Gánh nặng Phư-ten-ma

Thứ ba, 04/10/2011 18:39

Mới đây, bên lề cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở Niu Y-oóc, Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Y.Nô-đa (Yoshihiko Noda) khẳng định, ông sẽ làm tất cả để giải quyết vấn đề di dời căn cứ Phư-ten-ma (Phư-ten-ma) theo thỏa thuận mà chính phủ Mỹ và Nhật Bản đã đạt được vào tháng 5-2010, dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Thỏa thuận đó là gì, liệu ông Y.Nô-đa có thực hiện được lời hứa của mình hay Phư-ten-ma vẫn tiếp tục là “phép thử” trong quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ?

Theo một thỏa thuận song phương năm 2006, Mỹ và Nhật Bản sẽ thực hiện “Lộ trình Tái bố trí quân đội”, theo đó sẽ di chuyển căn cứ không quân của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ Phư-ten-ma ở đảo Ô-ki-na-oa (Okinawa) từ khu vực đông dân cư của thành phố Gi-nô-oan (Ginowan) về khu vực ít dân cư Hen-nô-cô (Henoko) ở thành phố Na-gô (Nago), cũng thuộc đảo Ô-ki-na-oa. Đến năm 2014, các cơ sở vật chất quân sự (trong đó có sân bay) Phư-ten-ma sẽ được chuyển đến căn cứ Hải quân Schwab ở vùng Hen-nô-cô. Cũng trong năm 2014, khoảng 8000 binh sĩ Mỹ tại Phư-ten-ma cùng với gia đình họ (khoảng 9000 người) sẽ được chuyển từ Ô-ki-na-oa đến căn cứ Gu-am (Guam).

Các máy bay Mỹ tại căn cứ ở Phư-ten-ma. Ảnh: aolnews.com

Tuy nhiên, đã từ rất lâu, người dân Ô-ki-na-oa muốn quân Mỹ rút hẳn khỏi Ô-ki-na-oa. Trước đây, chính quyền của cựu Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma (Yukio Hatoyama) hành động khác, đề cập ngay lập tức vào vấn đề phức tạp này. Trong giai đoạn giữa năm 2009 và đầu năm 2010, hàng loạt các quan chức cấp cao của chính quyền Y.Ha-tô-y-a-ma đã nói với những người đồng cấp Mỹ rằng Nhật Bản sẽ tìm các phương án thay thế cho hiệp định mà hai nước ký năm 2006 về việc di chuyển căn cứ Phư-ten-ma. Bất chấp các rục rịch của chính quyền Y.Ha-tô-y-a-ma, Mỹ vẫn cho rằng chính quyền Y.Ha-tô-y-a-ma sẽ tuân thủ hiệp định 2006 chừng nào Mỹ còn tiếp tục bác bỏ bất cứ phương án nào thay thế.

Không ngạc nhiên, khi ngay sau đó, căn cứ Phư-ten-ma lại chính là yếu tố quan trọng khiến Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma buộc phải từ chức. Sau này lên nắm quyền, cựu thủ tướng N.Can (NaotoKan) cũng đã cam kết sẽ tuân thủ thỏa thuận 2006 và sẽ duy trì căn cứ quân sự tại Ô-ki-na-oa. Những diễn biến gần đây trong khu vực, nhất là sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, người Mỹ lại càng có lý do chính đáng để khẳng định về tầm quan trọng của sự hiện diện quân đội Mỹ tại khu vực.

Đối với Mỹ, vị trí địa lý của hòn đảo Ô-ki-na-oa trên thực tế là một con bài mang tính chiến lược không thể phủ nhận. Được ví như tàu sân bay trên cạn, hòn đảo nhỏ này cho phép giám sát nhiều điểm nóng trong khu vực, hơn thế lại tiện cho công tác huấn luyện và chi viện của Mỹ. Nếu chuyển căn cứ này đến những hòn đảo cô lập hơn sẽ quá tốn kém cho Mỹ.

Với Nhật Bản, cho dù rất khó xử, nhưng nước Nhật cũng hiểu rõ, liên minh với Mỹ sẽ đem lại cho họ một lợi thế chiến lược không phải bàn cãi. Điều này nằm trong trọng tâm của chính sách phòng thủ Nhật Bản. Chính vì vậy, giới phân tích đánh giá, lời hứa của ông Y.Nô-đa dường như thiếu thực tế. Thêm vào đó, hiện nước Mỹ đang gặp khó khăn về các vấn đề kinh tế, tài chính trong nước, Thượng viện Mỹ cũng đã bác bỏ các phương án gia tăng ngân sách quốc phòng trong những năm tới. Trong khi đó, về phía Nhật Bản, việc di chuyển căn cứ Phư-ten-ma không phải là một vấn đề bức thiết, cần làm ngay trong ngày một ngày hai. Trước mắt, việc khôi phục lại hoạt động sau thảm họa động đất, sóng thần, vấn đề nợ công, sự lên giá của đồng yên… mới là điểm nóng mà người dân Nhật quan tâm.

Trước mắt Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường cho công tác đối nội nhiều hơn. Thật dễ hiểu khi trước đó, trong năm 2010, chính phủ Nhật Bản đã quyết định cung cấp các khoản tài trợ mới không có ràng buộc để chính quyền Ô-ki-na-oa thúc đẩy phát triển địa phương. Chính phủ Nhật Bản hy vọng rằng, các khoản tài trợ này sẽ làm dịu bớt sự phản đối của người dân Ô-ki-na-oa đối với Phư-ten-ma. Với sự phức tạp của vấn đề Phư-ten-ma, các quan chức hàng đầu Nhật Bản cho rằng, cần làm tốt cả công tác đối nội và đối ngoại. Điều quan trọng nhất là ngăn chặn sự kích động của người dân cũng như không gây rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Điều mà các nhà lãnh đạo Nhật Bản cần lúc này chính là thời gian.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực