Đức, Pháp tăng trưởng chậm đe dọa Eurozone

Thứ năm, 01/09/2011 15:43

(ĐCSVN) - Theo giới phân tích, đà tăng trưởng GDP chậm lại của Đức và Pháp trong quý 2/2011 là mối đe dọa mới đối với toàn bộ khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vốn chưa tìm ra các biện pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày càng nghiêm trọng.

Theo các số liệu chính thức công bố tuần qua, tăng trưởng GDP của Eurozone trong quý 2/2011 chỉ đạt 0,2%, trong đó kinh tế Đức chỉ đạt mức tăng yếu ớt 0,1% và kinh tế Pháp hầu như không tăng trưởng. Vốn chiếm 50% GDP của Eurozone, Đức và Pháp rất tích cực trong nỗ lực giải cứu nền kinh tế Eurozone kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực xuất hiện cách đây hai năm. Các chỉ số kinh tế ảm đạm của Đức và Pháp cho thấy, kinh tế Eurozone đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái mới. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Vê-ni-dê-lốt cho biết, kinh tế nước này có thể sẽ giảm 4,5% trong năm nay.

Nhà kinh tế En-ga Bát của Morgan Stanley cho rằng, Eurozone đang đối mặt với nguy cơ suy thoái thực sự, do một loạt nhân tố bất ổn, như: Nhu cầu toàn cầu yếu hơn, các ngân hàng siết chặt tín dụng hơn, những kế hoạch thắt lưng buộc bụng của các chính phủ, giá hàng hoá cao, đồng Ơ-rô tăng giá quá mức và lãi suất cao hơn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo bà En-ga Bát, những số liệu ảm đạm cho thấy, Đức và Pháp không còn là đầu tàu tăng trưởng thúc đẩy Eurozone và nguy cơ khối này đứng trước một “cú sốc” khác là không hề nhỏ.

Các gói cứu trợ cho Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha đang khiến chính phủ các nước giàu có hơn ở châu Âu rơi vào tình trạng căng thẳng, trong khi ECB không có khả năng in tiền để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Trong cuộc họp mới đây, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã bác bỏ khả năng phát hành các trái phiếu bằng đồng Ơ-rô để có thêm tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các gói cứu trợ kinh tế. Đây là nỗi thất vọng lớn cho các nhà đầu tư. Chuyên gia Chít - Lâu của tập đoàn tài chính FTN nói: “Chúng tôi cần một giải pháp có ý nghĩa hơn từ châu Âu. ECB không được trang bị để tự giải quyết cuộc khủng hoảng nợ này”. Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu vẫn đang phải chịu sức ép cắt giảm thâm hụt ngân sách, chủ yếu thông qua giảm chi tiêu.

Trong một diễn biến khác, ECB cho hay, đã mua tổng cộng 14,29 tỷ Ơ-rô trái phiếu của các chính phủ trong khu vực trong tuần qua, như một phần trong nỗ lực xoa dịu cuộc khủng nợ vốn cũng đang đe dọa cả I-ta-li-a và Tây Ban Nha. Đợt mua trái phiếu mới nhất này đưa tổng cộng số tiền mua trái phiếu chính phủ của ECB lên tới 110,5 tỷ Ơ-rô. Trước đó, ECB cũng đã mua con số kỷ lục 22 tỷ Ơ-rô trái phiếu của các chính phủ châu Âu./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực