(ĐCSVN)- Vừa qua, tờ ''Ô-xtrây-li-a cuối tuần” dẫn phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Rô-bớt Dô-ê-lích cho biết, các nước phát triển đã sử dụng tất cả những biện pháp chính sách tài chính có thể và những chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng chưa mang lại hiệu quả. Nợ công của EU đang là mối lo toàn cầu; có thể trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với kinh tế thế giới.
Cùng với các biện pháp chính sách ''thắt chặt tiền tệ, khắc khổ'', các nước EU cho rằng, bài toán tháo gỡ nợ công hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu, dùng ngoại thương thúc đẩy kinh tế và giải quyết việc làm. Bởi vậy, EU đưa ra chiến lược mang tên ''Ngoại thương, tăng trưởng và vấn đề toàn cầu'' trong thời gian 5 năm tới. Nội dung chủ yếu của Chiến lược này là làm sao thúc giục các doanh nghiệp tìm cách vươn ra thị trường thế giới, nhất là thị trường của các thực thể kinh tế mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Các doanh nghiệp phải tìm mọi cách đưa hàng của EU đến nhiều thị trường, đồng thời hạn chế tới mức tối đa hàng hóa các nước tràn vào thông qua các biện pháp như đẩy mạnh hơn nữa hàng rào thuế quan đối với hàng hóa giá rẻ của các nước như Trung Quốc, khuyến khích người EU dùng hàng EU.
Theo số liệu thống kê của EU, từ tháng 1 tới tháng 7.2011, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đạt gần 319 tỷ USD khiến các doanh nghiệp EU “không thể ngóc đầu dậy''. Bởi vậy, ngăn chặn hàng hóa giá rẻ nước ngoài là một biện pháp quan trọng của chiến lược ngoại thương nhằm ''đẩy hàng ra bên ngoài, ngăn hàng tràn vào bên trong'' của EU. Tờ Spiegel của Đức cho biết, các nước thành viên EU quyết định kể từ tháng 9.2011 sẽ tiếp tục nâng cao mức thuế quan đối với hàng hóa của một số nước, nhất là đối với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.
Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế châu Âu của Trung Quốc, bà Diêu Linh cho rằng, việc EU thực hiện chiến lược ngoại thương trên xuất phát từ các nguyên nhân. Một là, cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến kinh tế tài chính EU suy giảm nghiêm trọng, nợ công tràn ngập, nên chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ''ngóc đầu dậy''. Hai là, cán cân thương mại của EU đối với một số nước, nhất là các nước mới trỗi dậy thời gian qua bất lợi cho EU, bởi vậy việc ngăn chặn hàng hóa các nước tràn vào thị trường EU là điều dễ hiểu. Ba là, về mặt tâm lý, chính sách này làm giảm được bất bình của dân chúng, đồng thời ép các nước phải mở cửa thị trường cho hàng hóa EU.
Bà Diêu Linh cho biết, hàng hóa Trung Quốc sẽ là ''nạn nhân'' hàng đầu của chiến lược này. Theo bà, trong tình hình khủng hoảng nợ công vẫn nghiêm trọng, EU càng ráo riết thực hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Chính vì vậy, chiến lược của EU sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, cần đặt quan hệ buôn bán Trung Quốc - EU trong bối cảnh chung của thế giới và Bắc Kinh không thể có phản ứng thái quá./.