EU: Lãnh đạo mới, thách thức cũ

Thứ năm, 04/09/2014 11:32

(ĐCSVN) - Ngày 30/8, tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã lựa chọn Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vào vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) và Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini vào vị trí Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, thay cho ông Herman Van Rompuy và bà Catherine Ashton sẽ hết nhiệm kì vào tháng 10 và tháng 11 tới. Dư luận đang quan tâm và đặt câu hỏi: Liệu tân lãnh đạo có tân chính sách để giải quyết những thách thức lớn của châu Âu?

Từ ổn định kinh tế…

Theo giới chức EU, nhóm lãnh đạo mới này sẽ phải đối mặt với các thách thức về ổn định kinh tế, vấn đề Ukraine và việc nước Anh rời khỏi liên minh… Những thách thức nêu trên sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu các nhà lãnh đạo mới không đưa ra được quyết sách có tính đột phá, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào sự lãnh đạo của Mỹ.

Báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý 2/2014 đã chững lại, trong khi các nền kinh tế “đầu tàu” là: Đức, Pháp và Italy cũng đang đình trệ và suy giảm.

Trong các nền kinh tế hàng đầu Eurozone thì Đức và Italy đều sụt giảm ở mức 0,2%, còn kinh tế Pháp không có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Việc mất cân bằng xuất - nhập khẩu, ngoại thương, đầu tư và xây dựng yếu kém khiến GDP của Đức trong quý 1/2014 chỉ tăng 0,2%, thấp hơn mức dự báo.

Kinh tế Pháp tiếp tục trì trệ, nợ công vẫn cao hơn 3% theo quy định của EU. Italy nợ công đã đạt mức cao kỷ lục 2.168 tỷ euro tính đến cuối tháng 6, tương đương 134% GDP. Italy là nước có mức nợ công đứng thứ hai, sau Hy Lạp (174% GDP).

Tuy nhiên, theo giới quan sát, tỷ lệ lạm phát của Eurozone cũng đã chậm lại, chỉ còn 0,4% trong tháng 7 so với mục tiêu dưới 2% đã đề ra. ECB dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Eurozone cả năm 2014 ước đạt 1% và năm 2015 là 1,7%.

Kinh tế Đức có thể tăng trưởng trở lại trong quý 3/2014, với mức 1,9% năm 2014 và 2% năm 2015. Công nghiệp của Italy trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng ở mức 0,4%. Kinh tế Anh được dự báo tăng 3,5% năm 2014 và 3% năm 2015. Hy Lạp có thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2014.

… Đến giải pháp cho tình hình Ukraine

Phát biểu trong buổi họp báo ngày 30/8 sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tại Brussels, Tổng thống Ukraine Poroshenko bày tỏ hy vọng, cuộc đối đầu quân sự tại miền Đông nước này có thể chấm dứt vào đầu tháng 9. Ông Poroshenko cho biết, sẽ có kế hoạch hòa bình dành cho phía Đông, sau khi thảo luận với OSCE.

Ông Poroshenko nói: “Chúng tôi trông đợi tuần tới sẽ chứng kiến tiến triển thực sự trong các cuộc đàm phán hòa bình. Quả thực chúng ta đang tiến rất gần tới điểm không thể quay lại. Mỗi bên trong cuộc xung đột cần có trách nhiệm và hãy không châm ngòi cho cuộc chiến mới ở châu Âu”.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã đề nghị EC soạn thảo những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong vòng một tuần, ông Van Rompuy cho biết: “Hội đồng châu Âu khẳng định sẵn sàng áp dụng những bước đi đáng kể tiếp theo và hối thúc EC thực hiện công tác chuẩn bị cấp bách, đưa ra các đề xuất trong vòng một tuần” để cho các chính phủ EU xem xét.

Bà Federica Mogherini - người vừa được tiến cử thay vị trí Trưởng Uỷ ban chính sách đối ngoại của EU, trong bài phát biểu của mình đã thừa nhận rằng, thách thức với châu Âu là “vô cùng lớn”. Chỉ riêng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, quan điểm của các nước châu Âu hiện cũng có sự chia rẽ trong cách thức đối phó với Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các lệnh trừng phạt mới sẽ được thực thi trong trường hợp Nga không thay đổi sự can thiệp vào Ukraine. Dù vậy, bà Merkel vẫn khẳng định, giải pháp quân sự vẫn chưa được tính đến.

Còn theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine “không còn thời gian để lãng phí”. Tổng thống Lithuania, Dalia Grybauskeite cho rằng: Thực tế, Nga “đang thực hiện cuộc chiến tranh với châu Âu”, rằng “chúng ta cần ủng hộ Ukraine, gửi thiết bị quân sự để giúp Ukraine tự vệ”. Tuy nhiên, Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb lại cho biết, châu Âu nên hướng tới một kế hoạch hòa bình cho Ukraine.

Bà Federica Mogherini cũng khẳng định, sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thay vào đó, các bên cần thúc đẩy tiến trình đàm phán ngoại giao. Nhà Trắng cũng đã lên tiếng hoan nghênh động thái của châu Âu khi cho rằng, đây là sự ủng hộ mạnh mẽ của châu Âu đối với Ukraine trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Và, vẫn còn những ý kiến khác nhau…

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng của giới đầu tư, khiến nhiều ý kiến lo ngại các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau giữa Nga và EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của Eurozone.

Nhà kinh tế Evelyn Herrmann thuộc BNP Paribas, cảnh báo nguy cơ suy giảm của kinh tế Eurozone sẽ cao hơn trong quý 3/2014, chủ yếu do tình hình căng thẳng địa chính trị. Lệnh cấm nhập khẩu nông sản thực phẩm do Nga đưa ra, khiến các nước nhỏ ở châu Âu đã và đang bị tác động nghiêm trọng vì nền nông nghiệp của họ vốn phụ thuộc vào thị trường Nga.

Theo ước tính, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là: Ba Lan, Latvia, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Bỉ với con số thiệt hại đã hơn 5 tỷ euro, còn tổng thiệt hại của EU có thể lên tới hơn 12 tỷ euro.

Theo các chuyên gia, căng thẳng Nga - Ukraine là một trong những yếu tố chính khiến tăng trưởng kinh tế của Eurozone có thể trở về mức 0%, bởi tâm lý các nhà đầu tư trở nên bất an trước những lệnh cấm vận lẫn nhau giữa Nga - EU đã và đang được thực hiện.

Ông Jam Lambregts - Trưởng ban Kinh tế toàn cầu tại Rabo Bank cho rằng, chính những nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ những biện pháp kể trên của Nga và phương Tây. Chỉ số niềm tin kinh tế của Đức trong tháng 8 đã giảm từ 27,1 điểm xuống còn 8,6 điểm, mức thấp nhất trong 20 tháng qua.

Như vậy, gánh nặng khủng hoảng kinh tế, chính trị châu Âu đang đặt lên vai các nhà lãnh đạo mới. Thách thức đối với việc phục hồi và phát triển của EU là rất lớn. Dư luận đang kỳ vọng vào nhóm lãnh đạo mới có thể đưa ra những quyết sách mới, nhằm đưa Liên minh này ra khỏi cuộc khủng hoảng đã quá kéo dài. Tuy nhiên, việc trả lời cho câu hỏi: Tân lãnh đạo liệu có tân chính sách không? vẫn còn đang ở phía trước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực