rất lo ngại vì nếu thỏa hiệp thành công, nước này sẽ phải hủy bỏ các khoản thuế đánh vào các sản phẩm này và các rào cản thương mại khác. Khi đó, các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với hàng hóa nhập khẩu và sẽ càng khiến dân Mỹ mất việc do nguồn việc làm bị chuyển ra nước ngoài.

Vấn đề bảo vệ bản quyền dược phẩm trong khuôn khổ TPP, theo đề xuất của Mỹ, đang khiến các nước quan ngại vì có thể làm cho chi phí điều trị vượt quá khả năng của nhiều bệnh nhân nghèo trong khu vực. Chính phủ Mỹ cho rằng, các hãng dược cần được bảo vệ quyền sáng chế một cách chặt chẽ để bù đắp chi phí sản xuất các loại thuốc mới.

Cấm nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp là đề xuất mới gây nhiều tranh cãi trong đàm phán TPP. Mỹ đang thúc đẩy đề nghị cấm nhà nước hỗ trợ các công ty, nhưng điều này vấp phải sự phản đối từ phía cả 8 nước tham gia đàm phán TPP. Ngay cả đối với nước phát triển như Niu Di-lân cũng có nguy cơ bị thiệt hại nếu nước này đồng ý với một thỏa thuận như vậy. Nếu sự hỗ trợ của Chính phủ Niu Di -lân dành cho các công ty bị thách thức về mặt pháp lý, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước như KiwiBank, KiwiRail, ACC và An New Zealand, hoặc các hợp tác xã công nghiệp từng được sự hậu thuẫn về mặt pháp luật như Fonterra và Zespri sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều khả năng Chính phủ Niu Di-lân sẽ đưa ra thêm các chi tiết về yêu cầu của nước này đối với TPP.

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ mong muốn nhanh chóng ký kết TPP với những lý do sau: Thứ nhất, vì Mỹ thiếu động lực nội tại để tăng trưởng kinh tế, nên chính quyền Ô-ba-ma tích cực hướng ra bên ngoài nhằm tìm kiếm những nguồn lực khác hỗ trợ phục hồi kinh tế. Thứ hai, TPP sẽ góp phần phục vụ cho chiến lược “quay trở lại châu Á” một cách đồng bộ của Mỹ. Trong số 10 đối tác thương mại lớn của Mỹ trước đây, có 6 đối tác thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Mỹ coi thúc đẩy TPP trở thành một hiệp định thương mại tự do “chất lượng cao của thế kỷ 21” là trọng điểm trong chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ. Thứ ba, thúc đẩy TPP là một phần trong chiến lược của Mỹ. Mỹ hy vọng TPP sẽ thay thế cơ chế “10+3”, “10+6”, thậm chí cả APEC và Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương đang trong quá trình hình thành, tiến tới nắm vai trò chủ đạo trong hợp tác kinh tế khu vực, tạo ra trật tự mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lấy Mỹ làm trung tâm./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực