Giá dầu mỏ - mối lo mới của thế giới

Thứ sáu, 23/03/2012 23:27

(ĐCSVN) - Mới đây, tập đoàn ngân hàng Hồng Công Thượng Hải (HSBC) có trụ sở tại Luân Đôn/Anh đưa ra báo cáo với chủ đề: “Dầu mỏ - một Hy Lạp mới”, trong đó nhận định cơn sốt giá dầu đang trở thành mối lo mới nhất đối với kinh tế thế giới.

Nỗi lo ngại này là điều dễ hiểu trong lúc căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân I-ran lên cao và giá dầu thô Bren Biển Bắc đã tăng trên 5% trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3/2012, lên 128 USD/thùng sau khi báo chí I-ran đưa tin về vụ nổ đường ống dẫn dầu chủ chốt ở Ả-rập Xê-út. Tuy giá dầu thô đã dịu lại sau khi Ả-rập Xê-út bác bỏ tin này, nhưng với mức khoảng 125 USD/thùng như hiện nay giá dầu thô vẫn cao hơn 16% so với đầu năm 2012. Để đánh giá những nguy cơ từ việc dầu thô sốt giá, trước hết cần trả lời lần lượt 4 câu hỏi: Nhân tố nào đang đẩy giá dầu thô lên? Giá dầu có thể lên cao đến mức nào? Cho tới nay việc giá dầu thô tăng cao đã gây tác động gì về mặt kinh tế? Sự gia tăng của giá dầu thô trong tương lai sẽ gây tổn hại gì?.

Giới phân tích cho rằng, các cú sốc về nguồn cung dầu mỏ là kết quả của sự gia tăng mạnh nhu cầu. Chính sự hào phóng của các ngân hàng Trung ương (NHTW) đã đẩy giá dầu mỏ lên cao. Trong những tháng gần đây, các NHTW chủ chốt trên thế giới đều bơm tiền mặt hoặc gia hạn các chương trình nới lỏng định lượng (QE/in thêm tiền để mua trái phiếu) hoặc cam kết duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài hơn. Chính dòng tiền “rẻ” này đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua các “tài sản cứng”, đặc biệt là dầu mỏ. Bên cạnh đó, các NHTW có thể đã ảnh hưởng gián tiếp lên dầu mỏ thông qua góp phần tạo nên tăng trưởng toàn cầu, qua đó thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ đi lên. Sự tăng giá gần đây của dầu thô diễn ra cùng thời điểm kinh tế thế giới - đặc biệt là các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Đức có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn.

Bên cạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn, một động lực quan trọng đẩy giá dầu lên cao gần đây và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới là sự gián đoạn nguồn cung. Một loạt rắc rối không liên quan đến I-ran, từ cuộc tranh chấp đường ống dẫn dầu với Nam Xu-đăng đến những trục trặc ở Biển Bắc, đã làm giảm nguồn cung khoảng 700.000 thùng/ngày. Trong khi đó nguồn cung dự phòng hiện vẫn mỏng, kho dự trữ dầu của những nước giàu đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi việc tăng thêm lượng dầu dự phòng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không dễ thực hiện. Thêm nữa sự gián đoạn nguồn cung của I-ran có nguy cơ còn lớn hơn nhiều nếu nước này đóng cửa Eo biển Hoóc-mút (tuyến đường vận chuyển dầu thô huyết mạch từ Vùng Vịnh ra thế giới), nơi mỗi ngày có khoảng 17 triệu thùng dầu vận chuyển qua, tương đương khoảng 20% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Chuyên gia Cu-ri-ê thuộc Goldman Sachs cho rằng, những nhân tố cơ bản liên quan đến cung - cầu đã đẩy giá dầu lên khoảng 118 USD/thùng. Theo ông này, một nhân tố khác hỗ trợ giá dầu là “nỗi lo I-ran”. Nếu tình hình I-ran được cải thiện giá dầu mỏ sẽ giảm xuống vài USD, nhưng vẫn xấp xỉ ngưỡng 120 USD/thùng.

Trên toàn cầu, thiệt hại từ sự gia tăng của giá dầu cho đến nay có thể ở mức vừa phải. Cứ 10% giá dầu tăng lên thì tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu bị giảm 0,2% trong năm đầu tiên. Tuy vậy, tác động đối với tăng trưởng và lạm phát tại từng nước cũng sẽ khác nhau. Tại Mỹ, ước tính giá dầu thô tăng 10%, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này giảm khoảng 0,2% trong năm đầu và 0,5% trong năm tiếp theo. Trong khi đó, với mức thuế đánh vào dầu mỏ cao hơn nhiều so với Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu đáng ra không bị ảnh hưởng nhiều khi dầu mỏ đắt hơn. Tuy nhiên châu lục này dường như đang bị tác động nhiều hơn, vào thời điểm hầu hết các nền kinh tế khu vực tăng tưởng trì trệ hoặc sa sút. Tệ hơn, các nền kinh tế yếu nhất châu Âu lại ở trong số những nước nhập khẩu dầu mỏ ròng lớn nhất. Hy Lạp hiện phụ thuộc rất lớn vào năng lượng nhập khẩu, trong đó 88% là dầu mỏ. Tại các nền kinh tế đang nổi, tác động của giá dầu mỏ lại khá đa dạng. Các nước xuất khẩu dầu mỏ từ Vê-nê-du-ê-la đến Trung Đông đang thu được lợi lớn, trong khi các nhà nhập khẩu dầu mỏ chứng kiến cán cân thương mại mất cân bằng.

Theo các nhà phân tích, dầu mỏ trước mắt sẽ không trở thành một Hy Lạp mới nhưng sẽ bất lợi cho các nền kinh tế dễ đổ vỡ ở châu Âu. Và nếu I-ran đóng cửa Eo biển Hoóc-mút, giá dầu thô chắc chắn sẽ tăng vọt, đồng nghĩa với đà phục hồi kinh tế toàn cầu có thể chững lại.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực