|
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Công thương |
(ĐCSVN) - Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn Nymex New York đã giảm sâu chỉ còn 82,71 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/10 vừa qua đã khiến dư luận quan tâm đến nguyên nhân và sự tác động của hiện tượng nói trên đến kinh tế toàn cầu.
Từ nguyên nhân…
Theo giới phân tích cho rằng có các nguyên nhân chủ yếu sau: Nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ tái khủng hoảng, châu Âu được đánh giá là “đang bên bờ vực của sự sụp đổ”. IMF đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu (2014, 2015) lần thứ ba, do tình trạng yếu kém và suy giảm của một số nền kinh tế lớn bao gồm cả sự giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và sự bất ổn ở Trung Đông, Ukraine…
Nhiều nước và vùng lãnh thổ bị hạ bậc xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu như: Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan, Anh và Thụy Điển… Một số quốc gia chưa thoát khỏi khủng hoảng, hoặc tụt bậc xếp hạng như: Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hy Lạp…
Khu vực thị trường mới nổi đang phải đối mặt với khó khăn như: Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil, Mexico, Ấn Độ và Nigeria. Trung Quốc tuy được xếp hạng cao nhất trong nhóm BRICS nhưng cũng tụt xuống thứ 28. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất tác động toàn diện đến quan hệ cung – cầu. Cầu giảm đương nhiên giá cả cũng giảm theo.
Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và OPEC cũng đang diễn ra. Trong khi OPEC muốn duy trì giá dầu tương đối thấp để tăng sức cạnh tranh, thì Mỹ cũng muốn thông qua giá dầu để loại Nga ra khỏi thị trường châu Âu và cản sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng từ Nga.
Theo đó, Mỹ đã gia tăng đáng kể nguồn cung năng lượng từ thị trường nội địa thông qua việc tái khai thác các nguồn dầu mỏ trong nước bao gồm cả dầu từ đá phiến… nhằm bù đắp sự thiếu hụt năng lượng do các đòn trả đũa trừng phát kinh tế của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Để trả đũa trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU. Nga đã thỏa thuận hợp tác song phương với Trung Quốc. Theo đó, Nga cung cấp 70 triệu thùng dầu thô cho Trung Quốc mỗi năm trong 10 năm tới.
Để xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc (Nga đầu tư 55 tỷ USD, Trung Quốc đầu tư 22 tỷ USD), hai bên cũng đã ký một hợp đồng trị giá 400 tỷ USD, với giá thấp hơn dự kiến trước đây. Với nguồn cung ổn định từ Nga đương nhiên Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu từ các nước thuộc OPEC. Đó là những lý do khiến giá dầu giảm.
… đến sự tác động
Nhiều chuyên gia nhận định, việc giá dầu giảm như hiện nay tác động không nhỏ đến các nền kinh tế theo mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn theo hướng phản ánh sự trì trệ của các nền kinh tế.
Lý do cơ bản là nền kinh tế toàn cầu, trước hết là châu Âu đứng trước nguy cơ tái khủng hoảng, sự khởi sắc của khu vực Eurozone hồi cuối năm ngoái đã bị triệt tiêu do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine do NATO kiên trì chiến lược “Đông tiến” vào không gian hậu Xô Viết của Nga.
Nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ cũng không có nhiều dấu hiệu lạc quan, do Mỹ bị phân tán nguồn lực vào nhiều mục tiêu chính trị, an ninh trên thế giới như: Ukraine, chống IS ở Trung Đông…
Các nước đang phát triển và mới nổi, sau một thời gian tăng trưởng nhanh, thậm chí là “nóng” đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nay cần có thời gian cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng “xanh” và “bền vững”, nên tốc độ đầu tư giảm, khiến nhu cầu dầu mỏ cũng giảm theo.
Sự khủng khoảng ở Ukraine, với việc phương Tây và Nga trừng phạt lẫn nhau; những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 5 và sự bùng phát cuộc chiến chống IS ở Trung Đông… cũng khiến các nhà đầu tư khu vực và toàn cầu buộc phải cân nhắc, di chuyển, thậm chí tìm nơi trú ẩn để bảo toàn vốn.
Thao túng thị trường…
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro mới đây đã cáo buộc Mỹ thao túng giá dầu hiện nay là có cơ sở. Vì dư luận hẳn vẫn còn nhớ năm 1990, Mỹ cũng đã thỏa thuận với Saudi Arabia trong việc làm giảm giá năng lượng đã góp phần vào việc làm tan rã Liên bang Xô Viết.
Việc xẩy ra khủng khoảng Ukraine cũng đã được Mỹ trù liệu từ trước nên Mỹ đã chủ động trong việc cho tái khởi động các mỏ dầu trước đây Mỹ đã đóng cửa để “để dành”, đồng thời đầu tư công nghệ mới cho việc khai thác các nguồn năng lượng khác thay thế dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu khi cần thiết.
Đây cũng có thể là chiến thuật “bắn một mũi tên trúng nhiều đích” gây thiệt hại cho các đối thủ cả về chính trị và kinh tế, bao gồm cả Nga, Iran và Venezuela... Đối với Nga, Mỹ muốn gia tăng hiệu quả trừng phạt kinh tế vì 50% thu nhận ngân sách của Nga là từ dầu mỏ, khí đốt; đối với Iran và Venezuela đều là những đối thủ không mấy dễ chịu.
Và “kịch bản” có thể diễn ra…
Một là, nếu tình hình kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế vẫn xấu như hiện nay, hoặc xấu thêm thì giá dầu sẽ tiếp tục giảm nhưng ở mức giá xung quanh 80 USD/thùng với các lý do:
Các nền kinh tế chủ chốt ở cả Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ từ nay đến cuối năm 2014 vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan.
Khối OPEC vẫn cảm thấy chấp nhận được với giá 80 - 85 USD/thùng. Họ cũng không thể cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa vì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Mỹ khai thác nội địa có thể đáp ứng mức giá thấp hơn (tới 75 USD/ thùng) nhưng Mỹ cũng không thể ép giá xuống thấp hơn gia do OPEC có vai trò chủ đạo trong việc định giá dầu quốc tế.
Hai là, nếu tình hình chính trị, an ninh quốc tế được cải thiện, nhất là tình hình Trung Đông, Ukraine và Trung Quốc có quan điểm tích cực hơn, niềm tin của các nhà đầu tư khu vực và quốc tế được khôi phục thì giá dầu có thể phục hồi dần xung quanh mức giá 100 USD/thùng, nhưng từ nay đến cuối năm 2014 thì kịch bản giá số một vẫn có nhiều khả năng hơn./.