(ĐCSVN) – Hạn hán và sa mạc hóa được xem là thảm họa của thiên nhiên, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới đời sống con người. Diễn biến ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua càng ngày càng cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên trái đất.
Cộng đồng quốc tế từ lâu đã nhận thấy hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề rất rộng, liên quan tới cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1977, Hội nghị về sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCOD) đã thông qua một kế hoạch hành động chống sa mạc hóa (PACD). Tuy nhiên, theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào năm 1991, thoái hóa đất vẫn gia tăng ở các khu vực khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn. Vì vậy, chống sa mạc hóa vẫn là một vấn đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc (UNCED) tại Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992. Hội nghị đã nhất trí thông qua một phương pháp tiếp cận đa ngành mới, tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở cấp cộng đồng, đặc biệt là thông qua Công ước chống sa mạc hoá (UNCCD).
Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 17/6 hàng năm để kỷ niệm Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán, đánh dấu ngày thông qua Công ước chống sa mạc hóa. Ngày kỷ niệm này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng xung quanh các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa và khuyến khích thực hiện UNCCD tại các quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi hạn hán và hoặc sa mạc hóa, đặc biệt là ở châu Phi.
|
Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng tới canh tác nông nghiệp. (Ảnh: Hải Lê) |
Sa mạc hóa – vấn đề mang tính toàn cầu
Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc xác định hạn hán là suy thoái đất trong các khu vực khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn. Trong những năm gần đây, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Hạn hán bắt nguồn từ biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm hiện tượng sa mạc hóa.
Theo số liệu của Liên hợp quốc:
* 2,6 tỷ người phụ thuộc và nông nghiệp, nhưng 52% diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp bị suy thoái vừa hoặc nghiêm trọng;
* Suy thoái đất tác động tới 1,5 tỷ người trên thế giới;
* 30% diện tích đất khô cằn đang bị sa mạc hóa;
* Do hạn hán và sa mạc hóa, mỗi năm, 12 triệu hecta đất bị mất, tương đương 23 hecta mỗi phút;
* 74% người nghèo bị trực tiếp tác động bởi suy thoái đất ở phạm vi quốc tế. |
Các bên tham gia UNCCD đều nhận thức rất rõ về nguy cơ sa mạc hóa và thấy rằng sa mạc hóa là vấn đề có qui mô toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi vùng trên trái đất và cộng đồng thế giới cần phải có hành động chung để chống sa mạc hóa. Các bên đều có cái nhìn rõ rằng rằng sa mạc hóa là do nhiều nhân tố tác động như lý học, sinh học, chính trị, xã hội, kinh tế gây ra; nhận thức rõ tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển xã hội và xóa đói giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên của các nước đang phát triển bị sa mạc hóa.
Sa mạc hóa ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, trong đó nhấn mạnh đến khía cạnh môi trường và sinh kế của người dân; dẫn đến hậu quả làm mất các thảm thực vật, sa mạc hóa khiến cho các đồng bằng bị ngập lũ, dẫn đến đất bị xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của các sông và hồ.
Ngoài ra, trong một phân tích kinh tế được công bố hồi tháng 4 vừa qua, Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc cảnh báo rằng tình trạng thoái hóa đất hiện nay gây thiệt hại 490 tỉ USD mỗi năm và làm mất một diện tích đất gấp ba lần diện tích đất nước Thụy Sĩ. Thoái hóa đất và hạn hán đang cản trở sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Đây là thách thức mà các chính phủ cần xem xét một cách nghiêm túc.
Vòng tròn luẩn quẩn: Nghèo đói và sa mạc hóa
Những người nghèo sống ở vùng đất khô cằn đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Mất thu nhập, mất an ninh lương thực, sức khỏe suy yếu và các vụ mùa bất ổn. Thêm vào đó, họ thường buộc phải di chuyển đến các khu vực không bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Các phương tiện sinh nhai của hơn 1 tỷ người sinh sống trong hơn 100 quốc gia đang bị đe dọa bởi sa mạc hóa. Đây là những người dân nghèo nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội, sống trong các khu vực dễ bị tác động nhất và có thể bị tác động nghiêm trọng nhất bởi tình trạng sa mạc hóa. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, nhìn chung, chất lượng cuộc sống của những người dân trong các khu vực hạn hán thấp hơn rất nhiều so với của những người dân ở các hệ sinh thái khác. Ví dụ, so sánh với các hệ sinh thái khác, tỷ lệ tử vong ở trẻ em trong các khu vực khô hạn cao hơn và tổng sản phẩm quốc nội cũng ít hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các khu vực khô hạn nuôi sống người dân ở mức độ thấp hơn là những khu vực khác.
Trong khi đó, các áp lực kinh tế lại có thể dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đất. Bắt nguồn từ nghèo đói buộc những người dân có sinh kế phụ thuộc vào đất phải khai thác quá mức nguồn tài nguyên này để có thức ăn, nơi ở và có nguồn năng lượng cũng như thu nhập. Sa mạc hóa vì vậy vừa là nguyên nhân lại vừa là hệ quả của đói nghèo. Nghèo đói dẫn tới sa mạc hóa và ngược lại sa mạc hóa cũng đẩy người dân tới đói nghèo.
|
Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán được kỷ niệm hàng năm vào ngày 17/6 (Ảnh: UNCCD) |
Chủ đề 2013: “Đừng tát cạn tương lai của chúng ta”
Không ai có thể phủ nhận rằng nước ngọt là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trên toàn cầu, chỉ có 2,5% tổng lượng nước có sẵn là nước ngọt. Trong đó, các hệ sinh thái và con người chỉ có thể sử dụng dưới 1% lượng nước ngọt này. Khi nhu cầu về nước vượt quá nguồn cung cấp sẵn có thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước. Các khu vực khô cằn đặc biệt dễ bị thiếu nước.
Trước thực tế rõ ràng này, Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2013 được kỷ niệm nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ xảy ra hạn hán và khan hiếm nước trong các khu vực khô cằn và xa hơn nữa; thu hút sự chú ý của cộng đồng đến tầm quan trọng của việc duy trì chất lượng đất trong khuôn khổ các mục tiêu được xác định tại Hội nghị Rio +20, cũng như những mục tiêu được xác định cho giai đoạn hậu – 2015 về phát triển bền vững.
Khẩu hiệu của năm nay "Đừng tát cạn tương lai của chúng ta" khuyến khích mọi người cùng hành động để ứng phó với tình trạng khan hiếm nước, sa mạc hóa và hạn hán. Khẩu hiệu được đưa ra năm nay đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta cùng chịu trách nhiệm về việc bảo tồn đất và nước; sử dụng bền vững hai nguồn tài nguyên này; và có giải pháp cho những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới hai nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Suy thoái đất sẽ không thể đe dọa tương lai của chúng ta.
Trong thông điệp được đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: Với lời kêu gọi "Đừng để hạn hán cướp đi tương lai của chúng ta", Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm nay tập trung vào các nguy cơ mà hạn hán và tình trạng thiếu nước gây ra trên hành tinh. Các tổn thất xã hội, chính trị và kinh tế mà hạn hán gây ra được thể hiện rõ từ Uzbekistan tới Brazil, từ Sahel đến Australia. Vào tháng 5, Namibia đã ban bố cảnh báo quốc gia về hạn hán bởi vì 14% dân số nước này đã rơi vào tình trạng bất ổn lương thực. Trong năm 2012, Mỹ đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm qua, 80% đất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng. Trong năm 2011, hạn hán ở vùng Sừng châu Phi – tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 90 – đã khiến gần 13 triệu người bị ảnh hưởng.
Trong 25 năm qua, thế giới đã trở nên dễ bị hạn hán hơn và các cuộc khủng hoảng do hạn hán liên tục đe dọa sẽ lan rộng, nghiêm trọng và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Những tác động trong dài hạn của hạn hán đối với các hệ sinh thái ngày càng trở nên sâu sắc; suy thoái đất và sa mạc hóa đang tăng tốc với mức độ ngày càng đáng lo ngại. Hậu quả của tất cả các hiện tượng này bao gồm không ít tổn thất kinh tế và nguy cơ xảy ra xung đột giữa các địa phương xung quanh nguồn nước và đất sản xuất.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, rất khó để tránh được hạn hán song chúng ta có thể giảm nhẹ được những ảnh hưởng của hiện tượng này. Hạn hán không phân biệt biên giới giữa các quốc gia quốc gia, vì vậy yêu cầu cần có những phản ứng tập thể. Thực tế đã cho thấy chi phí của việc chuẩn bị ứng phó là rất nhỏ so với chi phí cứu trợ thiên tai. Chính vì vậy, chúng ta cần chuyển từ việc giải quyết các cuộc khủng hoảng sang chuẩn bị để ứng phó với hạn hán và tăng cường khả năng thích ứng với hiện tượng này, bằng cách thực hiện đầy đủ các kết quả của Hội nghị cấp cao về chính sách để chống hạn hán tại Geneva vào tháng 3 vừa qua.
“Trong Ngày thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm nay, tôi khích lệ cộng đồng quốc tế cùng đáp lại lời kêu gọi được đưa ra hồi năm ngoái tại Hội nghị Rio+20 về phát triển bền vững để ngăn chặn và giảm thiểu suy thoái đất. Bảo tồn vùng đất khô cằn, chúng ta có thể bảo vệ được nguồn tài nguyên nước cần thiết, bảo đảm thực phẩm và an ninh dinh dưỡng, và giảm đói nghèo cùng cực”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Chống sa mạc hóa là quá trình phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực của các tổ chức, cơ quan và tất cả mọi người dân trên thế giới. Điều cốt lõi là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về vấn đề quan trọng này, từ đó có định hướng hành động phù hợp, hiệu quả để bảo đảm môi trường sống an toàn, bền vững trên khắp hành tinh./.