Dư luận Thái Lan về lộ trình sửa đổi Hiến pháp

Thứ sáu, 23/09/2011 10:51

(ĐCSVN) - Vừa qua, Phó Thủ tướng Thái Lan Chạ-lởm cho biết, Chính phủ Thái Lan đã ra nghị quyết, nhất trí đề nghị Hạ viện xem xét, sửa đổi Điều 291/Hiến pháp để dọn đường cho việc bổ nhiệm thành viên Hội đồng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tuy Chính phủ không vội xúc tiến vấn đề này nhưng theo Phó Thủ tướng Thái Lan, nếu sửa đổi trong 1 năm không được thì trong cả nhiệm kỳ cũng sẽ không được. Do đó, dự kiến sau khi phiên họp Quốc hội trong tháng 12.2011 thông qua, Chính phủ sẽ xúc tiến vấn đề này, trong đó sẽ bổ nhiệm 99 thành viên Hội đồng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với cơ cấu gồm 77 thành viên đại diện cho các tỉnh, thành và 22 thành viên chuyên môn lấy trong cơ cấu Nhà nước. Từ nay đến khi đó sẽ đủ thời gian để Chính phủ chứng minh hiệu quả hoạt động và tăng tính thuyết phục đối với ý định trên.

Song song với hoạt động trên, Chính phủ đã bật đèn xanh cho lực lượng “Áo đỏ” (Mặt trận dân chủ chống độc tài) huy động trên 3 triệu chữ ký để xin Hoàng gia ân xá cho cựu Thủ trưởng Thặc-xỉn. Hiện Vụ Cải huấn đã xác minh được 2 triệu chữ ký và trình kết quả xem xét sơ bộ lên Bộ Tư pháp. Theo Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Prạ-cha, về mặt nguyên tắc sẽ không có chuyện cố tình ngăn cản, trì hoãn việc ân xá nên sau khi chính thức tiếp nhận vụ việc, Bộ Tư pháp sẽ thành lập ủy ban xem xét để kiểm tra thận trọng, rõ ràng từng chi tiết theo luật pháp và có ý kiến đánh giá chính xác để trình lên Văn phòng Thủ tướng và sau đó xin Nhà Vua ân chuẩn.

Trước sự việc trên, Văn phòng Thư ký Hoàng gia đã đưa tin rào trước vụ việc, nêu rõ việc đệ trình xin sắc lệnh ân xá cần tuân thủ đạo luật Hoàng gia năm 2007, trong đó đề cập rõ, đối tượng ân xá phải chịu sự kiểm soát của chính quyền hoặc bị quản thúc tại địa điểm do tòa án hay chính quyền quy định (nghĩa là phải có thời gian thụ án). Do vậy, nếu đối tượng không thuộc phạm vi luật định trên thì không nên đệ trình xin sắc lệnh ân xá.

Chủ tịch đảng Dân chủ A-bị-xịt cũng lên tiếng phản đối, cho rằng về mặt nguyên tắc từ trước đến nay, đối tượng trốn tội không thuộc diện được xem xét ân xá và Chính phủ của bất kỳ đảng phái nào cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc này. Do vậy, Dinh-lắc nên công tâm, chính trực trên cương vị chứ không nên hành động vì lợi ích của phe cánh. Thời đảng Dân chủ đương quyền, tuy cũng có một số trường hợp trốn tội xin được ân xá nhưng các cơ quan pháp lý từ dưới lên trên của Chính phủ không hề phá luật, không chấp nhận xem xét như thời Chính phủ hiện nay.

Tuy nhiên, một số ý kiến từ phía Chính phủ, đặc biệt là của Chạ-lởm, người được Thủ tướng Dinh-lắc ủy nhiệm về vấn đề này cho rằng, không có luật cấm đối tượng trốn án xin ân xá, cũng như không có luật quy định phải ngồi tù bao lâu mới được xin ân xá và quyết định cuối cùng là do Nhà Vua, không có quy định trường hợp xem xét ân xá cụ thể. Do vậy, vấn đề này vẫn đang được Chính phủ xúc tiến theo quy trình, vấn đề còn lại là do Nhà Vua quyết định.

Theo nhận định của giới học giả Thái Lan không nên tranh cãi đúng sai của vấn đề này mà điều quan trọng là lãnh đạo đảng Vì nước Thái đã từng nhiều lần tuyên bố nếu thắng cử sẽ coi trọng vấn đề hòa giải dân tộc và không xúc tiến mọi vấn đề cá nhân, không lấy đó là vấn đề quan trọng cần nhanh chóng thực hiện. Do đó, nếu mới chỉ cầm quyền chưa đầy 1 tháng mà đã đưa ra vấn đề làm nảy sinh mâu thuẫn thì uy tín của Chính phủ sẽ sụt giảm và khó có thể vãn hồi. Nếu không muốn mắc phải sai phạm nghiêm trọng, Chính phủ cần chứng minh hành động của mình không phái là vì quyền lợi cá nhân của Thặc-xỉn. Đồng thời, Dinh-lắc trên cương vị Thủ tướng cần thể hiện vai trò của mình đối với các lời lẽ phát biểu của cấp dưới về mọi vấn đề không đúng theo nguyên tắc, luật pháp và gây nhiều ảnh hưởng, hệ lụy chính trị./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực