Giải pháp chính trị - lối thoát hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng Libya

Thứ sáu, 22/04/2011 22:07

(ĐCSVN) Đã hơn một tháng kể từ khi lực lượng liên quân quốc tế thực hiện chiến dịch quân sự “Bình minh Odyssey" (Odyssey Dawn) tại Libya. Trong khi đó, giao tranh giữa các lực lượng trung thành và chống đối chính phủ tại quốc gia Bắc Phi này vẫn đang tiếp diễn vô cùng khốc liệt. Tình hình Libya đang cho thấy, giải pháp chính trị có thể là lối thoát hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi.

 

 Tại Libya, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt (Ảnh: Xinhua)


Ngày 19/3, lực lượng liên quân do Pháp, Anh, Mỹ cầm đầu đã mở màn cho các cuộc không kích vào Libya, dùng bom và tên lửa tấn công các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hành động này diễn ra chỉ một ngày sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua bản nghị quyết thiết lập vùng cấm bay tại Libya trong một nỗ lực nhằm bảo vệ thường dân tại quốc gia Bắc Phi này khỏi nguy cơ bị tấn công.

Tuy nhiên, không lâu sau khi liên quân tiến hành không kích Libya, ngày càng có nhiều quốc gia, các tổ chức và các đảng phái chính trị đưa ra các câu hỏi về động cơ, phương pháp và kết quả của các hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào tình hình nội bộ Libya. Thậm chí nhiều chuyên gia, nhiều nhà phân tích chính trị còn đưa ra nhận định rằng, hành động can thiệp quân sự sẽ chỉ làm trầm trọng hơn, thay vì cải thiện tình hình nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.

Những nghi vấn xung quanh động cơ của chiến dịch quân sự tại Libya

Theo nhận định của một số nhà phân tích thì chương trình nghị sự của các nước phương Tây tại Libya thậm chí còn “bận rộn” hơn nhiều so với việc thiết lập một “vùng cấm bay để bảo vệ thường dân” theo như sự ủy quyền của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Phát biểu trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã, nhà phân tích chính trị Sudan Abdullatif Haj Hussein đưa ra nhận định rằng, sự can thiệp của phương Tây vào tình hình Libya được thực hiện dưới chiêu bài “thực thi bản nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc”. “Những kinh nghiệm đúc rút từ cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan cho thấy, sự can thiệp quân sự từ phía nước ngoài thường đi kèm với những mưu toan to lớn hơn, về lợi ích kinh tế và chính trị”, ông Hussein nói.

Ông Hussein cho rằng, Libya có thể đáp ứng 2/3 nhu cầu về dầu mỏ của các quốc gia đang tham gia chiến dịch “Bình minh Odyssey” và “các quốc gia này đang tìm kiếm cơ hội đảm bảo các lợi ích về dầu mỏ của mình tại Libya”.

“Tham vọng của các cường quốc đóng một vai trò chủ đạo trong việc thay đổi chiều hướng của các cuộc biểu tình tại Libya và ngày càng rõ ràng rằng, các nước lớn đang tìm kiếm cơ hội vẽ lại bản đồ cho khu vực Bắc Phi và phía Nam Địa Trung Hải. Những diễn biến tại Libya đã tạo một tiền đề tốt để các cường quốc hoàn thành kế hoạch này”, ông Hussein nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Sudan Abdul-Rahim Al-Sunny lại cho rằng, động cơ chính đằng sau quyết định can thiệp quân sự vào tình hình Libya là nhằm “phân chia quốc gia Bắc Phi này thành hai phần gồm phía Đông và phía Tây” cũng như nhằm đưa quốc gia này quay trở về một thời kỳ lịch sử vốn đã tồn tại trước thời trị vì của vua Al-Sanousi”.

“Cuộc chiến hiện nay tại Libya mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các nước phương Tây với vai trò là các ông lớn, bán vũ khí cho một bên trong khi đầu tư cho bên khác trong cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này…Vì thế, lợi ích của các nước phương Tây phụ thuộc vào việc kéo dài cuộc xung đột tại Libya trong thời gian lâu nhất có thể và dường như mối quan tâm của họ không chỉ đơn thuần là lật đổ ông Gaddafi”, ông Al-Sunny nói.

Bên cạnh đó, ông Al-Sunny cũng cho rằng, các nước phương Tây hiện đang lo ngại về khả năng người Hồi giáo sẽ nắm quyền kiểm soát Libya trong trường hợp Chính quyền Gaddafi bị lật đổ.

Ngoài ra, cả hai nhà phân tích trên đều chia sẻ chung một quan điểm rằng, vị trí quan trọng của “vàng đen” tại Libya không nằm ở chất lượng mà chính ở số lượng. Hiện Libya đang sản xuất 2 triệu thùng dầu mỗi ngày và đang lên kế hoạch tăng sản lượng lên thành 3 triệu thùng/ngày trong vòng vài năm tới. Ngoài ra, tiềm năng dầu mỏ của Libya còn nằm ở chỗ, trong năm 2010, các công ty khai thác dầu mỏ tại quốc gia này đã phát hiện ra thêm 24 mỏ dầu mới.

Hành động can thiệp quân sự sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Libya

Nhiều quốc gia và các tổ chức khu vực cũng như quốc tế, gồm cả Liên minh châu Phi (AU) đã bày tỏ quan điểm phản đối hành động can thiệp quân sự nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libya, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc làm này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này. Lập trường trên ngay lập tức cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia và các nhà phân tích chính trị trên thế giới.

Ông Ahmed Adhimi-một giáo sư người Algeria tại trường Đại học Algiers nhận định, hành động can thiệp quân sự sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay tại Libya mà thay vào đó, sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình với nhiều nguy cơ gây chia rẽ đất nước.

Theo nhận định của ông Adhimi thì cuộc xung đột tại Libya có thể sẽ tiếp tục kéo dài và thậm chí còn có nguy cơ chia đất nước này thành hai nửa, miền Tây do ông Gaddafi kiểm soát và miền Đông dưới vai trò quản lý của Hội đồng chuyển giao dân tộc (TNC)-đại diện cho phe nổi dậy.

Giải pháp chính trị -chìa khóa chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Libya

Trong bối cảnh các nước phương Tây đang lên kế hoạch tăng hành vi can thiệp quân sự vào tình hình Libya thì càng ngày càng có nhiều quan điểm ủng hộ giải pháp chính trị nhằm tháo gỡ nút thắt cho cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Phát biểu tại Washington hôm 20/4, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Jean Ping khẳng định, AU chưa từng lên tiếng ủng hộ một giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng tại Libya. “Kể từ khi bắt đầu, chúng tôi đã tin rằng, tình hình tại Libya cần được giải quyết thông qua con đường chính trị và chúng tôi đã đưa ra một lộ trình đủ rõ ràng để có thể hạ nhiệt cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này”, ông Jean Ping nói.

Bên cạnh đó, quan chức trên cũng nhấn mạnh rằng, kể từ khi nhóm tiếp xúc quốc tế về tình hình Libya nhóm họp tại Doha, Qatar hồi tuần trước, AU đã nhận thức được một thực tế rõ ràng rằng “chúng ta hiện đang chuyển dần từ các hoạt động quân sự sang tìm kiếm một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng tại Libya”.

Trong khi đó, ông Bruce Jones, một chuyên gia thuộc trung tâm hợp tác quốc tế, trường đại học New York cũng đưa ra nhận định rằng, khả năng đưa ra một thỏa thuận hòa bình giữa lực lượng chống đối và thân Chính phủ tại Libya vẫn còn rất mờ nhạt, qua đó, ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một giải pháp chính trị đối với tình hình tại Libya và bày tỏ tin tưởng “cơ hội tìm ra một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng tại Libya vẫn còn để ngỏ”.

Trong khuôn khổ phiên họp các Ngoại trưởng NATO diễn ra tại Berlin, Đức hồi tuần trước, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã bày tỏ quan điểm rằng, sức mạnh quân sự đơn thuần sẽ không thể mang lại giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya.

Hiện 14 trong tổng số 28 nước thành viên NATO đang tham gia tích cực vào chiến dịch quân sự tại Libya, cùng với sự hợp tác của một số nước khác như Qatar, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Thụy Điển.

Về phần mình, Liên đoàn Ả rập hồi tháng trước cũng đã tuyên bố ủng hộ bản nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về áp đặt vùng cấm bay để bảo vệ thường dân tại Libya—tuy nhiên, ông Omar Turbi, một chuyên gia về các mối quan hệ Mỹ-Libya đã đưa ra nhận định rằng, Liên đoàn Ả rập sẽ không đi xa hơn về vấn đề Libya.

Hiện ngày càng có nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về chiến dịch can thiệp quân sự vào tình hình Libya, đặc biệt sau khi phương Tây đã thất bại trong công cuộc tái thiết thời hậu chiến tại Iraq và Afghanistan. Theo quan điểm của ông Jones, phe chống đối tại Libya sẽ được hưởng lợi từ một giải pháp ngoại giao “chia sẻ quyền lực thay vì thâu tóm toàn bộ quyền lực tại một nhà nước sụp đổ”. Bên cạnh đó, ông Turbi cũng nhấn mạnh quan điểm rằng “bất kỳ giải pháp chính trị nào nếu được đưa ra, nên được chính nhân dân Libya kiểm soát”./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực