Tiếp sau năm 2011, năm 2012 sẽ tiếp tục là năm của châu Âu vì lý do buồn là khu vực chưa thoát ra khỏi các cuộc khủng hoảng chồng chất.
Về kinh tế, khu vực đồng Euro có vẻ như đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là khó khăn đã hết.
2011 có thể coi là năm mà các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu phải hứng chịu đợt khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đỉnh điểm của cơn hoảng loạn là khi Italy, nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực gánh món nợ hơn 1.900 tỷ euro đứng trước bờ vực phá sản.
|
Các cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp ở các nước EU. |
Vật vã với gần một chục cuộc họp thượng đỉnh mang điệp khúc “cơ hội cuối cùng”, khu vực đồng Euro rốt cục cũng đã tạm thoát khỏi thời điểm hiểm nghèo nhất khi 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), trừ nước Anh, đồng ý ký vào một thỏa ước Liên minh mới vào cuối tháng 11/2011, trong đó siết chặt các quy định về quản trị tài chính công và đề ra những biện pháp trừng phạt tự động và nghiêm khắc với các thành viên vượt quá rào cản thâm hụt ngân sách 3%.
Vấn đề của khu vực đồng Euro trong năm 2012 là cách biến thỏa ước đó thành những hành động cụ thể, trong đó nổi bật là chính sách đánh thuế vào các giao dịch tài chính và việc sớm đưa vào hoạt động “Cơ chế ổn định châu Âu” trước khi kết thúc quý II năm 2012 nhằm tăng sức mạnh của khối trong việc cứu trợ các thành viên khủng hoảng.
Đó là một cuộc chạy đua không đơn giản với thời gian trong bối cảnh 2 nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp chưa thuyết phục được các thành viên khác hoàn toàn đồng ý với những giải pháp này, và vì thế, bức tranh kinh tế 2012 của khu vực đồng euro vẫn rất xám xịt.
Trong các dự báo đưa ra đầu năm 2012, cả 2 định chế tài chính hàng đầu thế giới là Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều đánh giá khá bi quan về tốc độ hồi phục của khu vực đồng euro. IMF dự báo 2 nền kinh tế đầu tàu của khu vực đồng euro là Đức và Pháp đều sẽ tăng trưởng rất chậm trong năm 2012, với Đức là 0,3% và Pháp là 0,2%. Các nước đang trong tâm bão nợ công sẽ tiếp tục tăng trưởng âm, với Italy là -2,2%, Tây Ban Nha là -1,7%, kéo theo mức tăng của toàn bộ các nền kinh tế khu vực đồng euro trong năm 2012 sẽ là -0,5%.
|
Các nước EU đang trong tâm bão nợ công sẽ tiếp tục tăng trưởng âm. |
Dự báo của WB thậm chí còn bi quan hơn với nhận định kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái và khu vực đồng euro sẽ vẫn là nơi khủng hoảng nặng nề nhất.
Những nguồn lực tăng trưởng chưa rõ ràng nhưng mầm mống lún sâu hơn vào khủng hoảng thì vẫn hiện diện rõ nét. Đầu năm 2012, 10 quốc gia châu Âu, trong đó có cả Pháp, đồng loạt bị hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor hạ bậc tín nhiệm.
Việc đánh mất những chữ A quý giá đồng nghĩa với việc các nước này sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn trên thị trường tài chính và như một cái vòng luẩn quẩn, các chính phủ sẽ lại tăng thuế, thắt chặt chi tiêu, dẫn đến tăng trưởng bị bóp nghẹt, thất nghiệp tràn lan và lại đối mặt với nguy cơ bị hạ tín nhiệm lần nữa. Những tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục trên 10% ở Pháp hay thậm chí đến 21,52% ở Tây Ban Nha được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012 lên mức 12% với Pháp và 23,4% với Tây Ban Nha.
Cuối cùng, điều nguy hiểm nhất với các nền kinh tế châu Âu là khi khủng hoảng kéo dài, mâu thuẫn xã hội sẽ bùng nổ và các chính sách bảo hộ sẽ quay trở lại, đe dọa xóa sạch thành quả của vài thập kỷ xây dựng thị trường chung, thậm chí có khả năng đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của đồng euro. Việc một số địa phương ở Tây Ban Nha, Pháp… lưu hành trở lại các đồng tiền cũ peseta và francs dù chỉ là cá biệt nhưng lại là lời cảnh báo nghiêm túc cho nguy cơ đó.
Về chính trị, sự đổi màu trên chính trường châu Âu là điều tất yếu khi dân chúng phẫn nộ trước hậu quả của khủng hoảng kinh tế và quyết định thay đổi người điều hành.
Có 2 xu hướng nổi lên trong những sự đổi màu này, đầu tiên là việc xuất hiện của các chuyên gia kinh tế, hay nói cách khác là những nhà kỹ trị, ở vị trí cầm quyền, như Thủ tướng Italy Mario Monti hay Thủ tướng Hy Lạp, Papademos và thứ hai, là việc ngả sang các đảng cánh hữu vốn đề cao tính bảo hộ cực đoan, vốn luôn được lòng người dân trong thời điểm khủng hoảng, như tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Phần Lan.
|
Thủ tướng Đức Merkel cùng Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Italy Monti. |
Sự thay đổi sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2012, đặc biệt với cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp, một trong 2 đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu. Ở thời điểm chỉ còn 3 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử vòng 1, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn đang yếu thế trước các đối thủ cạnh tranh. Cuộc thăm dò mới nhất vào ngày 25/1/2012 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy dậm chân tại chỗ, đứng thứ 2 sau ứng cử viên Đảng Xã hội Francois Hollande và đang bị bám riết bởi các đối thủ phía sau là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen và ứng cử viên trung dung Francois Bayrou. Rất nhiều chuyên gia nhận định một sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi trên chính trường Pháp sau vài tháng nữa.
Những thay đổi ở từng quốc gia thành viên sẽ tác động đến chính sách của toàn Liên minh. Một nhà lãnh đạo mới của Pháp, nếu không phải là ông Sarkozy, có thể sẽ xem xét lại một loạt các chính sách mà bộ đôi Sarkozy-Merkel đã thiết kế cho toàn bộ Liên minh trong năm 2011, như việc sửa đổi Hiệp ước EU hay việc đẩy nhanh quá trình thực hiện đánh thuế giao dịch tài chính…
Đó là chưa kể, với chế độ hiện nay của liên minh, chỉ cần một thành viên bỏ phiếu không ủng hộ, như cách Slovakia từng làm với kế hoạch cứu trợ hồi tháng 10/2011, hay việc nước Anh tự loại mình ra khỏi Hiệp ước mới của EU, toàn bộ kế hoạch của khối có nguy cơ đổ bể. Để tránh cho điều đó diễn ra, xây dựng Liên minh châu Âu mới với những ràng buộc chặt chẽ và cơ chế hoạt động hiệu quả hơn là một nhiệm vụ khó khăn mà EU buộc phải thực hiện thành công./.