Eurobond có trở thành giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu?

Thứ hai, 30/07/2012 10:33

 

Châu Âu còn nhiều bất đồng xung quanh giải pháp
phát hành Eurobond (Ảnh: Reuters)

(ĐCSVN)Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải tìm ra giải pháp kỳ diệu để tái khôi phục nền kinh tế châu lục vốn được đánh giá là đang trên đà lao dốc dữ dội. Giải pháp được lựa chọn có thể là phát hành trái phiếu chung của toàn khối – Eurobond, thay cho trái phiếu chính phủ của từng nước.

Cho tới thời điểm hiện tại, các chi tiết cụ thể của kế hoạch khôi phục kinh tế châu Âu vẫn chưa được kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, điều cốt lõi hay nguyên tắc chung của kế hoạch này sẽ vẫn là thu thập các khoản nợ của các chính phủ thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Sẽ có thể giảm bớt điều kiện vay vốn cho các chính phủ trong khi hiện họ phải trả tỷ lệ lãi suất rất cao.

Ý tưởng về Eurobond - loại trái phiếu được chính phủ tất cả các nước thành viên Eurozone hậu thuẫn đã xuất hiện từ năm 2010 với quan điểm cho rằng, Eurozone cần phải chịu trách nhiệm chung về tình trạng nợ nần của các quốc gia thành viên. Khi nhà đầu tư bắt đầu mất niềm tin vào khả năng thanh toán nợ của chính phủ Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và sau đó là Italia, Eurobond được coi là phương thức duy nhất để giúp Eurozone khỏi sụp đổ.

Theo những người ủng hộ Eurobond, khi được phát hành, Eurobond sẽ là kênh đầu tư tuyệt đối an toàn, có thể cạnh tranh với trái phiếu chính phủ Mỹ và giúp các thành viên đang phải vác gánh nặng nợ nần có thể vay được vốn với lãi suất thấp hơn so với khi họ tự phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính. Đặc biệt, trong bối cảnh mà chi phí vay mượn của các nước như: Italia, Hy Lạp và Bỉ đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi Eurozone được thành lập, việc phát hành Eurobond sẽ là một phương cách cần thiết giúp ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của các nước này.

Tuy nhiên, các phương cách quen thuộc thường được sử dụng để đối phó với khủng hoảng như: Cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia và tung tiền cứu nguy, đã không phục hồi được lòng tin của thị trường vào khối Eurozone. Điều này thể hiện trong việc nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ Italia hoặc cổ phiếu của một ngân hàng lớn nhất nước Pháp. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng, nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục lan rộng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không thể tiếp tục mua trái phiếu các nước thành viên có nền kinh tế yếu, thay vào đó buộc phải lựa chọn giữa hai khả năng: Hoặc giải thể Eurozone hoặc tiến tới một liên minh tài khóa toàn diện mà nội dung là thiết lập một cơ chế điều hành trung ương để quản lý các chính sách thuế và chi tiêu của từng quốc gia thành viên, gia tăng sự trợ giúp của các nước giàu cho các nước nghèo và cùng đứng ra vay tiền trên thị trường thông qua việc phát hành một loại trái phiếu chung.

Thêm vào đó, thông thường, trái phiếu quốc gia được định giá dựa vào mức độ ổn định của nền kinh tế. Các nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ trả mức lãi suất thấp và ngược lại, các nước gặp vấn đề về ngân sách, nợ công hay năng lực cạnh tranh kém hơn sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn khi rao bán trái phiếu công ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu áp dụng Eurobond, tất cả nền kinh tế của 17 quốc gia thành viên Euronzone sẽ trung hòa sự khác biệt của từng quốc gia và tạo ra một lãi suất thống nhất. Các nước mạnh và nước yếu hơn sẽ phải cùng chịu sự chi phối lẫn nhau. Giải pháp phát hành Eurobond, vì vậy, bị đánh giá là một con đường “nguy hiểm” không chỉ cho đồng tiền chung châu Âu euro mà còn cả quá trình hội nhập kinh tế của liên minh. Những thành quả không dễ gì có được của những nước giàu lại có thể không được đảm bảo mà phải rơi vào cảnh bấp bênh do chịu sự chi phối của các nền kinh tế yếu hơn. Và, Eurobond sẽ loại bỏ áp lực lên các chính phủ hoang phí phải giải quyết vấn đề tài chính công của họ.

Những tranh cãi vẫn chưa chấm dứt xung quanh giải pháp phát hành Eurobond và kết luận cuối cùng cũng chưa được đưa ra. Người dân châu Âu nói riêng và cả cộng đồng quốc tế vẫn đang tiếp tục chờ đợi ý kiến thống nhất của toàn Eurozone để khôi phục nền kinh tế của khu vực này, tránh tiếp diễn nguy cơ “tuột dốc không phanh”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực