(ĐCSVN) – Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), ông Fatih Birol vừa đưa ra cảnh báo rằng: hiện tượng giá dầu leo thang chóng mặt, điển hình do những diễn biến bất ổn tại Libya đang trở thành một mối nguy hiểm ngày càng hiện hữu và có nguy cơ sẽ “làm suy yếu quá trình phục hồi vốn mong manh của nền kinh tế toàn cầu”.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Phát biểu trong một cuộc trả lời phóng viên Tân Hoa Xã, ông Birol nhấn mạnh: “Châu Âu, đặc biệt là Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang trở thành những khu vực dễ bị tác động nhất trong bối cảnh tiếp nhận khoảng 85% lượng dầu thô xuất khẩu của Libya”. Bên cạnh đó, nhà kinh tế trưởng của IEA cũng đưa ra nhận định không mấy lạc quan đối với nền kinh tế châu Âu khi cho rằng đây là một trong những mắt xích yếu nhất của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cũng theo nhận định của ông Birol thì giá dầu leo thang sẽ để lại nhiều tác động tiêu cực như: làm mất sự cân bằng của cán cân thương mại, giảm thu nhập của các hộ kinh doanh và gia đình, tạo sức ép đối với lạm phát cũng như tỷ giá hối đoái và cuối cùng là làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, trong một bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal), chuyên gia kinh tế kỳ cựu của IEA cũng đưa ra dự báo rằng, trong năm 2011, mức giá dầu trung bình sẽ đạt 100 USD/thùng. Trong năm 2011, nhập khẩu dầu mỏ sẽ tiêu tốn của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt là 385 tỷ USD (tăng 80 tỷ USD so với năm 2010) và 375 tỷ USD (tăng 76 tỷ USD so với năm 2010).
Tuần trước, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã có lúc tăng vọt lên đến gần ngưỡng tâm lý 120 USD/thùng. Phiên giao dịch 1/3, dầu thô giao tháng 4 trên sàn New York tăng 2,66 USD/thùng, lên 99,63 USD/thùng. Dầu Brent giao cùng kì hạn tại London tăng 3,62 USD/thùng, tương đương 3,2%, lên 115,42 USD/thùng. Cuối tuần trước, giá xăng trung bình cũng đã tăng lên 3,29 USD một gallon so với 3,11 USD tháng trước. Theo quy luật, mỗi xu giá dầu tăng khiến cho người tiêu dùng mất thêm hơn một tỷ USD một năm.
Theo nhận định của ông Birol, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định cuối cùng dựa trên những diễn biến hiện nay bởi “tình hình đang thay đổi khá nhanh và chúng ta sẽ buộc phải đánh giá lại tình hình nếu như nguồn cung chất đốt bị suy yếu hay thậm chí là không tiến triển trong một thời gian dài”.
Ông Birol cho biết, trong tương lai gần, sự sụt giảm nguồn cung sẽ được điều chỉnh thông qua tính linh hoạt của hệ thống lọc dầu và thông qua sự luân chuyển các nước cung cấp dầu mỏ. Bên cạnh đó, ông cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định của Ả rập Xê-út nhằm nâng sản lượng dầu thô lên mức 9 triệu thùng/ngày.
Cũng trong một hy vọng nhằm sớm gạt bỏ được những quan ngại tiềm tàng về thị trường dầu mỏ, ông Birol đã nhấn mạnh đến vai trò dự trữ cũng như sự chuẩn bị của IEA khi khẳng định rằng, các thành viên của cơ quan này dự trữ đủ lượng dầu thô cần thiết để có thể cung cấp 4 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường trong vòng 1 năm.
Theo tính toán của IAEA đưa ra cuối tuần trước, những diễn biến bất ổn tại Libya-nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 13 trên thế giới đã khiến sản lượng dầu mỏ tại quốc gia này bị sụt giảm nghiêm trọng xuống chỉ còn 0,85 triệu thùng/ngày so với mức bình quân 1,6 triệu thùng/ngày trước đó./.