Gắn kết quan hệ Ấn Độ và Nhật Bản

Thứ hai, 14/07/2014 10:57

(ĐCSVN) - Tân Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ “ưu tiên phát triển kinh tế trong nước”, đồng thời, đẩy mạnh chính sách đối ngoại, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản.

Từ sự tương đồng lợi ích…

Ngay sau khi lên nắm quyền, đối tác được tân Thủ tướng Ấn Độ Modi đặc biệt quan tâm trong chính sách kinh tế, đối ngoại là Nhật Bản. Lý do không chỉ giữa Nhật Bản và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược, mà giữa ông Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có nhiều điểm tương đồng, thậm chí, các nhà phân tích đã đặt ra cụm từ "Modinomics" để bắt đầu so sánh với "Abenomics" cho chiến lược phát triển kinh tế toàn diện của ông Modi trong những năm tới.

Sự kết hợp giữa Abenomics và Modinomics sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế của mỗi nước. Theo đó, mục tiêu của hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo và từng bước loại bỏ tình trạng bất ổn, nhưng nhiệm vụ trước mắt của ông Modi là thực hiện cam kết nhanh chóng xóa bỏ tệ nạn tham nhũng trong hệ thống quản lý các cấp của Ấn Độ.

Với nền tảng là mối quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, trong cương lĩnh tranh cử trước cử tri Ấn Độ, ông Modi và ông Abe hứa hẹn sẽ có nhiều chương trình hợp tác mới để thúc đẩy nền kinh tế mỗi nước bằng các hành động quyết đoán và cụ thể hơn.

Theo giới quan sát, ông Abe lên nắm quyền sau những năm bất ổn chính trị đã phản ánh quyết tâm của Nhật Bản khôi phục lại hình ảnh một quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, đồng thời là một đối tác tin cậy ở khu vực Đông Á. Do đó, ông Modi được kỳ vọng sẽ có một chính sách ngoại giao quyết đoán, năng động gần như ông Abe để giúp khôi phục nền kinh tế và an ninh của Ấn Độ.
 
Đến nhu cầu nhân rộng mô hình Gujarat

Mô hình Gujarat (nơi ông Modi lãnh đạo trước đây) không chỉ trở thành một hình mẫu đối với các chương trình phát triển kinh tế của Ấn Độ, mà còn là một điểm đến quan trọng của giới doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Lên nắm quyền, ông Modi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào Ấn Độ nhằm tạo ra các nguồn vốn cần thiết để cải thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.

Việc Chính phủ của ông Modi tiếp tục theo đuổi nền kinh tế thị trường là cơ sở quan trọng để Nhật Bản ngày càng tham gia chặt chẽ và sâu sắc hơn với Ấn Độ về kinh tế. Ông Modi đã từng đến thăm Nhật Bản vào các năm 2007, 2012 để tạo ra các kênh đầu tư mới cho Nhật Bản vào bang Gujarat, thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản, đồng thời xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Abe.

Giới phân tích cho rằng, ông Modi đã trực tiếp gọi điện thoại chúc mừng ông Abe ngay sau khi ông Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012, thì giờ đây, ông Modi chắc chắn sẽ tận dụng những mối quan hệ tốt đẹp này để xây dựng và mở rộng quan hệ kinh tế Ấn - Nhật trong thời gian tới.

Đối với các chính sách tương lai, ông Modi sẽ hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính minh bạch và một môi trường đầu tư thân thiện như đã thực hiện ở bang Gujarat để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, quan trọng nhất là của Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Tập đoàn Suzuki/Nhật Bản sẽ có cơ hội thành lập các nhà máy mới và các đơn vị phụ trợ ở cả bang Gujarat và các bang khác của Ấn Độ, cụ thể, riêng tại bang Gujarat, đầu tư tư nhân của Nhật Bản sẽ đạt con số 2 tỷ USD vào giai đoạn 2015 - 2016.
Hiện nay, Nhật Bản đã là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Ấn Độ với khoảng 15 tỷ USD (năm 2013) và Nhật Bản đang tham gia vào xây dựng dự án Hành lang Công nghiệp Delhi-Mumbai trị giá 90 triệu USD. Ấn Độ đang tìm kiếm nhiều tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Nhật Bản.

Và hợp tác an ninh, chiến lược…

Theo giới phân tích, định hướng chính sách đối ngoại tương lai của chính quyền của Thủ tướng Modi sẽ dựa trên quan điểm đề cao chủ nghĩa dân tộc, theo đó, cách tiếp cận của Ấn Độ với Nhật Bản sẽ là các chương trình hợp tác cụ thể trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng để đối phó với những căng thẳng đang gia tăng trong khu vực và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh ở khu vực châu Á.

Các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông Modi trước hết tập trung vào phục hồi năng lực tham gia kinh tế của Ấn Độ với phần còn lại của châu Á, đồng thời tăng cường quốc phòng, an ninh và quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Singapore và một số nước khác.

Với cách tiếp cận này, chính quyền của ông Modi có thể góp phần vào thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời ngăn chặn tham vọng bành trướng của một số nước lớn. Ngoài ra, cách tiếp cận trên cũng bổ sung cho phương châm: “Tạo ra một châu Á mới” của Ấn Độ, tương ứng với việc đề cao những giá trị dân chủ của Thủ tướng Abe nhằm hướng tới một kênh hợp tác chiến lược mạnh mẽ Ấn - Nhật cả về kinh tế và quân sự.

Trên cương vị là Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản hơn nữa để mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Ấn - Nhật, nhất là sau khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân, cho phép quân đội Nhật có vai trò chủ động, tích cực hơn ở bên ngoài lãnh thổ…

Việc chính quyền của Thủ tướng Abe coi năng lượng hạt nhân là một lựa chọn trong chính sách hợp tác với Ấn Độ đã tạo ra các khu vực hợp tác mới tiềm năng Ấn – Nhật. Việc chính quyền của Thủ tướng Abe đang thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình, thông qua sửa đổi chính sách tự vệ tập thể của Nhật Bản… sẽ giúp mở rộng hợp tác quốc phòng Ấn - Nhật, cũng như trong lĩnh vực an ninh hàng hải và mở đường cho một hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự sẽ được ký kết trong tương lai gần, có thể vào nửa cuối năm 2014.

Trước đó, hồi tháng 4/2014, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Sujatha Singh cũng đã thăm Nhật Bản và hội đàm với Thứ trưởng ngoại giao của Nhật Bản Akitaka Saiki. Hai bên đã thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế, đồng thời, gặp gỡ các đối tác, các bộ và các quan chức của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, quốc phòng, kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản.

Như vậy, sự đồng thuận về quan điểm, giải pháp phục hưng kinh tế, cùng với những nhận thức chung về nguy cơ bất ổn khu vực, khiến quan hệ Ấn – Nhật đang có bước chuyển quan trọng. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận kỳ vọng vào sự đóng góp tích cực cho hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và quốc tế./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực