EU - Bê-la-rút “ăn miếng trả miếng”
Thứ hai, 05/03/2012 15:12 (GMT+7)
Giữa Bê-la-rút và Liên minh châu Âu (EU) đã bùng nổ xung đột ngoại giao gay gắt khi ngày 28-2, EU đã triệu hồi tất cả 27 đại sứ của các nước thành viên tại Bê-la-rút về nước để tham vấn. Hành động này của EU nhằm đáp trả việc Bê-la-rút trước đó đã triệu hồi đại sứ nước này tại EU và Ba Lan về nước. Các động thái trả đũa lẫn nhau giữa EU và Bê-la-rút này xảy ra sau khi EU tuyên bố các lệnh cấm vận mới nhất chống lại Bê-la-rút liên quan tới vấn đề nhân quyền của nước này.
Trong một thông báo ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Bê-la-rút nêu rõ hành động của họ là nhằm đáp trả việc EU áp đặt gói biện pháp trừng phạt mới chống Bê-la-rút. Đồng thời, Bê-la-rút yêu cầu Đại sứ Ba Lan và Trưởng phái đoàn EU tại Bê-la-rút về nước để thông báo cho lãnh đạo của mình về lập trường cứng rắn của Min-xcơ đối với việc Brúc-xen gây áp lực và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Bê-la-rút. Thông báo nêu rõ nếu EU tiếp tục gây áp lực đối với Bê-la-rút, nước này sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình. Theo RIA Novosti, Bê-la-rút cho rằng các hành động ép buộc và trừng phạt của EU là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Mác-tin Xchun-dơ (Martin Schultz) cho rằng, quyết định triệu hồi đại sứ tại Ba Lan và EU của Bê-la-rút là “một hành động thù địch”.
|
Trụ sở Hội đồng châu Âu tại Xtra-xbua (Pháp). Hội đồng châu Âu đã nhất trí đưa thêm 21 quan chức Bê-la-rút vào “danh sách đen”. Ảnh: RIA Novosti. |
Hội đồng EU trước đó đã bỏ phiếu nhất trí đưa thêm 21 quan chức Bê-la-rút vào danh sách gồm 200 quan chức nước này bị cấm nhập cảnh vào châu Âu do "vi phạm nhân quyền", đồng thời đóng băng tài sản của họ. Hiện hơn 230 quan chức cấp cao Bê-la-rút, trong đó có Tổng thống A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sen-cô (Alexander Lukashenko), có tên trong bản “danh sách đen” này của EU. Các lệnh trừng phạt của EU nhằm ngăn chặn các hành động mà họ cho là trấn áp phe đối lập chính trị của chính quyền Bê-la-rút.
Đáp lại, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bê-la-rút An-đrây Xa-vi-ních cho biết, nước này cũng đưa ra lệnh cấm nhập cảnh vào nước này đối với các quan chức EU đã góp phần trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt mới. Ông tuyên bố, Bê-la-rút đã nhiều lần giải thích rằng chính sách ép buộc mở rộng của EU sẽ không đưa lại triển vọng gì trong quan hệ với Bê-la-rút. Song Hội đồng châu Âu đã cho thấy họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đó.
Mỹ đã bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Bê-la-rút triệu hồi đại sứ tại Ba Lan và EU về nước cũng như yêu cầu Trưởng phái đoàn EU và Đại sứ Ba Lan rời Min-xcơ. Mỹ cho rằng, những hành động này, cũng tương tự như quyết định trục xuất đại sứ Mỹ tại Bê-la-rút hồi năm 2008 và đóng cửa Văn phòng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Min-xcơ vào tháng 3-2011, chỉ khiến Bê-la-rút tự cô lập hơn nữa.
Trước đó, Bê-la-rút từng trục xuất các nhà ngoại giao nước ngoài và áp dụng các chiến lược gây sức ép khác nhằm trừng phạt các cường quốc bên ngoài đang nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Năm 2008, Bê-la-rút đã trục xuất Đại sứ Mỹ. Đại sứ quán Mỹ tại Bê-la-rút hiện nay do đại biện lâm thời phụ trách.